Sắc diện mới ở vùng cao

BVR&MT – Sau ngày tái lập, Lào Cai là 1 trong số 6 tỉnh nghèo nhất cả nước. Toàn tỉnh có 180 xã, phường, thị trấn thì có tới 138 xã (76,6% đơn vị hành chính cấp xã), chủ yếu là vùng cao, vùng sâu thuộc diện đặc biệt khó khăn; 60% trẻ trong độ tuổi không được đến trường, 14 xã “trắng” về giáo dục. Đa phần các xã vùng cao nếu không nằm trên trục quốc lộ, tỉnh lộ thì chưa có đường giao thông đạt chuẩn tới trung tâm xã, con số này chiếm 83% tổng số xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao, chiếm 55% dân số, trong đó ở vùng cao con số này còn cao hơn nhiều.

Xã vùng cao Mường Hum (Bát Xát) được đầu tư điện, đường, trường, trạm.

Theo từng giai đoạn, các địa phương vùng cao đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Điển hình như huyện vùng cao, biên giới Mường Khương. Cách đây 30 năm, 80% hộ nghèo, đói; 2 nghìn nhân khẩu thường xuyên cần đến sự cứu trợ lương thực của Nhà nước khi giáp hạt. Nghèo túng dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội, trong đó có việc gia tăng tình trạng di dịch cư tự do. Nhờ những chương trình đầu tư, hỗ trợ như định canh, định cư, 135, 134… nên đến đầu những năm 2000, tình trạng thiếu đói ở Mường Khương đã cơ bản được giải quyết. Từ huyện nghèo, Mường Khương đã vươn lên thành địa phương hàng đầu có các vùng sản xuất hàng hóa quy mô tập trung như chè, ngô, dứa, cây ăn quả, lúa chất lượng cao. Giá trị sản phẩm được nâng lên, đói nghèo được đẩy lùi, đời sống mọi mặt của người dân đổi thay từng ngày, đồng bào các dân tộc yên tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Ông Hoàng Chúng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mường Khương tâm sự: Nếu không có những chương trình đầu tư, chính sách đột phá cho vùng cao và thiếu ý chí tự lực, tự cường của người dân địa phương thì Mường Khương đến nay vẫn chìm trong gian khó.

Không chỉ huyện Mường Khương, trong suốt 30 năm qua, tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trọng tâm đầu tư là thực hiện các mục tiêu phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến rõ nét nhờ chương trình phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình, chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm. Đến năm 2020, bình quân giá trị sản phẩm/ha đất canh tác và nuôi thủy sản của tỉnh đã đạt 80 triệu đồng.

Hạ tầng kinh tế – xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư nâng cấp, trong đó cơ bản là điện, đường, trường, trạm và hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất. Từ chỗ thiếu thốn trăm bề, sau 3 thập niên tái lập, tỉnh có 61/127 xã “về đích” nông thôn mới; 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 80% được cứng hóa; 100% xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; gần 100% thôn, bản có điện lưới với 96,7% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 95% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn là “vùng lõm” như những năm trước, khoảng cách phát triển với vùng thấp đã được thu hẹp, diện mạo nông thôn, đời sống mọi mặt của người dân khởi sắc. Phát huy khí thế và nền tảng sẵn có, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang tiếp tục tự tin phấn đấu, vươn lên, chinh phục những thử thách mới.