BVR&MT – Rác thải nhựa đang được xem là hiện tượng “báo động đỏ”, vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Phần lớn rác thải nhựa không qua xử lý, được đốt, đổ vào các bãi chôn lấp, ra môi trường, đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, ô nhiễm đại dương mà đặc biệt từ rác thải nhựa đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, sức khỏe cộng đồng, các ngành kinh tế, du lịch, y tế cộng đồng và xã hội.
Ngày 21/7/2022 Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Báo điện tử VTC News tổ chức Chương trình tập huấn năm 2022 với chủ đề “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương”. Buổi tập huấn đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân và doanh nghiệp về thay đổi hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, thúc đẩy giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa…
Theo ông Lưu Anh Đức, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế: “Tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển. Tháng 3/2022, tại kỳ họp của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã nhất trí xây dựng một hiệp ước ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, đánh dấu một trong những hành động môi trường tham vọng nhất của thế giới kể từ Nghị định thư Montreal nhấm mạnh vào loại bỏ sản xuất các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, được các tầng lớp trong toàn xã hội hưởng ứng, tham gia rất tích cực”.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta đã có chủ trương “Từng bước áp dụng các biện pháp buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng do mình sản xuất, nhập khẩu”. Theo ông Nguyễn Thi – Chuyên viên Pháp chế, Bộ Tài nguyên Môi trường: “Qua khảo sát cho thấy, một số công ty đã thiết lập các điểm thu hồi và thông báo việc thu hồi. Tuy nhiên, điểm thu hồi được thiết lập còn ít và thông báo thu hồi có điều kiện rất cao”.
Hiện nay, cùng với sự hoàn thiện của quyết tâm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” thì chính sách áp dụng mô hình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) đã được áp dụng một cách đầy đủ với ý nghĩa là một cơ chế bắt buộc thực hiện. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được một cách sớm nhất cả mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu bảo vệ môi trường mà không phải đánh đổi gì cả. Đồng thời còn góp phần giải quyết các vấn đề về lao động và việc làm với chính sách EPR được áp dụng hoàn thiện như quy định hiện nay.
Tại buổi tập huấn, các phóng viên cũng được chia sẻ phương pháp tác nghiệp, các tình huống và cách thức xử lý các vấn đề thường gặp về đề tài giảm thiểu rác thải nhựa, giải pháp nâng cao kỹ năng tác nghiệp và khai thác thông tin truyền thông thay đổi hành vi của người dân, doanh nghiệp về giảm thiểu rác thải nhựa. Theo các chuyên gia, để thông điệp về rác thải nhựa đến với người dân, vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông thông qua các tin bài điều tra, phản ánh về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa như hiện nay. Từ đó, giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi giúp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Thực hiện: Thạch Lam – Đình Trà