BVR&MT – Xuất phát từ việc mỗi hộ dân nuôi vài con đến vài chục con nhằm phục vụ cuộc sống hàng ngày rồi thành lập HTX nuôi vịt, đàn vịt bầu ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vừa được Bộ KHCN cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Vịt bầu Nghĩa Đô”.
Tạo thương hiệu từ “con đứng một chân” ở ven suối, bờ ruộng
Hàng chục năm trước, ở hầu khắp các vùng nông thôn huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bà con đã chia sẻ nhau những quả trứng vịt rồi nhờ gà mái hàng xóm ấp nở ra những đàn vịt con. Bởi khi ấy chưa có điện để ấp.
Đàn vịt sau đó được người dân chăm sóc, cho ăn gạo, ăn thóc rồi cắt lông đuôi, đánh dấu ở móng, màng chân để phân biệt vịt của giữa các hộ gia đình với nhau, và thả ra cánh đồng trước cửa nhà cho chúng tự kiếm mồi.
Vào mùa cấy, hay khi lúa sắp chín, nhiều gia đình lùa đàn vịt ra suối để chăn nhằm tránh để chúng phá hoại. Sau khoảng 5 – 8 tháng nuôi, đàn vịt mới được giết mổ để đãi khách hoặc dịp kết thúc ngày công đổi cấy, hái, các ngày lễ…
Theo thông tin từ UBND xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, vịt bầu Nghĩa Đô khi trưởng thành có trọng lượng từ 2 – 2,2kg, giá bán từ 200.000đ – 220.000đ/con, thời gian cao điểm giá được bán 250.000đ/con.
Những hình ảnh đàn vịt đầu xanh, mỏ vàng sau thời gian kiếm mồi dừng nghỉ đứng bằng một chân ven suối, bờ ruộng, xỉa lông, tỉa cánh trước cửa những ngôi nhà sàn lợp lá cọ đã tạo nên một hình ảnh làng quê Nghĩa Đô yên bình. Giờ đây, những đàn vịt đó đã trở thành thương hiệu để phát triển kinh tế, được nhà nước công nhận là nhãn hiệu tập thể.
Ông Lương Văn Măng ở thôn Mường Kem, xã Nghĩa Đô, là một trong những người tiên phong nuôi vịt theo quy mô hàng hóa. Ông Măng cho biết: “Nhận thấy giá trị kinh tế từ vịt bầu đem lại, năm 2018 tôi bắt đầu mở rộng quy mô, chuyển từ chăn nuôi tự phát sang nuôi hàng hóa. Chỉ sau vài năm, đàn vịt bầu của gia đình đã tăng lên hàng trăm con, đem lại nguồn thu cả trăm triệu đồng mỗi năm”.
Nhờ có đàn vịt mà gia đình ông Măng có của ăn, của để, có tiền cho con cháu ăn học, thậm chí nguồn thu từ vịt còn nhiều hơn rất nhiều bà con của ông Măng đi làm thuê kiếm được. Nhận thấy ông Măng phát triển được kinh tế từ đàn vịt bầu, nhiều hộ dân trong và ngoài xã Nghĩa Đô đã làm theo và mang lại hiệu quả.
Nếu như trước đây, vịt bầu chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình hoặc bán lẻ ở các phiên chợ thì giờ đây khi chuyển sang chăn nuôi hàng hóa, vịt bầu đã giúp cho cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở Nghĩa Đô thực sự đổi thay. Không chỉ thu nhập từ bán vịt thương phẩm, nhiều hộ đã đầu tư kỹ thuật, thiết bị để ấp giống cung ứng cho nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện.
Để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, năm 2020, HTX Vịt bầu Nghĩa Đô được thành lập với 15 thành viên. Các thành viên tham gia phải đảm bảo có quy mô chăn nuôi tối thiểu từ 500 con trở lên và phải tuân thủ đúng quy trình chăm sóc theo hướng an toàn sinh học. Họ hỗ trợ lẫn nhau trong việc chia sẻ kinh nghiệm, con giống và đầu ra cho sản phẩm.
Cấp chứng nhận cho Nhãn hiệu tập thể “Vịt bầu Nghĩa Đô”
Sau nhiều năm nghiên cứu, tạo thương hiệu. Ngày 9/11/2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ý nhãn hiệu Vịt bầu Nghĩa Đô cho Hội Nông dân huyện bảo Yên.
Ngày 12/5, tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, Hội Nông dân huyện Bảo Yên đã công bố chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Vịt bầu Nghĩa Đô” trước niềm vui mừng của nhiều thành viên Hội.
Nhãn hiệu “Vịt bầu Nghĩa Đô” là nhãn hiệu vịt đầu tiên của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng. Ngoài ra, ở huyện Bảo Yên còn 3 sản phẩm nữa được cấp văn bằng nữa là thịt trâu sấy Bảo Bên, Khoai môn Bảo Yên, Chè Bảo Yên .
Ông Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Yên cho biết: “Bà con nông dân huyện Bảo Yên rất vui mừng và vinh dự đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KHCN đã quyết định cấp văn bằng bảo hộ (giấy chứng nhận) cho Nhãn hiệu tập thể “Vịt bầu Nghĩa Đô”, nhằm phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nổi tiếng và đặc trưng của xã Nghĩa Đô nói chung và của huyện Bảo Yên nói riêng.
Qua đó nhằm nâng cao giá trị kinh tế – xã hội cho người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Tạo ra sức mạnh tập trung, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, chống lại các hành vi xâm phạm, từng bước xây dựng, vinh danh thương hiệu, giúp người tiêu dùng có được một sản phẩm tốt nhất có nguồn gốc xuất xứ từ Bảo Yên.
Sau khi được công nhận “Vịt bầu Nghĩa Đô” sẽ là nhãn hiệu dùng để phân biệt sản phẩm vịt của các thành viên trong tổ chức mà Hội Nông dân huyện Bảo Yên là chủ sở hữu nhãn hiệu để phân biệt với các giống vịt ở vùng khác.
Khẳng định chất lượng thông qua nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, góp phần gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể
Được biết, sau khi xây dựng thương hiệu, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của thương hiệu mang Nhãn hiệu tập thể. Tiến tới nâng cao nhận thức cho người sản xuất kinh doanh sản xuất và kinh doanh phải tập trung sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn khi mang Nhãn hiệu tập thể.
Đặc biệt, thực tế cho thấy các sản phẩm sau khi xây dựng thương hiệu giá trị của các sản phẩm đã được nâng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng mở rộng, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, cho thấy xây dựng Nhãn hiệu tập thể có tác động rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm nói chung và sản phẩm nông sản của địa phương nói riêng.
Hơn nữa đối với một sản phẩm ẩm thực được bảo hộ thương hiệu sẽ tác động tích cực phát triển du lịch phát triển du lịch cộng đồng của xã Nghĩa Đô
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Yên: “Thời gian tới Hội nông dân huyện Bảo Yên sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, về Nhãn hiệu tập thể. Thực hiện việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các hộ sản xuất kinh doanh, quản lý giám sát hoạt động sử dụng tem nhãn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Đoàn kết, đồng thuận trọng việc quản lý và bảo vệ thương hiệu sản phẩm Vịt bầu Nghĩa Đô”.
Sơn Tinh