BVR&MT – Các loại dược liệu Việt Nam đang được hồi sinh, những đỉnh núi được phủ kín bằng thảo dược đặc hữu… Tập đoàn TH đang triển khai mạnh mẽ kế hoạch đưa dược liệu Việt cất cánh ra thế giới.
Đắm say thảo dược Việt và khát vọng đưa các “quốc bảo” trở thành sinh kế của người dân (Kỳ I)
Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu từ xa xưa. Thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho thấy, nước ta có khoảng 4.000 loài cây có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài quý như: Sâm Ngọc Linh, sâm vũ diệp, đương quy, đẳng sâm, ngũ gia bì, tam thất, bách hợp, thông đỏ, cây bảy lá một hoa, lan thạch hộc…
Tuy nhiên, dù sở hữu “kho báu” quý hiếm, chúng ta vẫn chưa phát triển nó xứng với tiềm năng. Dược liệu Việt chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh, chưa được khai thác và bảo tồn để phát triển bền vững và đóng góp xứng tầm cho sức khỏe người Việt.
Nhìn thấu thực trạng này, trong 10 năm qua, Tập đoàn TH – đứng đầu là Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn đã từng bước xây dựng và thực hiện đề án Kinh tế dưới tán rừng, tiếp đó là các đề án bảo tồn và phát triển từng loại thảo dược quý/đặc hữu. Bà Thái Hương quyết tâm làm cuộc cách mạng kinh tế dưới tán rừng, để thảo dược không những phát huy được công dụng vốn có của nó đối với sức khỏe cộng đồng mà còn xây dựng các thương hiệu quốc gia về thảo dược Việt sánh ngang Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…
Ứng dụng công nghệ đầu cuối thế giới
Công nghệ đầu cuối thế giới, một trong ba chân kiềng (cùng với trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt) làm nên cuộc cách mạng Sữa tươi sạch ở TH, nay tiếp tục được phát huy sức mạnh tại cuộc cách mạng thảo dược. Toàn bộ quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành các vườn ươm, nhân giống, vùng nguyên liệu, thu hoạch, chế biến thảo dược của TH đều được thực hiện theo công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của Cộng hòa Liên bang Đức hoặc Israel. Đại diện TH cho biết, trong tương lai không xa, sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến tại một số địa phương nơi TH phát triển diện tích thảo dược lớn.
Hiện tại, TH đang vận hành hai dự án chế biến, sản xuất đồ uống từ thảo dược là: Nhà máy Nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên ở Nghệ An và Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ ở Sơn La. Đây là những công trình tiêu biểu thể hiện con đường phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với chế biến sản xuất công nghệ cao.
“Khi đã phát triển được các vùng dược liệu đặc hữu, chúng tôi sẽ làm thương hiệu để tất cả người Việt Nam biết đến và hưởng thụ nó. Chúng tôi dùng công nghệ trích ly chiết xuất với áp suất cao để giữ nguyên tinh tuý và những vi chất tốt nhất của thảo dược. Tiếp đó, ứng dụng khoa học kết hợp các nhóm thảo dược với nhau để trở thành những hợp chất dinh dưỡng cải thiện từ chiều cao cho đến sức khoẻ và trí tuệ tốt nhất cho người Việt”. Đó là con đường chiến lược mà bà Thái Hương chia sẻ, theo đó, “hoàn toàn từ thiên nhiên” vẫn là giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp theo đuổi.
Tính cách mạng trong con đường thảo dược của Nhà sáng lập Tập đoàn TH còn thể hiện ở chỗ, người nông dân được đưa vào chuỗi giá trị khép kín, để họ có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, không cần phải tha phương. Trồng thảo dược trở thành một sinh kế của bà con. Thông qua việc chế biến các “quốc bảo”, cuộc sống của họ được nâng cao, trở thành một phương tiện sinh kế.
Bà Thái Hương giải thích: “Tôi định hướng cho người nông dân tập hợp thành nhóm sản xuất, thành hợp tác xã, tôi sẽ cung cấp giống cho họ. Người dân sẽ làm 2 việc: một là hái lượm thảo dược hữu cơ tự nhiên dưới tán rừng hoặc nhân giống, hai là trồng dược liệu hữu cơ xung quanh bìa rừng… Doanh nghiệp chúng tôi sẽ liên kết thu mua sản phẩm cho bà con, thực hiện khâu sơ chế, chế biến và phân phối sản phẩm theo chuỗi khép kín”.
10 năm nữa, thảo dược Việt sẽ “cất cánh” ra thế giới
Nhiều năm nay, TH đã phát triển được một vùng dược liệu tại Nghệ An quy mô khoảng 250 ha. Dưới tán rừng và quanh bìa rừng tại Yên Thành, Mường Lống – Kỳ Sơn, Nghệ An là những vùng chuyên canh gấc, lạc tiên, rau má, sâm bạch quả, lan thạch hộc, hà thủ ô đỏ. TH bảo tồn được 9 loài thảo dược quý, có loài tưởng chừng đã biến mất, như tam thất Bắc, đương quy, đẳng quy, ngũ gia bì, cây bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa), lan thạch hộc tía, sâm Puxailaileng… Đến nay, TH đã giữ gìn và phát triển được trên 30 loại cây thuốc tại Mường Lống và Na Ngoi và con số này đang không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, các dự án chuyên canh dành riêng cho một số loài đặc hữu như gấc, sâm Ngọc Linh hoặc quý hiếm như Lan thạch hộc tía đang được triển khai bài bản tại các địa phương khác. Tổng diện tích trồng thảo dược của TH dự kiến 15.000 ha trên toàn quốc.
Các sản phẩm thảo dược của TH cho đến nay đã có những điểm nhấn ấn tượng, ví dụ như các sản phẩm từ trái gấc. Những trang trại gấc mênh mông của TH tại Nghệ An đã cung cấp nguyên liệu cho các chuyên gia TH để cho ra đời các sản phẩm như viên nang gấc Lyco Prevent, sữa hạt TH true NUT hạt và Gấc; hay các loại Nước trái cây tự nhiên TH true JUICE Táo – Gấc.
Bên cạnh gấc, TH đã phát triển dòng sản phẩm Trà thảo dược túi lọc TH true HERBAL bao gồm các sản phẩm là sự kết hợp sáng tạo giữa các loài thảo dược, hỗ trợ cho sức khỏe con người. Trà xưa nay trong văn hóa người Việt thường là chè xanh, trà xanh, bên cạnh đó cũng có các loại trà làm từ thảo dược. Thảo dược vừa có thể dùng để làm thức ăn hàng ngày vừa có thể chế biến thành các sản phẩm y tế dự phòng. Các sản phẩm trà thảo dược đem đến sự sảng khoái và trải nghiệm mới, có những nét hấp dẫn riêng so với các loại chè, trà truyền thống; và trà thảo dược túi lọc TH true HERBAL chính là phần tiếp nối câu chuyện thật của TH với những giá trị “thật” chăm sóc cho sức khỏe của người tiêu dùng; tiếp tục thể hiện bản lĩnh kiên định của Tập đoàn TH trên con đường vì sức khỏe cộng đồng.
“Với chiến lược trồng theo diện tích lớn từng loại thảo dược đặc hữu, trong vòng 10 năm nữa, tôi chắc rằng thảo dược Việt Nam sẽ cất cánh ra thế giới, đứng top đầu của thế giới. Đồng thời, Việt Nam sẽ hình thành những điểm du lịch trang trại thảo dược, resort nghỉ dưỡng, dưỡng lão tại các vùng dược liệu đặc hữu” – bà Thái Hương khẳng định.
Ban biên tập