Thanh Chương – Nghệ An: Người phụ nữ thoát nghèo từ đôi bàn tay trắng

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Từ số phận phải gồng gánh một cuộc sống éo le, nhiều nước mắt, thật khó hình dung người phụ nữ ấy lại có thể vững vàng vươn lên vượt qua khó khăn, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo gần như từ đôi bàn tay trắng.

Cuộc đời éo le

Về xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An ngày nay là một hình ảnh đổi thay với những vườn đồi xanh mướt. Vùng quê năm xưa nơi có dòng sông Lam chảy qua dường như đang ngày một khởi sắc, những đồi trọc nay đã được phủ kín bởi màu xanh của chè, của keo và các loại cây ăn quả mang lại năng suất cao cho những người dân một đời cần mẫn. Trong sự đổi thay ấy, ít có ai biết đến mảnh đời cần lao phải vất vả sớm hôm bởi những biến cố trong cuộc sống của người phụ nữ Bùi Thị Thể ở xóm 7A, xã Thanh Mai. Hoàn cảnh khó khăn, éo le nhưng người phụ nữ ấy đã vượt lên số phận để thoát cảnh nghèo khó, vất vả.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Thể vào một ngày giữa tháng 11/2017. Trong ngôi nhà nhỏ, mái lợp dường như đã trụt mãi do lâu ngày chưa được sửa lại. Chị Thể năm nay tuổi chỉ mới ngoài 40, nhưng thoạt trông như đã 50 đang loay hoay làm vệ sinh thân thể cho người chồng trên chiếc xe lăn cũ kỹ. Trên chiếc giường cạnh đó, đứa con trai dị tật bẩm sinh với dáng người ốm nhom, nằm thở phều phào càng hằn lên trước mắt chúng tôi nỗi nhọc nhằn của một gia đình kém may mắn.

Từ nguồn vay vốn của NHCS, chị thể đã mạnh dạn trồng 4 ha keo kết hợp với chăn nuôi theo mô hình VAC
Từ nguồn vay vốn của NHCS, chị Thể đã mạnh dạn trồng 4 ha keo kết hợp với chăn nuôi theo mô hình VAC.

Từng có một cuộc sống êm đềm hạnh phúc, đôi vợ chồng chị Thể anh Diệp cùng chung tay lao động, gom góp mong xây dựng một tương lai tốt đẹp. Thế nhưng, năm 1998, chị sinh cháu Phan Mạnh Cường không may mắn bị dị tật bẩm sinh đã buộc bao ước mơ dần tan biến và bao gánh nặng oằn trên tay đôi vợ chồng trẻ. Những năm tháng ấy, dù vất vả, nhưng vợ chồng chị vẫn cần mẫn cố gắng vượt qua khó khăn để chăm lo cuộc sống gia đình.

Chưa hết khổ vì bệnh con, lại khóc hết nước mắt vì chồng. Năm 2013, trong một lần đi làm, anh Phan Bá Diệp (chồng chị Thể) không may bị tai nạn nặng, kể từ đó anh phải gắn bó với chiếc xe lăn, không tự chăm sóc mình được. Cũng từ đó, anh Diệp không thể cùng vợ gồng gánh cuộc sống gia đình. Cuộc sống của gia đình nhỏ vốn khó khăn lại càng trở nên lao đao khiến nỗi đau lại một lần nữa quặn thắt trên đôi vai người phụ nữ kham khổ Bùi Thị Thể .

Bao nhiêu năm chăm sóc chồng và con trai là ngần ấy năm chị hứa với bản thân không để cho mình bị gục ngã. Những ngày tháng rát bỏng của xứ gió Lào, chị rong ruổi làm lụng bất kể sớm khuya, chắt chiu từng đồng chỉ mong có một ít thu nhập, dù ít dù nhiều, cũng chỉ để gia đình có được cái ăn, cái mặc, cho các con ăn học và chạy vạy để chữa trị cho chồng, cho con.

Những đứa con của chị còn quá nhỏ, cháu Phan Thị Linh (sinh năm 1994) sau khi học hết cấp 3 cũng đành gác lại ước mơ để đi làm thuê kiếm tiền để phần nào an ủi những vất vả của mẹ. Còn cháu Phan Văn Thịnh (sinh năm 2001), học lớp 9, tuổi thơ đã chịu nhiều vất vả. Hai đứa con của chị Thể đang tuổi ăn tuổi lớn, cứ nghĩ ở cái tuổi đang còn vô tư hồn nhiên, vậy mà trong lòng đã đã biết bao nhiều nỗi âu lo, Thịnh và Linh đã phần nào tự lo cho bản thân và phụ giúp việc nhà để mẹ có thời gian đi làm, chăm sóc bố và anh trai.

Vất vả nhiều rồi cũng quen, nhưng thiếu đi một trụ cột của gia đình, người phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu cũng có khi yếu đuối. Lắm lúc chị lo âu, nếu như một ngày nào đó chị Thể chẳng đủ sức làm việc nuôi sống gia đình, các con, liệu những ước mơ khát vọng của các con sẽ đi về đâu?! Nghĩ đến tương lai các con không phải đứt gánh nay mai, thương chồng sớm tối phải gắn bó với chiếc xe lăn, chị lại ngày ngày mặc cho nắng mưa, đau yếu, chị vẫn làm lụng chỉ mong sao chồng con được khỏe mạnh, là chỗ dựa tinh thần để chị vượt qua những tháng ngày đầy giông bão. “Lắm lúc mệt mỏi tôi đã từng muốn bỏ cuộc, nhưng vì thương chồng thương con, dù khó khăn vất vả đến đâu, khổ cực tới chừng nào tôi cũng chịu được. Tôi chỉ mong chồng con được khỏe mạnh, như thế là quá đủ với tôi rồi!…”, chị Thể tỏ ra dung dị khi nói về cuộc sống của mình.

Nhìn các con còn quá nhỏ dại, anh Diệp lại càng thương người vợ thủy chung tảo tần nhiều năm với tình yêu gia đình mãnh liệt. Sự cần mẫn ấy của chị Thể như để gửi niềm tin, niềm hy vọng vào những giọt mồ hôi lao động và cả những giọt nước mắt âm thầm đêm khuya mong chờ một điều kỳ diệu đến với gia đình chị.

Vượt lên số phận để thoát nghèo

Trước hoàn cảnh éo le đầy trắc trở ấy sẽ làm tấm thân ấy của người phụ nữ Bùi Thị Thể bất lực trước cuộc đời. Bằng nghị lực của chính mình, chị đã cố gắng từng chút một để vun đắp cho mái ấm nhỏ luôn được hạnh phúc, sớm thoát khỏi cảnh nghèo nàn tù túng, điều mà đôi khi ở những người có cuộc sống khấm khá không phải ai cũng có thể làm được.

Lời giải cho bài toán thoát nghèo đã được tìm ra khi năm 2005, gia đình chị lần đầu tiên được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chị đã mạnh dạn vay số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn theo nghị định cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2010 để phát triển kinh tế trồng rừng và chăn nuôi.

Từ 1 con trâu, bò sinh sản, nay gia đình chị Thể đã có 6 con trâu, bò.

Nâng niu số tiền lớn trong tay, chị đã coi đó như một “báu vật” và quyết tâm tìm hiểu và được hướng dẫn nhiều kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, với chị cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng hơn đã dần ẩn hiện. Có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, chị mạnh dạn đầu tư trồng keo kết hợp và mô hình VAC để thoát nghèo. Chủ động phân bổ nguồn vốn, chị đầu tư trồng 4 hecta đất rừng kết hợp chăn nuôi trâu bò sinh sản, lợn, dê, và hơn 400 con gà cỏ Thanh Chương.

Bằng sự tần tảo của người phụ nữ, chị kết hợp trồng cỏ voi vào diện tích vườn tạp xung quanh nhà. Xây dựng, che chắn chuồng trại cẩn thận, không ngừng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trong từng thời điểm để hạn chế thấp nhất rủi ro trong chăn nuôi.

Từ một con trâu và bò mẹ ban đầu, sau hơn 3 năm, gia đình chị đã có 6 con trâu bò, đàn dê béo tốt,… Với sự tăng trưởng trong chăn nuôi, gia đình đã trang trải nợ nần, đầu tư nuôi thêm 400 con gà cỏ thả vườn.

Chị Thể phấn khởi: “Nhờ nguồn vốn của NHCS đã tạo điều kiện giúp gia đình tôi giảm bớt khó khăn, từng bước thoát nghèo!”

Chị Thể bên đàn gà cỏ 400 con.

“Có rất ít gia đình thoát nghèo và thoát nghèo bền vững như gia đình chị Thể. Bà con xóm 7A rất khâm phục ý chí vươn lên chiến thắng đói nghèo của chị Thể. Chị Thể thật sự là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương” – chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch hội phụ nữ xã Thanh Mai bày tỏ.

Là một trong số những người tiên phong ở xóm trong việc trồng rừng kết hợp đầu tư vào mô hình VAC hiệu quả, với bản tính chăm chỉ, cần cù lao động, giờ đây nhìn những cánh rừng xanh ngút mắt, phủ xanh đồi núi đá, chỉ tay về phía đồi keo xanh sau nhà và đàn gia súc gia cầm, mắt chị ánh lên niềm vui. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay gia đình chị đã có một rừng keo xanh tốt và vật nuôi với 6 con trâu, bò, đàn lợn và cả những ruộng ngô, sắn, chè… Ngoài ra, gia đình chị còn tích cực tham gia vào dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng được triển khai theo Quyết định của Thủ tướng. Từ một vài vùng núi cây keo lẻ tẻ mà gia đình chị Thể trồng ban đầu, giờ gia đình đã có hơn 4 ha keo chuẩn bị tới mùa thu hoạch.

Trước ý chí thoát nghèo và tấm gương giàu nghị lực về phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc trồng và bảo vệ rừng, chị Thể ở xóm 7A là bài học quý đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn bởi cơ hội thoát nghèo không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn mà ý chí, nghị lực và sự quyết tâm mới chính là động lực để chiến thắng bản thân.

Bà Trần Thị Mai Hạnh – Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Chương chia sẻ: Nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho mọi đối tượng ở từng vùng miền, phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay tại đồng đất làng quê và xuất hiện khá nhiều mô hình kinh tế đạt mức thu nhập cao như mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Thể ở xóm 7A , xã Thanh Mai; chị Nguyễn Thị Bình ở xóm Đá Bia, xã Thanh Mai; hay mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn của anh Nguyễn Đức Linh ở Tổng đội Thanh niên xung phong 5 Nghệ An, xã Thanh Thủy,…

“Hoạt động cho vay vốn trên địa bàn luôn được đánh giá đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ vay vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của người vay. Ngoài nguồn vốn vay từ NHCSXH, Hội phụ nữ các xã cũng đã đẩy mạnh khai thác nguồn nội lực, phát động chị em chung tay tiết kiệm, để tạo thêm nguồn vốn cho chị em nghèo vay để tăng gia sản xuất, trồng trọt. Hoạt động tiết kiệm vừa tạo được sự đa dạng nguồn vốn vay, vừa giúp chị em nâng cao được nhận thức về việc sử dụng đồng vốn, tiết kiệm chi tiêu và đầu tư đồng vốn sao cho hiệu quả nhất để từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”, bà Hạnh cho biết thêm.

Đình Nguyên