BVR&MT – “Nép mình” trong ngõ 4C, Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa (Hà Nội), tiệm đồng nát gen Z là nơi trao đổi đồ cũ với tinh thần “sử dụng đồ cũ là một cách hiệu quả để kéo dài hành trình sử dụng một món đồ”, thông qua đó chính là một cách hiệu quả để bảo vệ môi trường và giảm gánh nặng cho các bãi rác vốn đã quá tải.
Xây dựng không gian nhằm kéo dài “tuổi thọ” của đồ vật…
Khi chúng tôi đến tiệm đồng nát gen Z, chị Huyền Trang và anh Xuân Tiến – chủ tiệm đang thong thả xem từng bộ quần áo cũ được trưng bày trên giá treo. Bán quần áo cũ là một trong các dự án mà tiệm đang triển khai nhằm gây quỹ bảo vệ môi trường. Thấy khách ghé thăm, hai anh chị liền niềm nở đón tiếp, vui vẻ trò chuyện, tâm sự về quá trình xây dựng, vận hành tiệm đồng nát gen Z.
Ấp ủ ý tưởng từ lâu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà đến tháng 6/2022, tiệm đồng nát gen Z mới được thành lập. “Lý do tôi thành lập một cửa hàng trao đổi đồ như thế này là bắt nguồn từ chính cuộc sống hiện tại. Tôi nhận ra việc mình sử dụng những món đồ trong gia đình đang bị lãng phí. Có nhiều đồ thừa mà tôi không biết vứt đi đâu, nên chúng tôi đã tìm cách để trao đổi những món đồ đó nhằm kéo dài thời gian sử dụng”, chị Huyền Trang tâm sự. Thời điểm đó, chị Trang đang làm chủ một cửa hàng thực phẩm (Peter cat). Với tâm niệm phải gắn hoạt động kinh doanh với trách nhiệm bảo vệ môi trường, chị Trang đã triển khai một chương trình ý nghĩa: Khi khách mang những món đồ cũ (quần áo, sách vở…) đến cửa hàng, họ sẽ được tặng voucher giảm giá sản phẩm. Được nhiều người hưởng ứng, ủng hộ, chị Trang cùng chồng và em gái quyết định xây dựng một không gian riêng để thu gom, tìm kiếm “cuộc sống mới” cho mỗi món đồ cũ với tình cảm trân trọng dành cho tất cả đồ vật và mong muốn lan tỏa tình yêu đối với môi trường. Từ đó, tiệm đồng nát gen Z đã ra đời.
Trải qua gần nửa năm thành lập, bên cạnh niềm vui từ sự ủng hộ của mọi người, những người chủ của tiệm đồng nát gen Z cũng gặp một số khó khăn nhất định. Phải cân đối giữa công việc chính và công việc ở tiệm đồng nát gen Z là điều không đơn giản. “Quỹ thời gian, nguồn nhân lực có hạn, phải làm sao để tiệm đồng nát gen Z tiếp cận được nhiều người?” – câu hỏi ấy đã khiến chị Trang trăn trở, suy tư không ít. “Tôi và chồng cũng bận rộn các công việc khác, nên chưa thể quan tâm sâu sát cho cửa hàng. Vì vậy, lượng tiếp cận của các bạn trẻ tới cửa hàng chưa được nhiều”, chị Huyền Trang bộc bạch.
Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường qua các dự án đặc biệt
Một trong những dự án đầu tiên mà tiệm đồng nát gen Z triển khai là bán quần áo cũ. Chị Huyền Trang cho biết: “Bán quần áo cũ là một phần trong chuỗi thu gom, trao đổi đồ cũ. Trong xã hội hiện đại, mọi người mua sắm rất nhiều, trong đó sẽ có nhiều món đồ mua về nhưng không vừa, hoặc cảm thấy không phù hợp. Hiểu được điều đó, chúng tôi nhận thu gom quần áo cũ. Doanh thu từ hoạt động này sẽ dùng để gây quỹ”. Đó là quỹ trồng rừng, quỹ bảo vệ biển…
Trong quá trình phân loại quần áo cũ, những quần áo mang tính đặc thù như quần áo lao động, đồng phục, quần áo trẻ em… sẽ được gửi đến những người có hoàn cảnh khó khăn.
Một dự án khác được tiệm đồng nát gen Z triển khai xuyên suốt những tháng qua là dự án thu gom pin cũ. Pin được làm từ nhiều hóa chất khác nhau, trong đó có nhiều chất gây nguy hiểm cho con người. Sau khi sử dụng, pin lại không được thu gom, xử lý, sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường. Nói về dự án thu gom pin cũ, chị Trang cho biết: “Đây là một hoạt động nhỏ nhưng tôi nghĩ sẽ ít nhiều có tác động đến môi trường sống. Một viên pin có giá thành rẻ, nhưng nếu xả thải ra môi trường thì một viên pin cũ cũng có thể gây ô nhiễm cho nguồn đất, nước. Chúng tôi đã thu gom được khoảng 40-50 kg pin. Pin sau khi thu gom sẽ gửi đến Aeon Mall Hà Đông. Đây là đơn vị nhận thu gom pin cũ, xử lý theo hình thức đặc biệt dành cho những loại rác thải nguy hiểm”.
Ngoài những dự án thực hiện lâu dài, tiệm đồng nát gen Z còn có các event trao đổi đồ cũ theo từng tuần tại sân A4 khu tập thể Nam Đồng, ngõ 119 Hồ Đắc Di, Đống Đa (Hà Nội). Gần đây, tiệm đồng nát gen Z đã triển khai event đổi rác lấy quà và tặng sách. Chỉ cần mang đồ cũ (quần áo, đồ chơi…) đến đây, mọi người sẽ có cơ hội sở hữu nhiều cuốn sách có giá trị: Tiểu thuyết Màu xanh trong suốt hướng đến nội tâm của những người trẻ giữa gắt gao mạch đời; series khoa học viễn tưởng Animorphs – Người hóa thú truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, sự hi sinh, lòng trung thành, trách nhiệm…
Thông qua các dự án, event trên, những người chủ của tiệm đồng nát gen Z mong muốn lan tỏa tinh thần trách nhiệm với những món đồ cũ, với môi trường. Thay vì vứt đồ cũ trong thùng rác, gây áp lực với môi trường, chị Huyền Trang hy vọng mình có thể tìm cho chúng những người bạn đồng hành mới, hay ít nhất cũng giúp một số đồ cũ gây hại như pin được xử lý hiệu quả. “Thông điệp của tiệm đồng nát gen Z là trao cho các món đồ cũ một cuộc sống mới, tìm kiếm hạnh phúc từ những điều không hoàn hảo” – chị Huyền Trang nói. Chị Trang hy vọng cửa tiệm của mình sẽ được nhiều người biết đến, đến đây trao đổi đồ sẽ là một cách hay để giảm thiểu rác thải.
Suy nghĩ tích cực, nhân văn, sống có trách nhiệm với môi trường – đó là cảm nhận của chúng tôi về những người chủ của tiệm đồng nát gen Z. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và chị Trang được mở đầu bằng niềm vui, phút bồi hồi của chị khi tiệm đồng nát gen Z mới thành lập, và kết thúc bằng thông điệp gợi nhiều suy ngẫm về vấn30 đề đồ cũ – rác thải – môi trường…
Thực hiện: Hồng Nhung – Trà Giang