BVR&MT – Đại biểu HĐND đề nghị tỉnh Nghệ An quan tâm đến chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng bởi công việc bảo vệ rừng khó khăn, vất vả, chế độ thấp chưa đủ chi trả, đãi ngộ.
Ngày 8/12, tại phiên thảo luận tại hội trường trong Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu quan tâm nhiều vấn đến rừng. Đặc biệt là quan tâm đến chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng bởi công việc bảo vệ rừng khó khăn, vất vả,…
Đại biểu Phan Thị Minh Lý, đơn vị Yên Thành cho rằng, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Đây là lợi thế, tiềm năng lớn để tỉnh đón đầu thị trường tín chỉ cacbon theo Nghị định số 06/2022 ngày 7/1/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn. Tuy nhiên, trong báo cáo kinh tế – xã hội của UBND tỉnh và trên các diễn đàn chưa thấy đề cập vấn đề này. Vậy, tỉnh có sự chuẩn bị như thế nào để đón đầu chủ trương này và phát huy lợi thế của Nghệ An?
Nhiều đại đại biểu HĐND còn đề nghị tỉnh quan tâm có chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng bởi công việc bảo vệ rừng khó khăn, vất vả, chế độ thấp chưa đủ chi trả, đãi ngộ, cũng như thu hút nguồn nhân lực tham gia công tác bảo vệ rừng. Tình trạng người lao động tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, hạt kiểm lầm xin nghỉ việc ngày một tăng.
Trả lời ý kiến của đại biểu Phan Thị Minh Lý, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, Nghệ An có tổng diện tích rừng và đất Lâm nghiệp được quy hoạch lên đến hơn 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích rừng của tỉnh gần 1 triệu ha, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên. Vì vậy tiềm năng phát triển Lâm nghiệp tỉnh ta rất lớn, trong đó có phát triển thị trường mua bán tín chỉ hấp thụ các bon từ rừng.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã làm việc với Bộ NN&PTNT để triển khai thực hiện dự án liên danh với tổ chức quốc tế đến từ Hoa Kỳ để thực hiện nội dung này. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đã sớm tham gia xây dựng Đề án giảm phát thải Bắc Trung Bộ đã được Ngân hàng thế giới chấp thuận mua 10,3 triệu tín chỉ các bon, tương đương hơn 50 triệu đô la. Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đang tham mưu cho ngành NNPTNT tích cực góp ý hoàn thiện chính sách này để thực hiện.
Liên quan đến chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết, diện tích rừng của tỉnh Nghệ An gần 1 triệu ha, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên, cần được bảo vệ nghiêm vì theo quy định không được khai thác. Về chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lâu nay đơn giá quản lý bảo vệ rừng theo quy định là đang thấp. Cụ thể cao nhất là 400.000 đồng/ha, thấp nhất là 100.000 đồng/ha.
Trong giai đoạn 2016-2020, do không có chính sách cho lực lượng này, UBND tỉnh đã xin Chính phủ cơ chế đặc thù cho Nghệ An áp dụng tăng mức kinh phí bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chính sách này vẫn không được chấp nhận vì ngân sách giao cho Bộ vẫn không đổi.
Nhận thấy bất cập, khó khăn trong thực hiện chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, hiện nay Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định về mức chi hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.