BVR&MT – Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã khuyến nghị, thời gian tới, Lào Cai cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn và hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn; trong đó, chú trọng các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.
Thực tế, việc hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn đóng vai trò quan trọng không chỉ với Lào Cai mà với tất cả các địa phương, các vùng nông nghiệp khác.
Hệ sinh thái kinh tế nông thôn có thể hiểu là tập hợp các chủ thể tham gia vào thị trường nông sản, như: nhà cung cấp, cơ sở sơ chế, chế biến, nhà phân phối, khách hàng… Ðây sẽ là nền tảng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông thôn, tạo ra sự liên kết trong sản xuất, bảo quản, sơ chế nông sản.
Hiện nay đã có những doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, đóng vai trò dẫn dắt chuỗi giá trị, nhưng số lượng doanh nghiệp đó sẽ không thể phủ kín toàn bộ hoạt động sản xuất tại nông thôn với hàng chục triệu hộ nông dân. Do đó, hệ sinh thái kinh tế nông thôn với những hộ nông dân vừa là người sản xuất nông nghiệp vừa là người tham gia vào những loại hình mang tính chất kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ là đầu mối kết nối với các doanh nghiệp lớn.
Và hệ sinh thái kinh tế nông thôn không chỉ hình thành trong phạm vi một địa phương mà có thể liên tỉnh, liên vùng.
Thí dụ như thời gian qua, Công ty cổ phần Hỗ trợ Sáng kiến Kinh doanh Tạo tác động (MEVI) đã chọn hướng đi tập trung vào thúc đẩy nông nghiệp an toàn gắn với chế biến trên cơ sở xây dựng ba hệ sinh thái. Một là, hệ sinh thái MEVI farm, với mục tiêu hỗ trợ các hộ nông dân, các trang trại xây dựng mô hình canh tác hữu cơ. Hai là, hệ sinh thái MEVI factory, tập hợp các doanh nghiệp nhỏ có xưởng chế biến nông sản để thu mua nông sản từ các MEVI farm. Ba là, hệ sinh thái MEVI shop với các đại lý, nhà phân phối để xây dựng hệ thống bán lẻ trên toàn quốc.
Hiệu quả của mô hình là tạo ra chuỗi giá trị nông sản. Khi đó, nông dân ngoài việc hưởng thành quả sản xuất thì họ còn tham gia vào những hoạt động dịch vụ và hưởng thêm các giá trị gia tăng. Ðiều này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hoàn thiện một trong những mục tiêu lớn trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến.