Đắm say thảo dược Việt và khát vọng đưa các “quốc bảo” trở thành sinh kế của người dân (Kỳ I)

BVR&MT – Những trang trại mênh mông trồng gấc, loại quả đến từ thiên đường. Những đỉnh núi mù sương cao 1.500-2.000 mét so với mực nước biển với lớp thấp nhất dưới tán rừng được phủ kín bằng thảo dược đặc hữu của Việt Nam như sâm Ngọc Linh hay loại “tiên thảo” hàng đầu như lan thạch hộc tía…

Đó là những điểm nhấn trong bức tranh thảo dược mà TH đang triển khai mạnh mẽ nhằm đưa dược liệu Việt phát triển đúng tầm trong nước và cất cánh ra thế giới.

Đắm say thảo dược Việt

Thực hiện các dự án bảo tồn và khai thác bền vững nguồn dược liệu dưới tán rừng, Tập đoàn TH tiên phong trở thành nhà sản xuất và cung cấp dược liệu và sản phẩm dược liệu hàng đầu Việt Nam cho các đối tác trong và ngoài nước.

Trước hết, TH tập trung vào các loại đặc hữu của Việt Nam như gấc (nhiều tỉnh trên cả nước), sâm Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam), lan thạch hộc tía… cùng khoảng 30 loài thảo dược quý khác đang được hồi sinh, ươm trồng và phát triển tại các rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng, như Vườn Quốc gia Pù Mát, xã Mường Lống, xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn – Nghệ An, rừng đặc dụng Yên Bái, Hà Giang…

TH trồng nhiều loại thảo dược tại Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu từ xa xưa. Mảnh đất này có hàng ngàn loại cây thuốc đặc hữu có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, lại có lịch sử nền y học cổ truyền lâu đời. Thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho thấy, nước ta có khoảng 4.000 loài cây có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài quý như: Sâm Ngọc Linh, sâm vũ diệp, đương quy, đẳng sâm, ngũ gia bì, tam thất, bách hợp, thông đỏ, cây bảy lá một hoa, lan thạch hộc…

Nhưng thực tế, dù sở hữu “kho báu” quý hiếm, chúng ta vẫn chưa phát triển nó xứng với tiềm năng. Dược liệu Việt chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh, chưa được khai thác và bảo tồn để phát triển bền vững và đóng góp xứng tầm cho sức khỏe người Việt. Thay vào đó, chúng ta nhập khẩu mỗi năm khoảng 70% tổng lượng nguyên liệu cần dùng, mà đau xót thay, chất lượng của các nguyên liệu này chưa được kiểm soát chặt chẽ, đôi khi cái mà chúng ta nhập về chỉ là “xác” của dược liệu đã bị rút phần lớn tinh chất. Người ta nói người Việt “chết” trên kho tàng thảo dược vô giá của mình là vì thế.

Giảo cổ lam tự nhiên.

Tư duy đột phá trong cuộc cách mạng thảo dược

Nhìn thấu thực trạng này, trong 10 năm qua, Tập đoàn TH – đứng đầu là Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn đã từng bước xây dựng và thực hiện đề án Kinh tế dưới tán rừng, tiếp đó là các đề án bảo tồn và phát triển từng loại thảo dược quý/đặc hữu cụ thể, ví dụ như lan thạch hộc tía, gấc, sâm Ngọc Linh.

Bà Thái Hương quyết tâm làm cuộc cách mạng kinh tế dưới tán rừng, để thảo dược không những phát huy được công dụng vốn có của nó đối với sức khỏe cộng đồng mà còn xây dựng các thương hiệu quốc gia về thảo dược Việt sánh ngang Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…

Cây lạc tiên được trồng tại Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống.

Trước hết, bà Thái Hương cho thành lập một viện nghiên cứu thảo dược ngay trong Tập đoàn TH. Nhiệm vụ đầu tiên của viện này là vẽ lại “bản đồ thảo dược” trên toàn lãnh thổ Việt Nam. TH có trong tay toàn bộ thông tin nền tảng về các loài thảo dược quý nhất trên mảnh đất hình chữ S, những loại đã mất hoặc đang còn nhưng chưa phát triển.

“Và từ đây chúng tôi xây dựng chiến lược thảo dược Việt. Thứ nhất là bộ sản phẩm đồ uống và dược phẩm có nguồn gốc từ thảo dược. Thứ hai là sơ chế làm nguyên liệu sản xuất Nam dược, thực phẩm chức năng, tân dược. Thứ ba là sử dụng trong spa chăm sóc sức khỏe. Tất cả đều hướng đến nâng cao thể trạng cho người Việt, phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây của thời đại” – bà Thái Hương cho biết.

Tiếp đó, chiến lược phát triển bền vững mà bà đưa ra là, trồng trọt và sản xuất thảo dược theo tiêu chuẩn hữu cơ và phát triển theo hướng không di thực – vùng nào xa xưa đã có các loài thảo dược nào thì bây giờ tiếp tục phát triển nó lên trở thành hàng hoá và phải xây dựng những nhóm dược liệu có giá trị đặc hữu như các loại sâm, gấc, lan thạch hộc.

Doanh nhân Thái Hương và hành trình vẽ lại “bản đồ thảo dược” trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

“Nhân sâm Hàn Quốc nổi tiếng toàn thế giới, nhưng theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, số lượng hoạt chất saponin, thành phần quý nhất của loài sâm, ở sâm Hàn Quốc chỉ có 26. Con số này ở sâm Ngọc Linh của ta là 52. Sâm Ngọc Linh là một trong bốn loại nhân sâm quý nhất thế giới. Vì thế, tôi sẽ thực hiện dự án bảo tồn, phát triển và tinh chế sâm Ngọc Linh một cách bài bản và chuẩn mực để khắp thế giới khi đến Việt Nam người ta phải tìm mua sâm Ngọc Linh – khi đó nó trở thành thương hiệu quốc gia “Sâm Việt Nam”. Và khao khát của tôi là tiến tới ta hoàn toàn tự chủ được nguồn nguyên liệu thảo dược, không cần phải nhập khẩu nữa. Bởi vì các loại dược liệu ta đang nhập khẩu giá trị hàng triệu USD mỗi năm đều có ở mảnh đất Việt hết, chỉ thiếu một chiến lược trúng mà thôi” – chia sẻ từ bà Thái Hương.

Ở một góc khác trong tư tưởng “người đàn bà sữa tươi” là niềm đắm say dành cho thảo dược Việt. Bà Thái Hương say sưa: “Lan thạch hộc tía cũng vậy. Đây là loài lan đứng số một trong số 35.000 loài lan trên thế giới, với những công dụng đã được y học hiện đại chứng minh, như cải thiện sức khỏe tế bào, tiêu diệt nhiều dòng tế bào ung thư, tốt cho người tiểu đường… Thời Từ Hy Thái Hậu thống kê 9 loại thảo dược tốt nhất ở phương Đông thì lan thạch hộc đứng đầu bảng. Đó là loài “tiên thảo” còn xếp trên cả các loài như Đông trùng hạ thảo, Bách niên thủ ô, Thân sơn linh chi,… Thạch hộc tía được chế biến thành các loại thực phẩm chức năng nổi tiếng Trung Quốc, mỗi năm đạt giá trị sản lượng hàng tỷ NDT. Ở Việt Nam, tôi đang cho ươm trồng lan thạch hộc tía ở Khu bảo tồn Mường Lống và bước đầu thu được những kết quả rất khả quan”.

(Còn nữa…)

Bách Diệp