BVR&MT – Đến năm 2020, trữ lượng bình quân rừng tự nhiên của tỉnh Hà Giang tăng tối thiểu 5-7%/ha; tối thiểu 30% diện tích đất không có rừng được tác động thành rừng bằng các loài cây giá trị kinh tế; tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt tối thiểu 1.080 tỷ đồng/năm; năng suất rừng trồng mới tăng ít nhất 1,2-1,5 lần vào năm 2020, 1,5-1,8 lần năm 2025 so với 2015. Những định hướng quan trọng về phát triển kinh tế lâm nghiệp đang được ngành chức năng, người dân trong tỉnh tích cực triển khai, qua đó, vai trò “trụ đỡ” sản xuất nông nghiệp đang được hình thành.
Khu rừng trồng cây keo lai giống Úc bằng phương pháp nuôi cấy mô của gia đình ông Lý Văn Phúc, thôn Trung, xã Thượng Bình (Bắc Quang) tuy mới được gần 2 tuổi, nhưng thân cây cao hơn 2 m, lá xanh, đường kính to bằng những cây 3-4 tuổi trồng theo cách truyền thống. Ông Phúc cho biết, toàn bộ diện tích đồi rộng 16 ha được phủ xanh bởi hàng vạn cây keo lai. Cây sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và đang mở ra cơ hội làm giàu cho người trồng rừng. Trước đây, khu rừng này cũng được gia đình trồng keo, nhưng với cách làm cũ, lại không biết vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), không thực hiện đúng quy trình chăm sóc nên giá trị kinh tế không cao, cây keo bị gãy, đổ nhiều, sâu bệnh phá hoại nên chất lượng gỗ kém – ông Phúc cho biết. Nhưng khi được cán bộ chuyên môn của huyện tuyên truyền về hiệu quả cây keo lai trồng theo phương pháp mới, cùng quy trình chăm sóc do Sở NN-PTNT ban hành, gia đình ông thực hiện đúng từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành… nên cây sinh trưởng tốt hơn. Vùng đất Thượng Bình địa hình cao nên thường xảy ra giông, lốc, khi mùa mưa bão về, nhiều vườn cây thiệt hại tương đối lớn. Nhưng khi trồng keo theo phương pháp mới, thân cây cứng hơn, sức chịu đựng khá hơn.
Dành thời gian kiểm tra thực tế các rừng keo lai, Giáo sư Phạm Văn Điển, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang đã trực tiếp hướng dẫn gia đình ông Phúc cùng nhiều hộ dân trong xã Thượng Bình cách xử lý những cây bị gãy, đổ do gió bão gây ra. Theo ông Điển, khi rừng đang khép tán, ánh sáng yếu nên không thể trồng dặm cây keo con, vì vậy chỉ có xử lý tốt những cây đổ, cùng chế độ chăm bón hợp lý để hồi cây, nảy sinh chồi mới. Giáo sư Điển cho biết, với tỷ lệ cây sống cao, thân to, khỏe, rừng keo lai của gia đình ông Phúc, sau chu kỳ 8-10 năm có thể đạt từ 100-120 m3 gỗ/ha, giá trị kinh tế mang lại bình quân 150 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với hình thức canh tác, trồng rừng truyền thống vốn được người dân trên địa bàn tỉnh duy trì hàng chục năm nay.
Cũng từ trồng cây rừng, gia đình chị La Thị Cứu, thôn Nặm Má, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) đã vươn lên có cuộc sống ổn định, nguồn thu từ rừng giúp chị cất được ngôi nhà khang trang, sắm sửa nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, con cái có điều kiện đến trường học chữ. Đưa chúng tôi lên khu đồi rộng 1,6 ha trồng keo lai Úc theo phương pháp gieo hạt đang khép tán, thân cây to, lá xanh mướt, chị vui mừng cho biết: Trước đây khu đất này cũng trồng keo, nhưng giá trị thu được chưa nhiều, bình quân mỗi chu kỳ chỉ đạt 50-80 m3/ha. Khi chuyển sang trồng keo lai bằng phương pháp gieo hạt, cây mới được 18 tháng tuổi nhưng đang khép tán, đặc biệt thân cây cứng hơn rất nhiều, qua mấy đợt gió bão vừa qua rất hiếm cây bị gãy đổ. Anh Đồng Anh Đài, cán bộ Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN-PTNT) cho biết: Cây keo lai trồng theo phương pháp gieo hạt, tuy chi phí ban đầu cao hơn cách làm truyền thống, nhưng giá trị kinh tế mang lại rất lớn, thân gỗ cứng hơn, chất lượng hơn và giá thu mua cũng cao hơn.
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Điển cho biết, tiềm năng phát triển kinh tế rừng của tỉnh Hà Giang rất lớn. Thế nhưng, đa phần người trồng rừng chưa biết lựa chọn giống tốt, phương pháp canh tác khoa học, cán bộ chuyên môn cũng chưa hướng dẫn tận tình cho người dân nên phần nào làm giảm giá trị canh tác/ha rừng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, quan điểm, cách làm, nhận thức về kinh tế rừng của người dân đã có nhiều thay đổi. Vẫn diện tích canh tác cũ, vẫn trồng cây lâm nghiệp, nhưng có sự hướng dẫn chặt chẽ theo quy trình của cán bộ chuyên môn, đặc biệt, thông qua các mô hình canh tác lâm nghiệp tốt – cây giống tốt, phân bón tốt, ứng dụng tiến bộ KHKT vào trồng rừng, người dân đã mạnh dạn tiếp cận cách làm mới. Hiện nay, tại các huyện trọng điểm phát triển kinh tế rừng như Bắc Mê, Bắc Quang, Vị Xuyên, ngay cả các địa phương ít lợi thế thuộc vùng núi đất phía Tây, nhưng những mô hình rừng kinh tế cũng đang hình thành, hứa hẹn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Nếu thực hiện đúng quy trình sản xuất lâm nghiệp tốt, từ nay trở đi, sau mỗi chu kỳ, rừng kinh tế của tỉnh sẽ đạt bình quân từ 120-130 m3/ha, thu nhập từ rừng của người nông dân chắc chắn đạt bình quân 150 triệu đồng/ha.
Trong Đề án định hướng phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, tỉnh ta nêu rõ, với điều kiện KT-XH đặc trưng nên buộc phải đi lên từ nền kinh tế sử dụng đất dốc theo hướng vừa bảo tồn, vừa khai thác tài nguyên đất đai để cung cấp nguồn sống cho trên 84% dân số vùng nông thôn. Mặc dù vậy, lâm nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, còn trong tình trạng chậm phát triển và có đóng góp ít ỏi cho nền kinh tế. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, giai đoạn 2011- 2014, ngân sách Nhà nước đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp chỉ đạt gần 73 tỷ đồng/năm, nguồn thu từ lâm nghiệp còn khiêm tốn, đạt 565 tỷ đồng/năm, đóng góp của lâm nghiệp vào GDP toàn tỉnh rất thấp, xấp xỉ 3,07%. Ngoài ra, chất lượng và giá trị của rừng tự nhiên đang bị suy giảm, hiệu quả kinh doanh rừng trồng còn thấp…
Với lợi thế địa phương tiếp giáp nước bạn Trung Quốc, có điều kiện tốt để xuất khẩu lâm sản từ gỗ và ngoài gỗ, những năm gần đây, lưu lượng hàng lâm sản qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy rất lớn, có thời điểm đạt 300 m3 ván bóc/ngày. Bên cạnh đó, tỉnh ta nằm trong vùng nguyên liệu của nhiều nhà máy chế biến lâm sản lớn như Công ty Giấy Bãi Bằng, Công ty An Hòa, Công ty gỗ MDF Bình Vàng… rất thuận lợi để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm với giá trị cao. Riêng nhu cầu của Nhà máy MDF, khi hoạt động 100% công suất, sẽ cần vùng nguyên liệu từ 24-33 nghìn ha và phân bố tương đối đều theo cấp tuổi. Đối chiếu với hiện trạng rừng, đất rừng, vấn đề không phải thiếu đất để phát triển rừng trồng, điều quan trọng là đầu ra của sản phẩm, tổ chức và liên kết sản xuất, đưa giống mới, kỹ thuật thâm canh để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh doanh rừng… Và với cách làm như đang triển khai, tỉnh ta hoàn toàn có thể khắc phục được những hạn chế, sẽ phát huy đúng tiềm năng, lợi thế kinh tế rừng, người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ rừng trồng – Giáo sư Điển khẳng định.