BVR&MT – Được mệnh danh là “Thủ đô gió ngàn”, Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng, giàu truyền thống cách mạng và được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh thắng nổi tiếng. Trong số đó không thể không nhắc tới Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (Khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng) – Khu rừng đặc dụng với hệ sinh thái rừng núi đá vôi rất đặc trưng, có giá trị bảo tồn cao và được coi là một trong những “lá phổi xanh” quan trọng bậc nhất của Khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ.
Khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng là một trong những vùng có các loài thực vật, động vật đa dạng, phong phú với hệ sinh thái rừng núi đá vôi rất đặc trưng, có giá trị bảo tồn cao. Về thực vật có 6 kiểu thảm thực vật, 1.234 loài thuộc 660 chi, 171 họ, 5 ngành và 02 lớp thực vật, trong đó ghi nhận 56 loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới thuộc đối tượng cần phải bảo tồn. Về động vật có 346 loài, 89 họ, 25 bộ, trong đó có 60 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn.
Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, khu rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng còn được đánh giá cao về giá trị cảnh quan. Trong khu vực có nhiều suối và thác nước đan xen giữa các cánh rừng tự nhiên tươi đẹp, ẩn sâu bên dưới là những hang động độc đáo với nhiều hình tượng kỳ ảo, sinh động. Ở đó có những nhũ đá mang hình tượng độc đáo, sinh động được hình thành một cách tự nhiên, tạo nên những cảnh tượng kỳ ảo, hấp dẫn.
Nổi bật nhất là hang Phượng Hoàng (hang khô và hang nước) – Suối Mỏ Gà (xã Phú Thượng), là hệ thống hang động không chỉ có cảnh quan kỳ thú, hấp dẫn, có tiềm năng lớn về du lịch mà còn là di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận. Tiếp đến là thác Mưa Rơi (hay còn gọi là thác Nậm Rứt) nằm tại xóm Kim Sơn (xã Thần Sa) xuất hiện đầy hùng vĩ và dữ dội vào mùa mưa, nhưng lại êm đềm với những khe nước len lỏi vào mùa khô tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình đầy cuốn hút. Ngoài ra, trong khu vực còn có di tích Mái Đá Ngườm (xã Thần Sa), một di chỉ khảo cổ học của Người Việt cổ thời trung kỳ đồ đá cách đây khoảng 30.000 năm… Tất cả những điều đó đã khẳng định sự đa dạng về cảnh quan, văn hóa và lịch sử của khu vực nơi đây.
Mặt khác, diện tích rừng và đất rừng trải dài trên diện tích 08 xã, thị trấn với những cánh rừng xen kẽ các bản làng, với những thửa ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả, những đồi chè xanh ngát,… càng làm tăng thêm sự thu hút của khu vực với du khách tham quan.
Chính bởi nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú này, Khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng không những được đánh giá là khu rừng đặc dụng quan trọng trong các hoạt động nghiên cứu khoa học mà còn có vai trò lớn đối với phát triển kinh tế xã hội của người dân, đặc biệt là với hoạt động du lịch. Theo đó, những tài nguyên trên là chất liệu riêng có thể khai thác các loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, giáo dục môi trường…
Chia sẻ cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong những năm gần đây Khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng nhận được sự quan tâm và đầu tư đáng kể của tỉnh Thái Nguyên để bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, và các hệ sinh thái rừng đặc trưng. Nhiều chương trình, dự án liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học đã được đầu tư thực hiện như: Các chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học; các dự án đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn; các chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm cũng được quan tâm đầu tư nhằm giảm áp lực tiêu cực đến tài nguyên rừng, góp phần ổn định đời sống cho cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh Thái Nguyên, sự chỉ đạo sát sao của Sở NN&PTNT Thái Nguyên, sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân địa phương và nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học tại Khu DTTN Thần Sa – Phượng Hoàng đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, các hệ sinh thái rừng đã được bảo vệ, các vụ xâm hại tài nguyên rừng giảm rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đệm được cải thiện.
Mặc dù vậy, chế độ chính sách, đãi ngộ vẫn là điều băn khoăn, trăn trở đối với Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nơi đây như: Chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại khi chữa cháy rừng; Không có chế độ thương binh, liệt sĩ khi bị tai nạn trong khi thực hiện nhiệm vụ; Tiền lương chưa tương xứng với công sức, thời gian 24/24h đi tuần tra, kiểm tra rừng tại địa bàn quản lý… Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, việc hoàn thiện những chính sách trên sẽ góp phần không nhỏ động viên, khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực trong công tác bảo vệ rừng, đồng thời tạo động lực để gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị to lớn mà Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng mang lại cho mảnh đất Thái Nguyên.
Hậu Thạch