BVR&MT – Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên được chú trọng, quan tâm nhiều chuyển biến tích cực. Diện tích rừng toàn tỉnh tăng, độ che phủ tăng từ 37,12 % (năm 2015) lên 45,09 % (năm 2020). Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhất là đối với rừng tự nhiên đã gây ảnh hưởng đến chất lượng rừng tự nhiên bị suy giảm một cách nghiêm trọng.
Để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, nhằm tăng cường hiệu quả và quản lý bảo vệ rừng tốt hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 24/09/2020 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Chỉ thị 18 /CT-UBND tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân hiểu và thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ rừng trong từng cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức người dân trong đấu tranh phòng chống các hành vi phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Mặt khác, tập trung lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc , có hiệu quả Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình Hành động số 03/CTr-UBND ngày 22/06/2017 của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác, kiểm tra, thanh tra, giám sát toàn diện đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và thương mại lâm sản. Tổ chức truy quét nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép tại những khu rừng tự nhiên, rừng giáp ranh(giữa các tỉnh, huyện), cương quyết điều tra xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, hủy hoại môi trường sống của cộng đồng và xã hội, xử lý trách nhiệm hành chính và bồi thường thiệt hại về rừng do họ gây ra, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng tỉnh. Rà soát, hoàn thiện hồ sơ địa chính trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển lâm nghiệp và xử lý tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, hoàn thành trong năm 2022.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tỉnh Phú Yên đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường, triển khai đảm bảo hiệu quả cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về Lâm nghiệp, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn hiệu quả những hoạt động gây thiệt hại tài nguyên rừng.
Trước hết, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 06 nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chỉ thị 15-CT/TU của Tỉnh ủy Phú Yên. Trong đó, trước mắt sẽ tập trung hoàn thành 02 nội dung, đó là : Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Tập trung kiện toàn bộ máy nhà nước từ tỉnh đến huyện, xã. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo Điều 102 Luật Lâm nghiệp. Sắp xếp, tinh gọn, đổi mới hoạt động của các đơn vị kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng phù hợp với tình hình phát triển lâm nghiệp hiện nay.
Đồng thời xây quy hoạch cấp tỉnh, trên cơ sở tích hợp các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương đảm bảo tính liên kết và đồng bộ trong việc định hướng phát triển nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Trong đó, đặc biệt là điều chỉnh lại cơ cấu 3 loại rừng, đảm bảo hài hòa giữa phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh.Tiếp theo là tập trung nghiên cứu, vận dụng và thực hiện các cơ chế chính sách của Trung ương để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050. Khẩn trương triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng điểm về lâm nghiệp của tỉnh như : Dự án trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan, huyện Tuy An, các Đề án: Trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021- 2025, trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2021- 2025. Trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển ngành nghề chế biến gỗ bền vững giai đoạn 2021- 2030; Nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021- 2030; tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, các chương trình hành động của UBND tỉnh…
Tiếp tục quản lý chặt chẽ các dự án có liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục và các quy định hiện hành. Kiên quyết không chuyển mục đích rừng tự nhiên, đôn đốc việc trồng rừng thay thế đảm bảo đúng quy định; thu đủ, thu đúng nợ đọng tiền nộp trồng rừng thay thế của các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng.Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, gây tổn hại đến tài nguyên rừng, từng bước tổ chức khôi phục, phát triển rừng bền vững để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Lê Hồng