Trách nhiệm Nhà báo là phản ánh?

BVR&MT – Đó là phản biện của Nhà báo Nguyễn Thành Lợi đưa ra trong Hội thảo Nâng cao vai trò của báo chí trong công tác phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện của Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) tổ chức sáng ngày 29/9.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tham dự Hội nghị gồm có PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam (LHHVN); Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng ban TT & PBKT, LHHVN và PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, UVTV Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Hà Nội Mới. Ngoài ra, còn có đại diện một số lãnh đạo cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp hội…

Tại Hội nghị, đánh giá về vấn đề giám sát xã hội mang tính xây dựng của báo chí hiện nay, ông Nguyền Thành Lợi cho rằng. Thời gian qua, hoạt động giám sát xã hội ở nước ta gặp không ít khó khăn, nhất là việc thực thi chức năng giám sát của báo chí đối với xã hội. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để phát huy chức năng giám sát xã hội của báo chí, chính quyền các cấp cần sử dụng thành thạo công cụ dư luận, đồng thời chúng ta cũng cần nâng cao trình độ giám sát, trình tự giám sát và kiên trì khuynh hướng giám sát mang tính xây dựng, phát huy tốt vai trò tích cực và chủ động của báo chí trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Ông Nguyễn Thành Lợi phân tích.

Giám sát xã hội mang tính xây dựng

Ngay từ năm 1948, khi trình bày về chức năng của truyền thông đại chúng, chuyên gia truyền thông của Mỹ H. Lasswel – một trong bốn học giả đặt nền móng cho ngành truyền thông thế giới đã phân tích khá tỉ mỉ “chức năng giám sát môi trường xã hội” của truyền thông đại chúng. Trong xã hội, truyền thông đại chúng có trách nhiệm phát hiện và đưa tin kịp thời về những vấn đề mà xã hội đang phải đối mặt, đồng thời công khai đưa ra lời cảnh báo cho các cấp chính quyền nhằm thay đổi và đưa ra các biện pháp đối phó với những thách thức và khủng hoảng trước mắt, từ đó bảo đảm sự ổn định của xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào, trách nhiệm của báo chí là “giám sát môi trường xã hội”. Do vậy, hoạt động giám sát xã hội và duy trì trật tự xã hội được thể hiện chủ yếu trong chức năng giám sát xã hội của báo chí.

Có thể thấy, xuất phát điểm và mục đích cuối cùng của hoạt động giám sát xã hội mang tính xây dựng là giải quyết triệt để vấn đề, cải thiện thực trạng. Nói cụ thể hơn, giống như nhiều sự vật khác, hoạt động giám sát xã hội như “con dao hai lưỡi”, vấn đề tiêu cực được phanh phui sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng, từ đó tìm giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề, tuy nhiên hoạt động này cũng khá nhạy cảm và mang tính “động chạm” nhất định, đối tượng bị giám sát phản ứng thậm chí công khai đối đầu, gây ra sự chấn động ở một mức độ nhất định thậm chí là phá hoại. Trong thực tế, giám sát xã hội mang tính xây dựng cần phát huy hiệu ứng tích cực của hoạt động giám sát, đồng thời cần chú ý kiểm soát khả năng phá hoại của nó. Ở đây thể hiện một phương thức tư duy biện chứng, từ “phá” để “lập”, mục tiêu cuối cùng là “lập” – tức là tính xây dựng.

Tiêu chuẩn lựa chọn đề tài của hoạt động giám sát xã hội mang tính xây dựng là những vấn đề nóng có thể giải quyết, ít nhất là được đối tượng mà bài báo đưa tin và các cơ quan hữu quan coi trọng. Nó yêu cầu cơ quan báo chí truyền thông không chỉ vạch trần những bất cập trong xã hội, mà có thể chỉ ra hướng đi đúng, giúp giải quyết vấn đề, thúc đẩy phát triển, tạo hiệu quả xã hội tích cực. Đối với những vấn đề xã hội cấp bách cần giải quyết, báo chí cần tích cực điều tra và giám sát, phát huy thế mạnh của mình, tìm đúng thời cơ, hình thành hợp lực, kiên trì truy xét tới cùng sự việc. Đối với những hiện tượng, vấn đề có tính tranh luận, hoặc tạm thời chưa có phương án giải quyết hiệu quả rõ ràng, báo chí cần hành động thận trọng, trên cơ sở quan sát, phân tích và phán đoán, với quan điểm nhìn nhận, đánh giá một cách tích cực, định hướng dư luận, tạo ra sự đột phá. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không nên chỉ đưa ra vấn đề một chiều mà không quan tâm đến tính khả thi của việc giải quyết vấn đề và khả năng chịu đựng của công chúng.

Tránh phanh phui đơn thuần

“Khi nhấn mạnh nguyên tắc tính xây dựng trong giám sát xã hội của báo chí cần tránh khuynh hướng chỉ đưa tin tiêu cực, vạch trần và phanh phui một chiều.”: Ông Lợi nhấn mạnh

Thực tế, cần phân biệt rõ vấn đề khi đưa tin về những tiêu cực trong xã hội. Khi bàn về “chức năng giám sát xã hội bắt buộc” của truyền thông, chuyên gia truyền thông người Mỹ Paul Lazarsfeld đã tập trung nhấn mạnh “tính công khai” của báo chí, ông cho rằng sau khi công khai những hành vi đi ngược với đạo đức xã hội, báo chí sẽ khiến đương sự cảm nhận được sức ép từ phía dư luận, từ đó thôi thúc họ quay về với quỹ đạo tuân thủ các hành vi có tính quy phạm. Trong thực tiễn, hoạt động đưa tin công khai rất có lợi cho việc thúc đẩy giải quyết những vấn đề đang nảy sinh, tuy nhiên không phải thông tin nào công khai mới giải quyết tốt mọi việc. Thậm chí, đôi khi việc công khai hóa còn khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Một ví dụ sinh động minh chứng cho điều này là vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX, Tổng Bí thư
Đảng cộng sản Liên Xô chủ trương cải tiến “tính công khai” của báo chí, khuyến khích báo chí vạch trần các vấn đề bất cập trong xã hội, đưa tin về rất nhiều bí mật trong lịch sử của Liên Xô. Tuy nhiên “tính công khai” không những không thể giải quyết những bất cập trong xã hội Liên Xô lúc đó, mà còn gây ra tình trạng hỗn loạn trong giá trị và mất kiểm soát dư luận, cuối cùng làm suy yếu khả năng lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô, đẩy đất nước này vào vực thẳm tan rã. Do đó, việc phanh phui các vấn đề tiêu cực một cách công khai để giám sát cần chú ý đến những khuynh hướng giá trị, có nghĩa là phát huy tính xây dựng để giải quyết vấn đề một cách tích cực hay vạch trần cái tiêu cực mang tính phá hoại để “câu view” đơn thuần?

Ngay cả đối với quốc gia giương cao ngọn cờ dân chủ trong báo chí như Mỹ, nhiều lúc giám sát xã hội của báo chí cũng thường xuyên đi chệch quỹ đạo. Đầu thế kỷ XX, báo chí Mỹ từng rộ lên “phong trào vạch trần” trên phạm vi toàn xã hội, các bản tin lên án một số tập đoàn tư bản lũng đoạn ngành nghề, cản trở hoạt động cạnh tranh trong thị trường, vạch trần sự hủ bại của quan chức và sự phân hóa giàu nghèo quá lớn trong xã hội… Những bài báo đó hầu hết đứng trên lập trường bảo vệ lợi ích chung, phù hợp với lợi ích căn bản của giai cấp tư sản thống trị Mỹ nên được coi là có những cống hiến cho hoạt động cải cách xã hội và “phong trào tiến bộ” thời ấy của Mỹ, thậm chí có người cho rằng, sự giám sát của báo chí truyền thông đã “cứu rỗi chế độ của chủ nghĩa tư bản”. Tuy nhiên, sau đó hoạt động giám sát xã hội của báo chí Mỹ đã xuất hiện hiện tượng “dị hóa”, tức ngày càng trở thành hình thức đấu tranh được các đảng phái áp dụng, báo chí chuyên phanh phui các vụ scandal của đảng cầm quyền và nhà lãnh đạo đảng đó, mục đích là để họ mất mặt thậm chí mất chức, “tội” được vạch trần ngày càng xa rời lợi ích và sự quan tâm của công chúng. Khiến hình ảnh của báo chí Mỹ bị ảnh hưởng, thời gian đó, những lời phê bình đối về đạo đức người làm báo trở thành chủ đề chung được quan tâm rộng rãi. Ngoài ra, hoạt động giám sát xã hội của báo chí ở Mỹ tồn tại hiện tượng “bắt chẹt chính trị”, thậm chí có cả thủ đoạn “bắt chẹt kinh tế”.

Do đó, song song với việc phát huy chức năng giám sát xã hội mang tính xây dựng, chúng ta cần cảnh giác và phản đối hành vi “giám sát mang tính bắt chẹt” đó để bảo đảm hoạt động giám sát xã hội của báo chí luôn phát triển theo hướng mang tính xây dựng.

Đối với báo chí nước ta hiện nay, đi theo khuynh hướng mang tính xây dựng không những có thể giành được không gian phát triển lớn hơn cho hoạt động giám sát xã hội mà còn đề cao vị trí và vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại. Nếu báo chí có thể triển khai hoạt động giám sát mang tính xây dựng một cách hiệu quả thì hiệu ứng tích cực của hoạt động này sẽ được thể hiện rất rõ, sẽ cùng các ban ngành của chính phủ tạo dựng dư luận, chức năng giám sát xã hội của báo chí cũng có nhiều không gian phát huy hơn, phạm vi hoạt động trong xã hội cũng ngày càng rộng hơn. Ngược lại, nếu là hình thức giám sát theo kiểu phanh phui, theo đuổi hiệu ứng “câu view”, chỉ tập trung vạch trần vấn đề và những bất cập trong xã hội, mà không quan tâm đến việc vấn đề có được giải quyết hay không, chắc chắn sẽ gây tâm lý hoang mang và bất ổn trong xã hội, khiến môi trường sinh thái của báo chí ngày càng xấu đi.

Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, hoạt động giám sát xã hội của báo chí nước ta đạt được những kết quả rất to lớn, phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số khuynh hướng bất cập, như trong thực tiễn thích thổi phồng tin tiêu cực, phanh phui vấn đề mà không quan tâm đến việc có giải quyết được vấn đề hay không, trong nhận thức chỉ nhấn mạnh cách đưa tin khách quan của báo chí mà bỏ qua hiệu quả và hiệu ứng xã hội. Không ít nhà báo luôn tâm niệm một điều rằng, trách nhiệm của nhà báo chỉ là vạch trần và đưa tin, còn chính phủ và các cơ quan công quyền phải “chịu trách nhiệm” về mọi mâu thuẫn, vấn đề và bất cập bị vạch trần. Tuy nhiên, trong thực tế, trách nhiệm xã hội của báo chỉ không chỉ là truyền bá thông tin, vạch trần sự thật, mà còn cần sự định hướng xã hội, quản lý xã hội, có nghĩa là báo chí phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn với tư cách là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân
dân.

Thực tế cho thấy, báo chí cần chắt lọc thông tin, định hướng xã hội với lí trí và tầm nhìn rộng, thực tiễn đó có thể nâng cao trách nhiệm xã hội và ý thức công dân cho nhà báo, đồng thời cần phải đứng trên góc độ có lợi cho xã hội để lựa chọn đề tài và triển khai hoạt động đưa tin, giám sát xã hội hiệu quả.

Nhà báo Phạm Mỵ bày tỏ: Người làm báo không chỉ thuần túy tiếp nhận những chủ trương, chính sách, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh… mà còn cần có khả năng phân tích, phản biện xã hội để góp phần giúp cho các nhà hoạch định chiến lược, chính sách và quản lý xã hội ở tất cả các cấp nhằm tìm ra được những quan điểm, chủ trương, giải pháp chính xác, có hiệu quả cao nhất cho địa phương và đất nước.

Xoay quanh vấn đề báo chí tuyên truyền, phổ biến kiến thức và phản biện, trong phần tham luận của mình, nhà báo Phạm Mỵ, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường chia sẻ: Ngày nay, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Báo chí phát huy mạnh mẽ vai trò là cầu nối, tham gia tích cực vào mọi mặt đời sống xã hội. Khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, cùng với các lĩnh vực khác, hoạt động báo chí có những bước phát triển mạnh mẽ và sâu sắc. Từ chỗ báo chí vừa là công cụ, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước đến nay báo chí vừa là diễn đàn của quần chúng nhân dân. Sự thay đổi này được xem là hết sức căn bản, tích cực cho hoạt động báo chí cách mạng Việt Nam.

Trước đây, báo chí chỉ thông tin một chiều từ trên xuống dưới thì nay báo chí đã trở thành phương tiện truyền tải thông tin hai chiều. Tức là có phản ánh ý kiến của nhân dân, của thực tiễn ngược trở lại các cấp lãnh đạo và quản lý. Đó cũng chính là phản biện xã hội của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí, nhà báo tiên phong thực hiện vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội, tạo nên thương hiệu báo chí trong lòng công chúng. Nhiều nhà báo với trách nhiệm công dân cao cả đã dũng cảm dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân để điều tra tận cùng, phanh phui các vụ việc tham nhũng-tiêu cực, cùng với các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng nhiều tội  phạm nguy hiểm gây thất thoát, tổn hại cho đất nước.

Phản biện xã hội, báo chí đã góp phần  có lợi cho sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, cùng với các nhà chuyên môn có uy tín trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc phản biện xã hội, giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp thu điều chỉnh lại nhiều chủ trương, quyết sách có lợi cho sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân.

Theo đó, những quy định bất khả thi, không có khả năng đi vào cuộc sống nếu không có sự phản biện ắt là sẽ dẫn đến sự khiên cưỡng và hệ lụy khó lường. Từ thực tiễn mấy năm qua cho thấy, đã từng ra đời những quy định không phù hợp vừa ban hành đã phải nhanh chóng bãi bỏ. Chẳng hạn như quy định: Cấm bán thịt quá 8 giờ kể từ lúc giết mổ, quy định cỗ cưới không quá 300 người (50 mâm), cấm gạt tàn thuốc lá lung tung, không bán rượu bia quá 22 giờ đêm… Nhiều bất ổn trong ngành Giáo dục như: Cấu tạo chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học lên đến đại học, trong việc biên soạn sách giáo khoa, trong việc mở trường và đào tạo ồ ạt ở hệ đại học, có quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ kém chất lượng; việc dạy thêm, học thêm, thu tiền không đúng quy định… Qua đó, giới chuyên môn giáo dục và báo chí cũng tạo ra sự tương tác với độc giả, vừa đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, vừa tạo được sự đồng thuận của người dân.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại những bài báo, tờ báo, trang báo chạy theo trào lưu giật tít, câu view, thổi phồng vấn đề. Nhiều bài báo “bới lông tìm vết”, biến một vết bẩn thành vệt loang lớn. Đã có không ít vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh…

Mặt khác, trước thực tế toàn cầu hóa về thông tin, “thế giới phẳng”, các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhiều thông tin được tự do đưa lên mạng, không được kiểm soát, rồi tin xấu, tin độc hại, bôi nhọ, bịa đặt… núp bóng phản biện xã hội, gây không ít phiền toái cho nhà quản lý cũng như gây hoang mang dư luận. Vì vậy, hơn bao giờ hết cần phải có một đội ngũ các nhà báo chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp để phản biện những sai trái, lệch lạc đó bằng việc thông tin chính xác, trung thực, khách quan. Báo chí muốn thể hiện và phát huy vai trò, trách nhiệm cao cả trong thực hiện tư vấn phản biện xã hội, trước hết phải đổi mới nội dung, phương thức làm báo theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Công chúng ngày càng đòi hỏi nền báo chí cách mạng Việt Nam phải có những tác phẩm, sản phẩm báo chí chất lượng cao. Các nhà báo cần cần phải đổi mới tư duy làm báo, kết hợp tính chính thống và truyền thống với phong cách tác nghiệp hiện đại, áp dụng chiến lược nội dung đa phương tiện và đa nền tảng, nắm bắt các công nghệ làm báo mới mẻ, tăng cường tính sáng tạo trong các sản phẩm báo chí. Đặc biệt, cần trau dồi thêm kiến thức về nghiên cứu khoa học để tăng cường, nâng cao hàm lượng khoa học chuyên sâu trong mỗi tác phẩm báo chí của mình.

Quỳnh Anh