BVR&MT – Quảng Ninh sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, trong đó tâm điểm là Di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, lượng khách du lịch tăng cao kéo theo áp lực về bảo vệ môi trường càng lớn, nhất là các loại rác thải nhựa có nguy cơ phá hủy môi trường, hệ sinh thái biển ngày một nhiều. Trước thực trạng trên, việc giảm thiểu rác thải nhựa tại các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh luôn là vấn đề được các địa phương, cơ quan chức năng và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quan tâm thực hiện.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khách du lịch đến tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long đã tăng cao trở lại. Việc tuyên truyền cho du khách không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần khi đi thăm vịnh đã được thực hiện qua hệ thống loa phát thanh tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Qua tuyên truyền, vận động, hầu hết khách đều vui vẻ, tự nguyện để lại trên bờ các loại chai nhựa, túi nilon, đồ nhựa sử dụng 1 lần… nhằm chung tay bảo vệ môi trường di sản. Bà Nguyễn Thị Thủy (du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa), chia sẻ: Tôi rất đồng tình với chủ trương không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần khi thăm vịnh Hạ Long. Rác thải được thu gom, phân loại gọn gàng. Mỗi lần đến thăm vịnh tôi lại thấy nơi đây sạch đẹp hơn.
Ngoài việc tuyên truyền nhắc nhở du khách, từ năm 2019 đến nay, đã có 204 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết với BQL vịnh Hạ Long không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh. Qua đó đã giảm được 90% rác thải nhựa dùng 1 lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh.
Ông Phan Văn Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH du thuyền BHAYA, cho biết: Trong 3 năm qua, Ban lãnh đạo công ty đã đề ra chủ trương giảm thải tối đa các vật dụng bằng nhựa, túi nilon; thành lập Ban bảo vệ môi trường của đơn vị. Chủ trương này đã được đơn vị truyền thông rộng rãi, đưa vào tiêu chí hành động cụ thể đến tất cả cán bộ, nhân viên. Chúng tôi đã chuyển sang sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như cốc thủy tinh, cốc giấy, chai thủy tinh đựng nước, túi giấy, ống hút giấy… Nhờ đó, rác thải nhựa đã giảm 50% so với trước kia. Thành công lớn nhất là du khách đánh giá, ghi nhận rất cao ý thức bảo vệ môi trường của công ty.
Còn tại huyện đảo Cô Tô, một trong những trung tâm du lịch biển đảo hấp dẫn hàng đầu của Quảng Ninh, từ ngày 1/9/2022 bắt đầu thí điểm áp dụng quy định “Du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi du lịch trên đảo” nhằm hạn chế lượng rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và phát triển nền du lịch bền vững.
Ngay tại Cảng tàu khách Cái Rồng, nhiều du khách qua sự tuyên truyền, vận động của đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ và các lực lượng chức năng làm việc tại cảng đều nhiệt tình ủng hộ, đồng hành cùng huyện đảo vì môi trường xanh – sạch – đẹp, không có rác thải nhựa. Trong tháng 9, huyện Cô Tô hỗ trợ du khách những sản phẩm thay thế như túi vải, túi giấy…
Với tính năng tiện dụng, giá rẻ, các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày và gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Tác hại nguy hiểm nhất của sản phẩm nhựa dùng 1 lần tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Đặc biệt ở môi trường biển, rác thải nhựa thường theo các dòng hải lưu, trôi nổi khó thu gom, hoặc chìm xuống đáy biển không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới mỹ quan, mà còn làm nguy hại tới các hệ sinh thái trong lòng biển.
Tỉnh Quảng Ninh có bờ biển dài trên 250km, sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với những giá trị đặc hữu về văn hóa – lịch sử, cảnh quan, cũng như đa dạng sinh học. Ngoài ra, tỉnh còn có vịnh Bái Tử Long và nhiều đảo lớn với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, là điểm đến nghỉ dưỡng lí tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, việc khuyến khích và tiến tới áp dụng chặt chẽ quy định không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần đối với nhân dân và du khách là cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái biển, phát triển du lịch bền vững, thân thiện môi trường.