BVR&MT – Phiên họp lần thứ 8 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước sẽ diễn ra từ ngày 25-27/6 tại thành phố La Haye, Hà Lan. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại châu Âu về sự kiện này, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh cho biết năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam – Hà Lan, đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ hợp tác vì lợi ích của hai nước và sự tiến bộ chung trên thế giới. Tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức đã mở màn cho các hoạt động trong năm nay, cụ thể hóa và nâng tầm quan hệ hai nước thêm một bước. Trong chuyến thăm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Là người đứng đầu ngành tài nguyên, môi trường Việt Nam từ nhiều năm qua và hiện nay, trên cương vị mới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm Hà Lan lần này cũng hướng đến nội dung trên với vai trò đồng chủ trì phiên họp lần thứ 8 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thực hiện chuyến thăm song phương cũng với chủ đề là hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Đại sứ Phạm Việt Anh, đây là một nội dung quan trọng, xuyên suốt mảng hợp tác chiến lược giữa hai nước, mang ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam trong quá trình vượt qua thách thức của thiên nhiên trong những thập niên tới.
Trong chuyến thăm tới Hà Lan, ngoài phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ, dự kiến Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ có các cuộc tiếp xúc, làm việc với Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, lãnh đạo Chính phủ, làm việc với Hoàng thân – Đặc phái viên về Khí hậu, thăm và làm việc với cảng Rotterdam và Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng với biến đổi khí hậu, làm việc với Cơ quan Đầu tư Quốc tế Hà Lan, dự Tọa đàm Doanh nghiệp Hà Lan – Việt Nam trong lĩnh vực khai thác cát, bồi lấn biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ tham dự Lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hà Lan – Việt Nam và tuyên bố khai mạc triển lãm ảnh về Việt Nam, mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại Hà Lan.
Về hợp tác song phương trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, Đại sứ Phạm Việt Anh cho biết Việt Nam và Hà Lan có “cơ duyên hợp tác” từ sự tương đồng hoàn cảnh trước thách thức của thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Cơ duyên này còn bắt nguồn từ một phần quan trọng hơn nhiều, đó là sự đồng điệu, đồng cảm từ bấy lâu. Người dân Hà Lan yêu hòa bình, trọng công lý đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Ủy ban Y tế Hà Lan Việt Nam (MCNV) đã vận động quyên góp thuốc men và vật lực để giúp nhân dân Việt Nam và xây xựng một bệnh viện ngay tuyến lửa Quảng Trị từ năm 1968 và MCNV vẫn tích hoạt động cho đến bây giờ. Hà Lan coi Việt Nam là đối tác có cùng ý thức. Vì vậy, có thể nói sự đồng cảm và thống nhất nhận thức trong rất nhiều vấn đề lớn của toàn cầu, như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, không phải chỉ cho hai nước, mà cho toàn cầu. Đó là những yếu tố quan trọng để hai nước ngày càng thắt chặt quan hệ hợp tác, cùng phát triển.
Hai nước có rất nhiều chương trình, dự án hợp tác thành công, hiệu quả. Thông qua hai khuôn khổ hợp tác đối tác chiến lược về “Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nước” và phát triển “Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực”, Hà Lan giúp Việt Nam xây dựng Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long. Kế hoạch này là một chương trình tổng thể gồm nhiều dự án, chương trình nhỏ, như Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai tại 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch tổng thể Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giải quyết các vấn đề tại đây với nhiều dự án lớn. Ví dụ như: Dự án Quy hoạch lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp bền vững vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng thí điểm hệ thống giám sát và kiểm tra hệ thống đê và đập ở Việt Nam; Ý định thư về các dự án chuyển đổi quy mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tái cấu trúc và xây dựng liên kết vùng.
Bên cạnh những dự án về xây dựng, quy hoạch, hai nước còn có những dự án về giáo dục, đào tạo đại học và sau đại học trong lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu, như Chương trình tri thức Hà Lan Orange Knowledge Program (OKP).