BVR&MT – Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray thuộc hệ thống rừng đặc dụng của cả nước với hệ sinh thái phong phú, nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Vườn có tổng diện tích 56.249,2ha thuộc các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Rai, thị trấn Sa Thầy và xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại 7 hệ sinh thái. Kiểu rừng chính ở đây là thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và 5 hệ sinh thái rừng phụ là loại rừng trảng cỏ cây bụi, nơi tập trung của các loài thú móng guốc, thú ăn thịt… Năm 2004, nhờ giá trị về đa dạng sinh học, nguồn gen động vật quý hiếm, VQG Chư Mom Ray được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Có vị trí đặc biệt tại “Ngã ba Đông Dương”, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho hệ sinh thái phong phú và đa dạng, cũng như bảo tồn và phát triển “ lá phổi xanh” của cực Bắc Tây Nguyên, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nơi đây luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Thời gian qua, nhận thấy được nhiều hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray đã kịp thời chỉ đạo, triển khai các văn bản về xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện, nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền , vận động nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.
Theo ghi nhận, đầu năm 2022 đến nay, Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray đã triển khai, tổ chức 13 cuộc tuyên truyền ở cấp cơ sở, trường học với 414 lượt người tham gia, nội dung tuyên truyền phổ biến liên quan đến giáo dục môi trường, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng “phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng”. Duy trì hoạt động của 12 câu lạc bộ xanh tại 12 trường THCS trên địa bàn hai huyện Sa Thầy (09 trường), Ngọc Hồi, cấp phát 3.700 cuốn vở (in ấn nhiều thông tin lợi ích của rừng, các quy định Bảo vệ rừng trên bìa vở). Thực hiện ký 101 bản cam kết bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng với 101 hộ sản xuất nương rẫy giáp ranh với VQG thuộc các xã vùng đệm Sa Sơn, Sa Nhơn, Rờ Kơi, Mô Rai.
Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên trang thông tin Chi cục Kiểm lâm:kiemlam.kontum.gov.vn (mục cảnh báo cháy rừng) và website: http://watch.pcccr.vn/DiemChay để kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng cho các trạm địa bàn biết và triển khai các hoạt động theo cấp độ báo cháy rừng.
Thực hiện việc giao khoán 3.400ha rừng khu vực dịch vụ môi trường rừng cho 07 cộng đồng bảo vệ (huyện Sa Thầy 04 cộng đồng/2.725 ha, huyện Ngọc Hồi 03 cộng đồng/675 ha ). Diện tích giao khoán được cộng đồng thường xuyên kiểm tra, không xảy ra vi phạm. Đối với công tác kiểm lâm của hai huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi được phối hợp chặt chẽ thông qua việc kiểm tra, xử lý, ngăn chặn. Theo đó, đã triển khai được 644 đợt tuần tra, kiểm tra rừng với 2.202 lượt người tham gia). Tiếp tục duy trì 21 chốt tại các khu vực trọng điểm và tham gia 02 chốt liên ngành do huyện Sa Thầy thành lập.
Bên cạnh các hoạt động bảo vệ rừng, từ đầu năm 2022 đến nay, công tác phát triển rừng, cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật được Ban quản lý VQG Chư Mom Ray cũng đặc biệt quan tâm, thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan. UBND các xã, các đồn biên phòng và các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Gắn lợi ích với nhiệm vụ cho từng hộ nhận khoán, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong hoạt động tuần tra rừng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến rừng.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường, đồng chí Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray chia sẻ: Đơn vị luôn chú trọng đến hoạt động tuần tra, kiểm soát trong quản lý, bảo vệ rừng, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các dấu hiệu, biểu hiện của vi phạm xâm hại đến rừng từ sớm, từ xa. Vì là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, một số phong tục tập quán có ảnh hưởng đến rừng, nên đơn vị tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, tố giác tội phạm.
Để công tác Phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray có những kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan chức năng liên quan, các tổ chức kinh tế, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình phát triển dân sinh kinh tế vùng đệm để giảm thiểu các tác động tiêu cực vào rừng, mặt khác làm thay đổi nhận thức của người dân, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Kon Tum quan tâm các chính sách cho những người tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, điều chỉnh phù hợp với ngày công lao động tại địa phương để động viên khuyến khích người dân tham gia trực tiếp chữa cháy rừng, qua đó góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát triển “lá phổi xanh” của Tây Nguyên ngày một tốt hơn.
Lê Hồng