Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào giải pháp nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn của cộng đồng dân cư nhận giao khoán rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

BVR&MT – Tóm tắt: Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến bán đảo Cà Mau, đặc biệt là cộng đồng dân cư sinh sống tại nơi đây. Việc rừng ngập mặn bị suy giảm và nước biển dâng cao hơn sẽ làm biến mất các bãi bồi, thu hẹp vuông nuôi thủy sản của người dân do sạt lở, xói lở và bị ngập nước mặn. Các tác động của BĐKH có mức độ ảnh hưởng lớn đến tới diện tích canh tác, tập tính của các loài, khả năng sinh trưởng và sự phát triển của thủy sản, dẫn đến năng suất nuôi trồng giảm. Việc nuôi tôm công nghiệp (thâm canh) sử dụng nhiều thức ăn, hóa chất công nghiệp cùng hệ thống xử lý nước thải chưa đồng bộ, chưa triệt để, đã gây ra ô nhiễm nguồn nước và còn gây ra các hệ lụy tàn phá rừng ngập mặn do mở rộng diện tích canh tác ồ ạt. Giải pháp nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn là một trong những giải pháp dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn và phương pháp ứng phó với BĐKH dựa vào cộng đồng. Việc thực hiện giải pháp này vừa giúp phát triển sinh kế bền vững nhờ nguồn thu từ tôm và thủy sản kết hợp, hạn chế tác động của sóng, thủy triều, xâm nhập mặn vừa mang lại giá trị giảm thiểu nhờ tăng cường khả năng hấp thụ carbon của rừng ngập mặn. Triển vọng phát triển thêm chứng chỉ tôm sinh thái, sự liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm cùng các hoạt động tăng cường lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, thích ứng với BĐKH, phát triển tín chỉ Carbon, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, REDD+… giúp duy trì tính bền vững của giải pháp này trong tương lai.

Abstract: Climate change is increasingly impacting the Ca Mau peninsula, especially the communities living here. The decline of mangrove forests and higher sea levels will make alluvial flats disappear, narrowing the aquaculture area of ​​people due to landslides, erosion, and saltwater flooding. The impacts of climate change greatly influence cultivated areas, species behavior, growth ability, and the development of aquatic products, leading to reduced aquaculture productivity.

Industrial shrimp farming (intensive farming) uses a lot of feed and industrial chemicals. The wastewater treatment system is not synchronous and incomplete, causing water pollution and also causing devastating consequences—mangroves due to a massive expansion of the cultivated area. The solution of shrimp farming under the mangrove canopy is one of the solutions based on the mangrove ecosystem and a community-based climate change response method. The implementation of this solution helps to develop sustainable livelihoods thanks to the combined revenue from shrimp and fishery, to limit the impact of waves, tides, and saltwater intrusion, and to provide mitigation value by enhancing the ability of carbon sequestration of mangroves. Prospects for further development of ecological shrimp certificates, linkages to create product chains and activities to strengthen business planning, climate change adaptation, development of Carbon credits, payment for ecosystem services ecology, REDD+… help maintain the sustainability of this solution in the future.

1. Thông tin chung:
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (VQG MCM) có diện tích quản lý là 41.682 ha. Trong đó có hơn 15.262 ha đất liền, còn lại 26.600 ha là diện tích vùng ven, được chia thành 4 phân khu chính: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (12.203 ha), phân khu phục hồi sinh thái (2.859 ha), phân khu hành chính – dịch vụ (200 ha), phân khu bảo tồn biển (26.600 ha).Hiện còn 221 hộ dân sinh sống trong khu vực phục hồi sinh thái của Vườn (tập trung chủ yếu tại xã Đất Mũi). Các hộ dân này được Vườn Quốc gia giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích 931,93 ha.

Bán đảo Cà Mau và khu vực VQG Mũi Cà Mau ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Theo dự báo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì nước biển dâng trong khoảng 65-100 cm sẽ làm ngập 69-89% diện tích khu vực, với đỉnh triều từ 80-175 cm sẽ làm 95-100% khu vực này ngập trong 70 cm nước, kéo theo đó là sạt lở và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt. Các nghiên cứu của ICEM (2011) cũng cho thấy rằng nhiệt độ cao nhất và nhiệt độ trung bình khu vực Mũi Cà Mau sẽ tăng lên khoảng 2°C và 1,9ºC. Bên cạnh đó, nghiên cứu của SEA START cũng chỉ ra rằng lượng mưa trung bình trong khu vực sẽ giảm khoảng 80-119 mm/năm (theo kịch bản A2 của IPCC) trong giai đoạn 2010-2050. VQG Mũi Cà Mau cũng là nơi có tần số bão đổ bộ vào đất liền cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình trạng sạt lở, sụt lún ven biển và hai bên bờ với tốc độ tương đối nhanh.

Nước biển dâng cao hơn sẽ làm biến mất các bãi bồi, thu hẹp vuông nuôi thủy sản của người dân do sạt lở, xói lở và bị ngập nước mặn. Các điểm sạt lở để lộ ra những điểm xung yếu dễ bị sóng biển tàn phá, đặc biệt ở khu vực bờ phía Đông Bắc. Cây rừng ngập mặn ở phía cửa biển sẽ có xu hướng phát triển vào trong đất liền, kéo theo sự di chuyển của các loài thủy sản dưới tán rừng, gây ra sự dịch chuyển đa dạng sinh học.Các loài tôm, sò,… có phản ứng mạnh với nhiệt độ tăng cao và nồng độ CO 2 thay đổi. Vì vậy khi nhiệt độ tăng lên, sự phát triển của các loài thủy hải sản sẽ bị ảnh hưởng, gây suy giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng nhiều đến sinh kế của người dân. Lưu lượng mưa giảm dẫn đến sự gia tăng nồng độ mặn và hạn mặn trong mùa khô làm suy giảm các loài sinh vật sống ở độ mặn thấp và trung bình. Sự suy giảm về dòng chảy của sông và kệch rạch do mùa khô kéo dài dẫn đến sự suy giảm và phân bố của động thực vật, nước tưới tiêu, sinh hoạt của các hộ gia đình

Các tác động của BĐKH có mức độ ảnh hưởng lớn đến tới diện tích canh tác, tập tính của các loài, khả năng sinh trưởng và sự phát triển của thủy sản, dẫn đến năng suất nuôi trồng giảm. Việc nuôi tôm công nghiệp (thâm canh) sử dụng nhiều thức ăn, hóa chất công nghiệp cùng hệ thống xử lý nước thải chưa đồng bộ, chưa triệt để, đã gây ra ô nhiễm nguồn nước. Việc mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản, xây dựng cơ sở hạ tầng dẫn tới sự mất đi nhiều diện tích rừng ngập mặn, môi trường sống của thủy hải sản dưới tán rừng bị thu hẹp, diện tích nuôi trồng không có rừng ngập mặn bảo vệ càng làm gia tăng mức độ ảnh hưởng gay gắt của BĐKH.

Sinh kế của người dân nơi đây phụ thuộc chính vào nuôi tôm, chủ yếu được nuôi theo kinh nghiệm và quy mô nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật. Họ ít có điều kiện lựa chọn những nghề nghiệp hay phương tiện kiếm sống cho mình ngoài những nghề hiện có. Đây chính là mấu chốt tạo nên tính dễ bị tổn của cộng đồng nơi đây với BĐKH.

Những ghi nhận từ thực tiễn cho thấy khả năng ứng phó với BĐKH trong cuộc sống và sinh kế của cộng đồng dân ở đây chưa bền vững, thụ động và thiếu kế hoạch. Mặc dù, người dân cũng đã có những biện pháp thích nghi và ứng phó với thiên tai, BĐKG và những vấn đề về môi trường nhưng ở mức độ thấp hay vừa phải, mang ít nhiều tính đối phó tạm thời như đắp bờ khi sạt lở, trồng thêm cây, chằng chống nhà cửa, trữ nước mưa, đưa trẻ em đi học trong thời điểm nước triều cao, đi làm thuê kiếm sống,… nhưng chưa có những biện pháp mang tính dài hạn và không chắc chắn trong tương lai. Hiệu quả của các giải pháp ứng phó cũng không cao do biến động thời tiết ngày càng thất thường và việc áp dụng không có tổ chức, kế hoạch khi mệnh ai người đấy làm. Tỉnh Cà Mau cũng đã chuẩn bị được kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tuy nhiên tài liệu này chỉ mới được xây dựng năm qua và gần như chưa được triển khai đến huyện xã và cộng đồng cư dân nơi đây. Người dân ít khi được tham gia lập kế hoạch, thiếu các thông tin tình hình thiên tai bão lũ, các hoạt động tập huấn cho người dân tham gia liên quan đến phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, diễn tập cứu hộ cứu nạn,… hầu như không có.

Sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước, các tổ chức quốc tế còn hạn chế, chủ yếu thông qua cứu trợ khẩn cấp, thiết yếu và thiếu sự liên kết với các bên liên quan.

2. Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào giải pháp nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn:

2.1. Giải pháp:

Từ các phân tích ở trên, có thể thấy cộng đồng dân cư ở VQG Mũi Cà Mau cần có một giải pháp để hỗ trợ họ trong việc ứng phó với BĐKH. Giải pháp đó có thể được thực hiện theo cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái.

Theo Công ước về Đa dạng sinh học (CBD, 2009), thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái (Ecosystem-based Adaptation – EbA) là “sử dụng đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái như một phần tổng thể của chiến lược thích ứng giúp cho con người ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH”. EbA bao gồm việc quản lý bền vững, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái để cung cấp các lợi ích, tạo môi trường thuận lợi giúp con người thích ứng được trước những thay đổi bất lợi, trong đó có các thay đổi của khí hậu. Dịch vụ hệ sinh thái (Ecosystem services), ở đây có thể được hiểu là “Những lợi ích con người đạt được từ các hệ sinh thái bao gồm dịch vụ cung cấp như thức ăn và nước; các dịch vụ điều tiết như điều tiết lũ lụt, hạn hán; các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu trình dinh dưỡng; và các dịch vụ văn hóa như giải trí, tinh thần, tín ngưỡng và các lợi ích phi vật chất khác” (Millennium Ecosystem Assessment, 2005).

Hình 1. Mô hình tôm – rừng tại VQG Mũi Cà Mau.

Giải pháp nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn (hay còn được gọi nuôi hỗn hợp tôm–rừng) là một trong những giải pháp dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn và phương pháp ứng phó với BĐKH dựa vào cộng đồng.Rừng ngập mặn mà các hộ gia đình nhận giao, khoán và diện tích vuông tôm thâm canh hiện có dần được chuyển đổi từ hình thức lâm sinh thuần túy(trồng rừng lấy gỗ) hay nuôi trồng thủy sản thuần túy(nuôi tôm thâm canh) sang hệ thống sản xuất kết hợp lâm nghiệp với nuôi trồng thủy sản.Bên cạnh đó là tăng khả năng tiếp cận, khuyến khích cộng đồng tham gia với chính quyền trong công tác nâng cao sinh kế bền vững, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, lập kế hoạch và ứng phó với BĐKH từ chính trong cộng đồng. Giải pháp được triển khai gồm các nội dung chính:

+ Chuyển đổi mô hình thâm canh và cải thiện mô hình nuôi tôm quảng canh hiện có tại địa phương sang mô hình nuôi tôm rừng với tỉ lệ rừng/tôm phù hợp kết hợp với kỹ thuật nuôi trồng mới để mang lại hiệu quả kinh tế cao mà vẩn đảm bảo môi trường tốt cho cây ngập mặn phát triển. Nghiên cứu đánh giá duy trì tỷ lệ rừng/tôm ở mức tối ưu từ 50/50 – 60/40, các giải pháp kỹ thuật bố trí hài hòa giữa tôm – rừng.Tăng cường trồng rừng, chăm sóc, tái sinh và phát triển rừng ngập mặn. Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ lá cây rừng và hạn chế hoàn toàn việc sử dụng hóa chất. Nâng cao chất lượng sản phẩm tôm để có thể đạt được chứng nhận tôm sinh thái.

+ Nghiên cứu kết hợp nuôi tôm và thủy sản khác dưới tán rừng ngập mặn để tối đa hóa năng suất, hiệu quả, lợi nhuận (kết hợp Tôm – Sò huyết – Cua, Tôm – Vọp…)

+ Cải thiện hệ thống cấp thoát nước, bố trí thêm cống thoát nước giúp lưu thông nước hiệu quả,giải pháp luân chuyển nước trong vùng nuôi, cải thiện chất lượng nước trong khu nuôi.

+ Tăng cường quy hoạch vùng nuôi thủy sản dưới tán rừng, tăng cường quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng thông qua các tổ tự quản lâm nghiệp cấp ấp và tạo
chuỗi liên kết sản xuất.

+ Tăng cường vai trò chủ thể của cộng đồng cùng với tăng cường sự tham gia của các bên liên quan.

+ Tăng cường năng lực của cộng đồng thông qua lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, chủ động lập và thực hiện kế hoạch thích ứng với BĐKH.

2.2. Kết quả của giải pháp:

Giải pháp nuôi tôm rừng đã mang lại các lợi ích: “đầu tư ít vốn, không sợ nước bị ô nhiễm, không sợ nắng nóng kéo dài, nguồn nước duy trì tự nhiên, giảm ô nhiễm, tận dụng được nguồn nguyên liệu trong rừng”. Sự kết hợp giữa tôm và rừng, vừa tận dụng được điều kiện nuôi thuận lợi vừa mang lại năng suất khá, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Mô hình này tuy không có sự đột phá về năng suất nhưng ổn định và rất ít rủi ro trong quá trình nuôi. Đặc biệt là nhóm hộ có diện tích rừng/vuông nuôi tôm trên 5,5 ha còn có thu nhập bình quân trên 162 triệu đồng/hộ/năm, thu nhập mang lại xấp xỉ 80% khi nuôi thâm canh nhưng chi phí bỏ ra thấp hơn canh tác theo phương thức cũ rất nhiều khi chi phí tu bổ lại bờ ao và rừng ngập mặn trung bình cho một ao khoảng 10 ha là 2,5 triệu đồng. Chi phí này bằng ½ so với các ao nuôi tôm không có rừng bên trong vì ao tôm có rừng bên trong nên đã giảm sức mạnh của sóng khi đánh vào bờ ao nhất là khi trong điều kiện gió to và triều cường giúp bờ đất không bị xói lở. Mô hình này cũng đã tác động đến suy nghĩ người dân và kích thích người dân tự đầu tư trồng lại diện tích rừng bị mất, tham gia vào các tổ bảo vệ, giám sát rừng.

Giải pháp được triển khai đã mang lại lợi ích trong cả giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân VQG Mũi Cà Mau:

Bảng 1: Lợi ích của giải pháp tôm – rừng mang lại

Thích ứng Giảm thiểu
Nuôi tôm dưới rừng ngập mặn đã giảm sức mạnh của sóng khi đánh vào bờ vuông tôm nhờ hệ dễ của rừng, nhất là khi trong điều kiện gió to và triều cường giúp bờ đất không bị xói lở, giúp người dân thích ứng với triều cường, xói lở. Việc kiểm soát nguồn nước, tận dụng thức ăn tự nhiên và hạn chế chất hóa học, thức ăn công nghiệp giúp giảm thiểu sự phát thải trong nuôi trồng thủy sản tại đây.

Giải pháp rừng – tôm giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến vùng rừng phòng hộ ven biển. Bằng cách duy trì tỷ lệ rừng hợp lý, rừng ngập mặn được sinh trưởng ổn định sẽ đóng góp không nhỏ vào việc hấp thụ Carbon, giảm thiểu khí nhà kính, nhờ khả năng tích trữ Carbon rất lớn, khi 1 ha rừng ngập mặn có thể chứa được 3.754 tấn khí thải Carbon.

Diện tích rừng ngập mặn được nhân lên một cách tự nguyện và cũng giảm đi các nguyên nhân gây ra mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường việc thực hiện REDD+.

Hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi trước các tác động của thời tiết, theo thời gian hình chuỗi liên kết sản xuất, người nghèo, không có đất rừng ở đây cũng có khả năng kiếm được thu nhập ổn định hơn nhờ tham gia bảo vệ rừng, cung cấp công cụ, dụng cụ, chế biến sản phẩm của nuôi trồng. Giảm mâu thuẫn giữa nhóm người có khả năng làm ao với những người không có khả năng. Hạn chế việc khai thác cạn kiệt thủy sản tự nhiên và tàn phá, khai thác trái phép rừng phòng hộ lấy gỗ. Bảo tồn rừng ngập mặn và nguồn lợi hải sản làm tăng sức đề kháng và khả năng hồi phục của hệ sinh thái rừng ngập mặn và nguồn lợi thủy sản.
Khi thấy nhiều hộ nuôi tôm theo giải pháp có hiệu quả về kinh tế, có tính bền vững thì nhiều hộ dân đã tự đầu tư vốn trồng rừng để nuôi tôm. Tăng cường sinh kế chung cho cả cộng đồng, tăng sự đoàn kết, giảm sự rủi ro trong nuôi trồng thủy sản tự phát, đơn lẻ trước đây.
Khi có rừng thì quá trình xâm nhập mặn diễn ra chậm và phạm vi hẹp vì khi triều cao, nước đã lan tỏa vào trong những khu rộng lớn, hệ thống rễ dày đặc cùng với thân cây đã làm giảm tốc độ dòng triều, tán cây hạn chế tốc độ gió, giảm thiểu ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến cuộc sống.
Tăng cường nhận thức của người dân về vai trò rừng ngập mặn với BĐKH, vai trò của cộng đồng trong việc giảm thiểu BĐKH cũng được nhìn nhận nghiêm túc hơn. Tăng cường sự chủ động của cộng đồng trong việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, thích ứng với BĐKH.
Tăng cường sự tham gia của nhiều bên trong việc thích ứng và giảm thiểu với BĐKH bằng việc xây dựng kế hoạch chung, triển khai và cùng hợp tác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được của giải pháp thì quá trình thực hiện giải pháp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ kết quả thực tiễn cho thấy những mặt thuận lợi và những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện được phân tích lại trong bảng sau theo phương pháp SWOT:

Bảng 2. Phân tích SWOT giải pháp tôm – rừng

S – Điểm mạnh

Điều kiện tự nhiên phù hợp

Chi phí đầu tư thấp

Không gây ô nhiễm môi trường

Giảm thiểu rủi ro BĐKH

Tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên

Tăng mức độ đa dạng sinh học

W – Điểm yếu

Thu nhập không cao bằng phương pháp nuôi thâm canh

Cần thời gian dài để xuất hiện đầy đủ các tác động gián tiếp

Khó xác định hiệu quả trực tiếp, cụ thể ngay tức thời của biện pháp

O- Cơ hội

Đa dạng hóa nguồn thu (tôm, cua, sò…)

Được sự hỗ trợ của địa phương và các tổ chức liên quan

Sinh kế bền vững cho người dân

Thích ứng được trong bối cảnh BĐKH

T- Thách thức

Cần hiểu biết sâu sắc, đầy đủ toàn diện về các vấn đề

Thiếu kinh nghiệm của người dân

Sản xuất manh mún

Đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ

Phân tích SWOT:  
Phát huy điểm mạnh, tận dụng cơ hội

(S – O)

Khuyến khích canh tác theo mô hình này

Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhân rộng mô hình này

Đầu tư, phát triển chất lượng tôm tiến đến mô hình nuôi tôm sinh thá

Phát huy điểm mạnh, hạn chế thách thức (S – T)

Tăng cường phối hợp nghiên cứu, nâng cao kỹ thuật

Tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân

Tăng cường hệ thống quản lý rừng, vuông tôm

Hạn chế điểm yếu, phát huy cơ hội (W-O)

Tìm kiếm giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và giá cả

Kết hợp các giá trị từ rừng (lâm sản ngoài gỗ, REDD+, dịch vụ hệ sinh thái…)

Hạn chế điểm yếu, hạn chế thách thức (W-T)

Cần có các chính sách để ổn định, tăng cường hệ thống quản lý, liên kết

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và các tác động tích cực của giải pháp

2.3:  Sự tham gia của các bên liên quan:

Để đạt được sự thành công, giải pháp cần có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đó. Người dân là chủ thể của các hoạt động được triển khai, được tăng cường năng lực và được tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định cùng với đó là sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ người dân phát triển sinh kế bền vững

Bảng 3. Vai trò của các bên liên quan tham gia thực hiện giải pháp rừng – tôm

Người dân Chủ thể thực hiện giải pháp, được hưởng lợi nhờ vào việc nuôi thủy sản dưới tán rừng, cải thiện sinh kế, tăng khả năng thích ứng với BĐKH.
Ủy ban nhân dân xã, huyện Thực hiện quy hoạch vùng nuôi, đưa giải pháp vào trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ứng phó BĐKH ở địa phương. Hỗ trợ việc thành lập, vận hành các tổ/nhóm trong cộng đồng.
Kiểm lâm Xây dựng hành lang pháp lý phù hợp để quản lý rừng ngập mặn cũng như khai thác hiệu quả tài nguyên dưới tán rừng. Điều phối, hỗ trợ người dân tăng cường giám sát rừng ngập mặn.
Vườn quốc gia MCM Hỗ trợ người dân trong việc quản lý tốt tài nguyên rừng, khai thác hợp lý tài nguyên rừng, ngăn chặn phá rừng và tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng mô hình trên diện tích đã giao khoán.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tập huấn kỹ thuật và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho người nông dân thực hiện các kỹ thuật canh tác. Đưa các kết quả tốt, hiệu quả vào nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Cơ quan nghiên cứu Nghiên cứu giải pháp chọn giống, giải pháp kỹ thuật sinh thái để phát huy hiệu quả năng suất kết hợp giải pháp quản lý tốt môi trường.Đưa ra các luận chứng khoa học để quy hoạch vùng nuôi có hiệu quả.
Doanh nghiệp Hỗ trợ người dân các điều kiện cần thiết để hoàn thiện chất lượng tôm đạt chứng chỉ tôm sinh thái, hỗ trợ bao tiêu, chế biến sản phẩm…
Tổ chức xã hội, quốc tế Hỗ trợ tài chính, nhân lực, kỹ thuật cho việc thực hiện giải pháp. Là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp, đưa tiếng nói của người dân đến với các đơn vị hữu quan. Thực hiện tập huấn, hỗ trợ phát triển cộng đồng và nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH.

2.4. Tính bền vững và triển vọng của giải pháp:

Giải pháp vẫn đang được duy trì, nhân rộng và đã phát huy được tác dụng góp phần nâng cao năng lực cho nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương trước BĐKH ở VQG Mũi Cà Mau phát triển sinh kế bền vững và tăng cường vai trò của họ trong ứng phó với BĐKH. Sự tham gia chủ đạo của người dân khi người dân vừa được thụ hưởng, giám sát, đánh giá kết quả, phản hồi cùng với sự tham gia hỗ trợ của nhiều bên liên quan là các yếu tố quan trọng, góp phần đảm bảo tính bền vững cho giải pháp. Trong khi triển khai giải pháp, các đánh giá và nghiên cứu ứng dụng của các cơ quan nghiên cứu có vai trò quan trọng, cung cấp thông tin hữu ích cho địa phương. Quá trình thiết kế, thực hiện giải pháp đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu người dân và lồng ghép vào kế hoạch của địa phương, có sự tham gia từ các cơ quan liên quan từ Sở NN&PTNT Cà Mau và VQG Mũi Cà Mau do vậy các hoạt động được thực hiện cũng lồng ghép chặt chẽ với các chương trình do các đơn vị đang chủ trì.

Cách tiếp cận “dựa vào hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng” để tăng sức đề kháng và phục hồi trước BĐKH, duy trì khả năng cung cấp các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn và nguồn lợi cho người dânmà giải pháp đã triển khai có thể nhân rộng đến nhiều nơi hơn trong thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, việc phát triển thêm chứng chỉ tôm sinh thái, sự liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm cùng các hoạt động tăng cường lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, thích ứng với BĐKH, phát triển tín chỉ Carbon, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, REDD+… là các triển vọng có thể hướng tới để tăng cường hiệu quả của giải pháp.

3. Kết luận và khuyến nghị:

Giải pháp nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn là một giải pháp phù hợp với vùng ven biển, vùng đệm quan trọng như VQG Mũi Cà Mau, vừa tạo ra thu nhập cho người dân, phát triển sinh kế bền vững và thích ứng với BĐKH cao hơn, vừa hạn chế những tác động tiêu cực đến vùng rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, đồng thời cũng phù hợp với hạn chế của người dân địa phương do thiếu vốn và kiến thức để áp dụng các mô hình canh tác cao hơn. Việc nuôi tôm gắn với phát triển rừng ngập mặn mang lại giá trị to lớn về môi trường, đa dạng sinh học, đóng góp to lớn cho việc giảm thiểu khí nhà kính thông qua khả năng tích lũy Carbon rất cao của rừng ngập mặn, giá trị này nhiều khi còn lớn hơn nhiều so với những giá trị trực tiếp dễ nhìn thấy. Sự tham gia chủ động của người dân, lồng ghép chặt chẽ với các chương trình do địa phương đang chủ trì, mô hình sinh kế được lựa chọn kỹ lưỡng cùng với sự tham gia của người dân là một trong những yếu tố mang lại hiệu quả cho giải pháp này.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa và duy trì tích bền vững của giải pháp, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp:

+ Tăng cường công tác tập huấn cho người dân địa phương để áp dụng mô hình và đáp ứng các quy định cao hơn như chứng nhận tôm sinh thái. Ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của mô hình, hướng tới sự phát triển bền vững.

+ Tuyên truyền quảng bá tiềm năng, lợi thế về mô hình tôm-rừng của VQG đến các cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và tích cực mời gọi, thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.Xây dựng phát triển liên kết chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững giữa doanh nghiệp – hộ nuôi –Vườn Quốc gia – chính quyền địa phương để đảm bảo ổn định đầu vào, đầu ra của sản phẩm.

Tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội, quốc tế, tạo điều kiện tham gia và huy động các nguồn hỗ trợ tích cực cho việc phát triển giải pháp tại địa phương.

Vận động nhân dân thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trồng rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về rừng và đất rừng.

Tài liệu tham khảo
1. Donato C, Kauffman J, Murdiyarso D, Kurnianto S, Stidham M, Kanninen M (2011). Mangroves among the most carbon-rich forests in the tropics. Nature Geoscience 4: 293-297.

2. Ash N., Blanco H., Brown C., Garcia K., Henrichs T., Lucas N., Raudsepp- Hearne C., Simpson R. D., Tomich T. P., Vira B., and Zurek M. (2010). Ecosystems and Human Well-Being: A Manual for Assessment Practitioners. Island Press, Washington DC, USA.

3. Bộ Tài nguyên Môi trường (2020). Kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.

4. Blasco F. (1975). Climatics factors and the biology of mangrove plants. In: Snedaker S.C, Mangrove ecosystem research methods. UNESCO, Paris: 18-35.

5. CBD (2009). Connecting Biodiversity and climate change Mitigation and adaptation: Report of the Second Ad Hoc Technical Expert Group on Biodiversity and climate change. Montreal, Technical Series No. 41, 126 pages.

6. Doswald, Nathalie, and Matea Osti (2011). Ecosystem-based approaches to adaptation and mitigation: good practice examples and lessons learned in Europe. Bonn: BfN, 2011.

7. Ewel, K., Twilley, R. & Ong, J. (1998). Different kinds of mangrove forests provide different goods and services. Global Ecology and Biogeography Letters, 7, 83–94.

8. FAO (1994). Mangrove Forest Management Guidelines. FAO Forestry Paper 117. FAO, Rome. Italy.

9. Fitzgerald, W. J. (2000). Integrated mangrove forest and aquaculture systems in Indonesia, Mangrove –Friendly Aquaculture. SEAFDEC, 21-34.

10. Hamilton L., Dixon J., Miller G. (1989). Mangrove: An undervalued resourse of the land and the sea. Ocean Yearbook (8): 254-288.

11. Ha, T.T.P., Han, V.D., Leontine, V. (2014). Impacts of changes in mangrove forest management practices on forest accessibility and livelihood: A case study in mangrove-shrimp farming system in Ca Mau Province, Mekong Delta, Vietnam. Wageningen University, The Netherlands.

12. ICEM (2011). Mui Ca Mau Climate Change Trends. Prepared for MRC Wetlands Climate Change Vulnerability Assessment Field Mission.

13. IUCN (2009). Ecosystem–based Adaptation: A natural response to climate change.

14. IUCN (2010). Building Resilience to Climate Change: Ecosystem-based adaptation and lessons from the field.

15. ISPONRE (2013). Hướng dẫn kỹ thuật: xây dựng và thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậudựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam.

16. Lê Anh Tuấn (2013). Duy trì dịch vụ hệ sinh thái cho Mũi Cà Mau trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Diễn đàn Khoa học “Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa vì sự Phát triển Bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long”, TP. Cà Mau, 12/4/2013.

17. Maes J. and Jacobs S. (2015). Nature-based solutions for Europe’s sustainable development. Conservation Letters 10 (1); 2017. p. 121-124. JRC95708.

18. Millennium Ecosystem Assessment (2005). Ecosystems and Human Well-being: Synthesis. Island Press, Washington, DC.

19. Nguyễn Văn Ngọc Hiên, Trần Trung Quốc, Đào Quang Minh, Đinh Việt Hưng (2022). Quy hoạch sử dụng đất rừng ngập mặn gắn với giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

20. Quốc hội (2014). Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14.

Học viên cao học: Nguyễn Văn Ngọc Hiên
(Khoa các Khoa học liên ngành, VNU)
Người phản biện: Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng
Ngày Phản biện: 12/9/2022
Ngày duyệt đăng: 22/9/2022