BVR&MT – Các nhà chức trách Indonesia vừa khởi tố 5 công ty hàng hải nội địa do vô ý làm tổn hại đến rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Karimujava thuộc đảo Java.
Khoảng 1.400 m2 san hô tại trung tâm khu vực này đã bị tàn phá khi 5 con tầu lớn chở than bị mắc cạn trong các trận bão ngày 14/1 và 10/02, theo ông Agus Prabowo, Giám đốc khu bảo tồn.
Là một trong bảy khu bảo tồn biển quốc gia tại Indonesia, Karimunjava được biết đến với những rạn san hô lộng lẫy, trong đó có hai loại được bảo vệ là san hô đen (Antiphates sp.) và san hô đàn ống (Tubipora musica). Với gần 500 loài cá sống trong rạn san hô, khu bảo tồn vốn là địa điểm quen thuộc đối với khách du lịch trong nước và quốc tế đam mê môn thể thao lặn biển.
Cũng theo ông Prabowo, những con tầu làm tổn hại đến rạn san hô đã được giám đốc cảng nội địa cho phép thay đổi hành trình và tạm trú trong khu bảo tồn do thời tiết xấu. Thế nhưng, sóng biển mạnh va vào thành tầu đã khiến dây neo bị đứt. Hiện cảnh sát Java đang điều tra về sự cẩu thả này.
Theo Luật Môi trường năm 2009 của Indonesia, các cá nhân có hành vi phá hoại môi trường do sơ suất có thể sẽ đối mặt với án phạt tối đa 3 năm tù giam và bồi thường lên tới hơn 3 tỷ rupiah Indonesia (224.000USD). Hiện bộ phận thi hành án thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đang đàm phán nhằm yêu cầu bồi thường từ đơn vị bảo hiểm của các công ty vi phạm. Số tiền bồi thường bao gồm thiệt hại môi trường và các tác động đối với nền kinh tế.
Tham gia vào công tác điều tra ban đầu, Điều phối viên Mạng lưới Hành động vì San hô (I-CAN) Amiruddin cho biết, những con tầu đã làm tổn hại đến khá nhiều loài san hô, như san hô sừng hươu, san hô đá, san hô não. Tổng giá trị thiệt hại đối với rạn san hô ước tính lên tới 28 tỷ rupiah Indonesia.
Khoản tiền bồi thường sẽ được sử dụng nhằm khôi phục khu vực bị tàn phá, và công tác phục hồi sẽ thuộc trách nhiệm của các công ty. Ông Prabowo cũng cho biết, các công ty hiện đang duy trì thái độ hợp tác tích cực với chính quyền nhằm giải quyết vụ việc.
Được thành lập vào năm 2001, Khu bảo tồn biển Karimunjava bao gồm 22 hòn đảo nằm rải rác trên diện tích 1.100 km2. Từ năm 2012, Karimunjava được chia làm 9 khu vực chính cho phép các hoạt động khác nhau như đánh bắt cá truyền thống, du lịch sinh thái hay nghiên cứu khoa học. Vì vậy, khu vực này hiện vẫn còn nhiều tầu thuyền qua lại.
Mặc dù nằm trong diện được bảo vệ, rạn san hô tại Karimunjava vẫn đối mặt với nhiều thách thức như đánh bắt cá bằng lưới rà, nóng lên toàn cầu hay các hành vi lặn biển thiếu trách nhiệm. Chính quyền Indonesia đang dự kiến rà soát lại các chính sách bảo vệ đại dương nhằm tăng cường an ninh cho các khu vực bảo tồn biển, trước sự việc con tầu du lịch Bahamian phá hủy 12.882 m2 rạn san hô tại đảo Raja Ampat vào hồi tháng 3. |
Ngân Kim/ Theo Mongabay