BVR&MT – Huyện Văn Yên luôn dẫn đầu về tiến độ, chỉ tiêu trồng rừng và đến thời điểm này, khi thời vụ trồng rừng vụ xuân còn chưa khép lại, huyện đã hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng rừng cả năm.
Ông Lương Ánh Điền – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết: “Phong trào trồng rừng kinh tế tại xã Đông Cuông phát triển mạnh và trung bình mỗi năm người dân trồng mới được khoảng 40 ha; trong đó, chủ yếu là cây quế. Để kế hoạch trồng rừng sát với thực tế, hàng năm, xã thống kê diện tích khai thác và căn cứ vào đó lập kế hoạch vận động nhân dân trồng, thâm canh trên diện tích đã khai thác. Đến hết tháng 3, toàn xã đã trồng mới được trên 40 ha rừng; trong đó, có 30 ha quế, vượt kế hoạch trồng rừng của năm”.
Những năm gần đây, phong trào trồng rừng ở Văn Yên phát triển mạnh mẽ. Tính từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, huyện Văn Yên trồng mới được gần 3.000 ha rừng. Trong cơ cấu cây trồng, quế vẫn là chủ lực. Đến nay huyện đã phát triển được vùng quế trên 52.000 ha, phân bố ở tất cả các xã, thị trấn; trong đó, diện tích quế tập trung 25.357 ha đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã nằm ở khu vực hữu ngạn sông Hồng; diện tích quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ trên 4.000 ha.
Ông Vũ Minh Phúc – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Yên cho biết: Để hoàn thành mục tiêu trồng mới trên 3.600 ha rừng năm 2023, huyện đã xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng địa phương; đồng thời, tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, chuẩn bị tốt cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của nhân dân.
Đến hết tháng 3, toàn huyện trồng mới được trên 3.130 ha, bằng 102% kế hoạch năm; trong đó, diện tích quế 2.722 ha, cây lâm nghiệp khác 408,7 ha. Nhiều xã có diện tích trồng rừng lớn như: Mỏ Vàng 210 ha, Xuân Ái 180 ha, Phong Dụ Hạ 170 ha… Các loại cây trồng đều có hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ kiểm lâm địa bàn nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo tỷ lệ sống cao.
Có được kết quả này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự năng động, nhạy bén của người dân, còn phải nói đến việc chuyển đổi thời vụ trồng rừng.
Được biết, những năm trước, trồng rừng trên địa bàn huyện Văn Yên thường tập trung vào vụ xuân, vụ thu. Sau nhiều năm cho thấy, trồng rừng vào vụ thu hiệu quả không cao và thường gặp thời điểm nắng nóng, cây sinh trưởng, phát triển kém, số diện tích rừng phải trồng dặm lại rất lớn. Do đó, 2 năm trở lại đây, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị trồng rừng từ sớm, tránh thời điểm nắng nóng. Năm nay, khi trồng rừng vụ xuân còn chưa khép lại, huyện đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm.
Để kinh tế rừng phát triển bền vững, song song với việc quy hoạch diện tích phù hợp, huyện Văn Yên tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Theo đó, huyện sẽ phát triển ổn định diện tích quế khoảng 60.000 ha gắn với nâng cao chất lượng nguyên liệu quế; phấn đấu đến năm 2025 có từ 35.000 ha quế trở lên được sản xuất theo quy trình hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế; bảo tồn, giữ gìn gen quý giống quế bản địa để xây dựng thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống quế chất lượng cao cho các địa phương trong, ngoài tỉnh; tăng cường liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp trong việc trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm quế.
Cùng đó, huyện ưu tiên thu hút các dự án chế biến sâu các sản phẩm từ quế (tinh dầu quế, vỏ quế) thành các sản phẩm đa dạng, có chất lượng và giá trị kinh tế cao trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, than sinh học và hàng thủ công mỹ nghệ… đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp; thu hút các dự án chế biến gỗ rừng trồng và gỗ quế tạo ra các sản phẩm gỗ thành phẩm và bán thành phẩm xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế.a