BVR&MT – Chính sách hỗ trợ sản xuất về con giống và cây trồng mới theo Chương trình 30a của Chính phủ đã tạo động lực, cơ hội cho đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Xác định chính sách hỗ trợ sản xuất 30a của Chính phủ là sinh kế giúp dân thoát nghèo, hàng năm, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố phải chủ động khảo sát, thống kê diện tích ruộng, nương để có phương án hỗ trợ giống, phân bón kịp thời.
Đồng thời, Lai Châu triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, thông qua các mô hình trình diễn và hội thảo đầu bờ, bà con nông dân được tập trung xem, làm theo. Tỉnh Lai Châu cũng quan tâm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thông qua hình thức hỗ trợ chính sách 30a của Chính phủ; trong đó, chú trọng chuyển đổi phương thức sản xuất chăn nuôi và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa bền vững.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và các huyện, thành phố thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống từng hộ gia đình hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố rà soát nhu cầu hỗ trợ của hộ dân về các loại cây, con giống. Tổ chức họp bản, cho hộ dân viết đơn đăng ký nhu cầu cần hỗ trợ với điều kiện các hộ đảm bảo về: chuồng trại, đất canh tác; cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc nuôi dưỡng, sử dụng giống đúng mục đích. Cùng đó, tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ sản xuất 30a và hướng dẫn Nhân dân các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi.
Được hỗ trợ con giống, cây trồng và tập huấn phương thức sản xuất mới, bà con dân tộc giảm gánh nặng đầu tư ban đầu, nên yên tâm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Đầu năm 2016 gia đình bà Vàng Thị Khiêm, dân tộc Thái ở bản Nậm Ngùa, xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) được hỗ trợ 1 con lợn giống móng cái sinh sản 25kg. Nhờ làm tốt phòng chống dịch bệnh, cũng như bỏ công chăm sóc đến nay lợn giống gia đình đã đẻ được 4 lứa, bình quân 7 – 9 con lợn giống. Từ đó, giúp gia đình tăng đàn, bán lợn giống cho thu nhập kinh tế cao.
Theo bà Vàng Thị Khiêm, Nhà nước hỗ trợ con giống, người dân có điều kiện tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Lợn giống móng cái có đặc điểm thịt thơm ngon, đẻ nhiều con, chống chịu bệnh tật tốt nên người dân dễ nuôi, chăm sóc thuận lợi. Hiện nay, gia đình đã chăn nuôi tăng đàn được 12 con, 1 lợn nái, 6 lợn thịt; giá lợn giống trung bình bán được 90.000 đồng/kg. Chính sách hỗ trợ con giống rất phù hợp, hiệu quả trong việc tạo sinh kế cho người dân nghèo có điều kiện làm kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Thuộc diện hộ nghèo của bản Mường 2, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) từ nhiều năm, gia đình ông Lò Văn Ưm không có điều kiện mua con giống để chăn nuôi. Từ chính sách hỗ trợ giống vật nuôi, năm 2016, gia đình ông được hỗ trợ 10 triệu đồng và gia đình tích góp thêm 13 triệu đồng để mua 1 trâu giống sinh sản. Có vật nuôi, gia đình chăm sóc chu đáo để trâu phát triển khỏe mạnh và sắp đẻ lứa đầu tiên.
Đây là niềm vui có đàn gia súc của ông Ưm mà rất nhiều hộ trong xã Mường Kim cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo hình thức đối ứng mua trâu giống sinh sản. Qua đó có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Vùng đất xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu) được biết đến với đất đai màu mỡ, phì nhiêu, với nguồn nước quanh năm tưới tiêu cho các cánh đồng rộng lớn như: Hua Nà, Phường, Đán Đăm. Chính vì đó, huyện đã chọn xã làm nơi trồng, phát triển giống lúa chất lượng cao Séng cù, vừa tạo giá trị hàng hóa nông sản, vừa xây dựng thương hiệu riêng cho Than Uyên cũng như tăng thu nhập cho người dân. Chính sách hỗ trợ sản xuất 30a của Chính phủ đã hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón sản xuất lúa chất lượng.
Ông Lù Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu) khẳng định: Xã có diện tích đất tự nhiên 2.164 ha, có 9 bản. Nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất 30a đã giúp nông dân trong toàn xã thay đổi thói quen canh tác lạc hậu chuyển sang trồng trọt theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế.
Chính sách cũng là động lực để khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo có sinh kế thúc đẩy phát triển kinh tế từng bước tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 14,77%; hộ cận nghèo chiếm 20,7%.
Có thể khẳng định, chính sách hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tại ở tỉnh khó khăn Lai Châu đã tạo đòn bẩy giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Qua đó, tạo chuyển biến trong sản xuất, chăn nuôi, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.