BVR&MT – Biến đổi khí hậu, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã tác động nhiều đến môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân cả nước.
Vì vậy, việc triển khai Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, xây dựng nông thôn mới hiệu quả đối với tỉnh Hà Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình tín dụng chính sách mà Chính phủ giao, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ các sở ngành, chính quyền địa phương và tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác thống nhất cách thức thực hiện, bảo đảm đúng quy trình, quy chế, tuyên truyền và triển khai chương trình cho vay hiệu quả.
Đến hết thời điểm 31/1/2023, dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đạt hơn 526 tỷ đồng, giúp hơn 29 nghìn hộ gia đình sống tại 88 xã khu vực nông thôn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để xây dựng hơn 274 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh góp phần bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng dân cư và nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn.
Tiêu biểu như huyện Thanh Liêm, chương trình được triển khai từ năm 2006 đến nay, tổng dư nợ đạt hơn 108 tỷ đồng với gần 6 nghìn hộ đang còn dư nợ.
Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Điệp (ở thôn Bói, xã Thanh Phong), trước kia gia đình bà dùng nước giếng khơi, rồi chuyển sang dùng giếng khoan. Dù đã lọc nhiều lần nhưng nguồn nước vẫn không bảo đảm vệ sinh do bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các chất thải từ làng nghề.
Năm 2022, gia đình bà được vay 20 triệu đồng, cùng kinh phí tự có, gia đình đã xây dựng được khu vệ sinh khép kín gồm nhà vệ sinh, bể chứa nước. Khu vệ sinh được cải tạo, nước sạch đến tận nhà, chất lượng sinh hoạt được nâng lên, sức khỏe bảo đảm hơn.
Tương tự, gia đình bà Trịnh Thị Nga (ở thôn 3, xã Liêm Chung, Phủ Lý), cũng là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Bà Nga phấn khởi cho biết, gia đình bà được vay 20 triệu đồng cùng với kinh phí tự có đã xây dựng được công trình vệ sinh và công trình nước sạch, bể chứa nước sạch bắc đường ống dẫn nước về tận nhà sử dụng rất tiện lợi.
“Tuy vốn vay không lớn nhưng thật sự là nguồn trợ giúp không nhỏ đối với người nông dân trong việc bảo đảm sức khỏe, yên tâm sản xuất”, bà Nga cho hay.
Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam Trần Quốc Hoàn, kết quả đạt được của chương trình cho thấy, việc ban hành chính sách tín dụng Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là cần thiết, bảo đảm tính phù hợp, nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay của chương trình là việc triển khai đối với các hộ dân sinh sống ở khu vực địa bàn phường và thị trấn. Vì theo quy định của chương trình, hộ dân thuộc hai khu vực này không nằm trong diện được vay vốn. Mặc dù nằm trên địa bàn phường, thị trấn nhưng đặc điểm của các hộ dân khu vực này không sinh sống tập trung tại trung tâm như các tỉnh, thành phố lớn mà chủ yếu sống và làm việc gần nơi chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, đơn vị chức năng cần sớm mở rộng đối tượng cho vay đối với người dân khu vực thị trấn, phường không thuộc địa bàn nông thôn.
Bên cạnh đó, mức cho vay của chương trình là 10 triệu đồng/công trình, so tình hình giá cả hiện nay thì chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do đó, để Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt hiệu quả cao hơn nữa, cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, mở rộng đối tượng và nâng mức cho vay phù hợp tình hình thực tiễn.