BVR&MT – Việc quản lý rừng bền vững và xây dựng chứng chỉ rừng sẽ mở ra những cơ hội lớn, thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, tái tạo đến khai thác, chế biến lâm sản, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Vì vậy, thực hiện các giải pháp xây dựng chứng chỉ nhằm quản lý rừng bền vững đang được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Lợi ích thiết thực
Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là văn bản công nhận một diện tích rừng nhất định đáp ứng các tiêu chí về diện tích rừng, sản phẩm được chế biến từ gỗ rừng, sản xuất trên cơ sở rừng được tái tạo lâu dài, không ảnh hưởng đến các chức năng sinh thái của rừng và môi trường xung quanh, không làm suy giảm tính đa dạng sinh học.
Để quản lý rừng bền vững và có được chứng chỉ FSC, các công ty lâm nghiệp, chủ rừng cần phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt, khắt khe về quản lý, bảo vệ rừng từ việc xây dựng phương án, quy hoạch trồng rừng đến xây dựng hệ thống đường vận chuyển, cách khai thác gỗ, mở đường, bảo dưỡng đường khai thác, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác phát triển rừng bền vững… Việc đạt được tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững mang lại những lợi ích thiết thực về môi trường, kinh tế – xã hội.
Ông Nguyễn Tiến Hiếu – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn khẳng định: Chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm giảm thiểu lãng phí các nguồn tài nguyên từ rừng. Các sản phẩm được gắn nhãn chứng chỉ FSC có giá trị kinh tế cao bởi giá thành sản phẩm tối ưu, cao hơn 20-30% so với các sản phẩm thông thường. Về giá trị thương hiệu, chứng chỉ FSC là “tấm vé thông hành” hỗ trợ thâm nhập vào thị trường quốc tế, nhất là các các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản… Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đảm bảo việc thu hoạch các sản phẩm gỗ và ngoài gỗ trong khi vẫn duy trì và phát triển được tính đa dạng sinh học, năng suất, giúp cho người dân địa phương, xã hội được hưởng lợi ích lâu dài từ rừng, từ đó, khuyến khích mạnh mẽ việc tuân thủ kế hoạch quản lý rừng dài hạn để duy trì tài nguyên rừng, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn sinh thái.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có sáu chủ rừng được cấp chứng chỉ FSC với diện tích gần 18ha rừng sản xuất. Công ty Lâm nghiệp Yên Lập tham gia mô hình quản lý rừng bền vững từ năm 2011, đến nay 100% diện tích rừng sản xuất với 2.003 ha của Công ty thực hiện quy trình FSC. Ông Phùng Mạnh Thắng – Giám đốc Công ty cho biết: Tham gia theo quy trình FSC, đơn vị thực hiện đảm bảo nguyên tắc hài hòa các lợi ích từ khâu trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến, vận chuyển, sản xuất, tiêu thụ… Cụ thể, tham gia FSC, đơn vị thay thế vỏ bầu cây giống từ nhựa polymer sang nguyên liệu tự tiêu, thân thiện với môi trường; vỏ bầu, vỏ bao bì phân bón được thu gom tập trung để xử lý, không xả thải ra môi trường. Việc khai thác đi đôi với trồng mới để chống xói mòn, không thực hiện phát trắng tại các khu vực giáp ranh giữa các lô rừng mà để lại cây bản địa để giữ nước, nơi trú ngụ cho động vật hoang dã. Về mặt kinh tế, việc sản xuất theo quy trình FSC cho sản lượng gỗ ổn định. Đặc biệt, khâu khai thác, phân loại được thực hiện đồng bộ theo cấp kính (đường kính của gỗ) mang lại giá trị cao hơn 50.000 đồng/m3 gỗ nguyên liệu.
Toàn tỉnh có 140.648ha rừng, chiếm 40% tổng diện tích tự nhiên. Các khu rừng đặc dụng cơ bản được quản lý bền vững; các chủ rừng là tổ chức, công ty lâm nghiệp trên địa bàn đã thực hiện quản lý rừng bền vững FSC từ năm 2011. Để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thông qua Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND; Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nhờ đó, năm công ty lâm nghiệp thành viên thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Công ty cổ phần Lương Sơn đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với diện tích 17.766,3ha rừng sản xuất. Ban Quản lý rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, khu rừng đặc dụng Núi Nả huyện Hạ Hòa đang trong quá trình triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích khoảng 16.100ha
Nỗ lực mở rộng
Thực hiện quản lý rừng bền vững được xác định phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp một số khó khăn nhất định khi việc cấp chứng chỉ FSC được thực hiện tại các doanh nghiệp một phần do quy định chung của tổ chức, phần khác do năng lực, tiềm lực của các chủ rừng chưa đáp ứng yêu cầu khi gia nhập FSC. Cụ thể, chi phí thủ tục đánh giá để được cấp chứng chỉ FSC tương đối lớn; đòi hỏi tiêu chuẩn về diện tích, cơ sở pháp lý quyền sở hữu hoặc sử dụng đất lâm nghiệp; trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, lạc hậu, chủ yếu theo kinh nghiệm, thói quen; thiếu vốn thực hiện trong thời gian dài.
Mặt khác, sản xuất theo quy trình FSC yêu cầu về nguồn giống lâm nghiệp phải đảm bảo, có xuất xứ rõ ràng; người trồng rừng phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc về pháp luật, trách nhiệm với việc sử dụng, sở hữu, mối quan hệ cộng đồng và quyền của người lao động… Việc cấp chứng chỉ FSC đã khó, việc duy trì còn khó hơn. Theo quy định, chu kỳ năm năm sẽ thực hiện lại quy trình đánh giá để công nhận quản lý rừng bền vững, trong khi đó, tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra, cản trở phần nào đến việc duy trì, mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Quản lý theo tiêu chuẩn FSC là hướng đi tất yếu, ưu việt để phát triển lâm nghiệp bền vững. Tỉnh đề ra mục tiêu tới 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững là 35.000 ha. Theo ông Trần Ngọc Cường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để đạt mục tiêu này, cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương, các chủ rừng, hộ sản xuất lâm nghiệp. Tỉnh có cơ chế, chính sách đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các chủ rừng hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, canh tác bền vững để đạt chứng chỉ FSC. Đồng thời, các cấp, ngành liên quan, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc quản lý rừng bền vững, sản xuất theo chứng chỉ FSC; chính sách hỗ trợ của tỉnh về cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đến các tổ chức, cá nhân và người dân có rừng.
Ông Nguyễn Duy Vững – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Lập cho biết: Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với các chủ rừng, người dân có đủ điều kiện diện tích tiến hành quản lý theo FSC đang được thực hiện trên địa bàn xã Ngọc Lập, Minh Hòa, Ngọc Đồng. Hiện doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá để 4.000ha được cấp chứng chỉ FSC, sau đó mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ rừng lên 13.000ha. Tạo thuận lợi cho việc liên kết hình thành vùng nguyên liệu đảm bảo quy định FSC, ngành kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích sản xuất lâm nghiệp theo chứng chỉ FSC; vận động người dân chủ động, tích cực nghiên cứu tham gia. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp rà soát chủ rừng, hộ dân có đủ điều kiện tham gia cấp chứng chỉ FSC…
Được chứng nhận FSC là yếu tố quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng địa phương và toàn xã hội, tạo cơ hội khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của Phú Thọ trên thị trường trong, ngoài nước.