BVR&MT – Năm 2022, Bình Liêu đang dồn sức phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới (NTM). Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, hoàn thiện hạ tầng giao thông, nông thôn… huyện đẩy mạnh triển khai các nội dung, hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc thực hiện các tiêu chí NTM. Qua đó, tạo động lực thi đua, huy động sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Những năm trở lại đây, Bình Liêu trở thành một điểm sáng trong bản đồ du lịch của tỉnh, cho thấy sức hút của một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trong hành trình khám phá trọn vẹn du lịch Quảng Ninh. Kết quả đó có được không chỉ từ định hướng phát triển đúng đắn của tỉnh, của huyện mà còn từ sự chung sức, vào cuộc chủ động, hăng hái của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Du khách đến với Bình Liêu không còn xa lạ với hình ảnh bà con dân tộc làm du lịch, phát triển các homestay giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương. Những ngày hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, ngày Kiêng gió của người Dao, lễ hội đình Lục Nà của người Tày… từ nhiều năm nay đều được huyện giao cho các xã tự tổ chức với sự góp sức rất lớn của chính người dân ở tất cả các khâu từ tổ chức chương trình, tham gia biểu diễn văn nghệ, tái hiện những nghi lễ truyền thống… Sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân khi tham gia các phong trào phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, phát triển du lịch, xây dựng NTM, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc chính là minh chứng cụ thể cho thấy sức lan tỏa của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện những năm qua.
Đồng chí Hoàng Huy Trọng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Xác định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống tinh thần phong phú là góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo cơ sở vững chắc cho xây dựng NTM, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, tiêu chuẩn, ý nghĩa, tầm quan trọng của thực hiện phong trào gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước.
Với mục tiêu số hộ gia đình văn hóa đạt 95% và số thôn, bản, khu phố được công nhận thôn, bản, khu phố văn hóa đạt 97% trong năm 2022, các xã, thị trấn của huyện đã đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh từ mỗi gia đình.
Theo đó, công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế được xem là tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng NTM. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2022, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã tích cực rà soát, đánh giá nguyên nhân nghèo của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ xây nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua chính sách vốn vay ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề dịch vụ. Đặc biệt, chú trọng tổ chức phát triển sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, ứng dụng KHCN với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như dong riềng, hồi, quế, sở và trồng cây gỗ lớn như lim, giổi, lát theo chỉ đạo của tỉnh.
Cùng với đó, huyện ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng nông thôn thực sự cấp bách như các công trình về giáo dục, văn hóa, giao thông gắn với chiến lược kết nối liên vùng, liên xã nhằm phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.
Xuyên suốt mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của người dân, chương trình xây dựng NTM của huyện Bình Liêu không chỉ là câu chuyện xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế… mà còn quan tâm xây dựng, bồi đắp những giá trị văn hóa, nền tảng tinh thần trong mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Vì vậy, hệ thống thiết chế văn hóa ở xã, thị trấn, thôn bản, khu văn hóa tiếp tục được huyện đầu tư nguồn lực và huy động nguồn xã hội hóa để hoàn thiện theo tiêu chí NTM trong năm 2022.
Đến nay, 100% xã đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm văn hóa cấp xã, 102/104 thôn, khu đã có nhà văn hóa, là cơ sở quan trọng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Nội lực vươn lên và sự quyết tâm, đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện sẽ là động lực cổ vũ tinh thần thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, xây dựng Bình Liêu trở thành huyện NTM ngày càng giàu đẹp, văn minh.