Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng Việt Nam, từ chính sách đến thực tiễn

BVR&MT – Một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 là “Đến năm 2020, phấn đấu ít nhất có được 30% diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ rừng (là diện tích được đánh giá và cấp giấy xác nhận đạt tiêu chuẩn Quản lý rừng bền vững)”.

Bằng sự nỗ lực của các chủ rừng và ngành lâm nghiệp cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức Quốc tế, đến tháng 12 năm 2017 Việt Nam đã có hơn 231 nghìn ha rừng có chứng chỉ FM/CoC hệ thống FSC. Trong gần 20 năm qua Chính phủ Việt Nam và cơ quan tham mưu là Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công cuộc bảo vệ, phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững. Các chính sách của Chính phủ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Quản lý rừng bền vững (QLRBV), đưa ra những quy định nhằm thúc đẩy hoạt động QLRBV hướng đến chứng chỉ rừng (CCR).

Bài viết tập trung vào đánh giá việc thực hiện và tác động cũng như tồn tại của các chính sách đã, đang và sẽ liên quan trực tiếp đến tiến trình QLRBV và CCR của Việt Nam trong thời gian qua bao gồm: Hướng dẫn về Phương án QLRBV (Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT, ngày 03/11/2014 của Bộ NN&PTNT);  Kế hoạch hành động về QLRBV và CCR giai đoạn 2015-2020 (Quyết định 2810/QĐ-BNN-TCLN, ngày 16/07/2015 của Bộ NN&PTNT); Đề án thực hiện QLRBV và CCR giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 83/QĐ-BNN-TCLN ngày 12/01/2016); và Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017).

  1. Bối cảnh và sự cần thiết ban hành các chính sách

Quản lý và phát triển rừng bền vững là 1 trong 3 chương trình phát triển được xác định trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 với mục tiêu “Quản lý, phát triển và sử dụng rừng bền vững, có hiệu quả nhằm đáp ứng về cơ bản nhu cầu lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc dân, ổn định xã hội, đặc biệt tại khu vực các dân tộc ít người và miền núi, đồng thời bảo đảm vai trò phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần phát triển bền vững quốc gia”. Để thực hiện mục tiêu này, ngành lâm nghiệp Việt Nam rất cần các chính sách xác định các nguyên tắc và trình tự thực hiện nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo cơ hội thuận lợi trong tiến trình đạt được mục tiêu QLRBV tại Việt Nam. Ngày 03/11/2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT về “Hướng dẫn phương án Quản lý rừng bền vững”. Các nội dung chính của thông tư này bao gồm các hướng dẫn chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát, thực hiện Phương án QLRBV và cấp CCR đối với rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Kèm theo là 7 phụ lục trong đó quan trọng nhất là phụ lục 1 – Bộ nguyên tắc QLRBV của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Bộ tiêu chuẩn của FSC với 151 chỉ số, 51 tiêu chí và 10 nguyên tắc QLRBV.

Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT có thể xem là văn bản pháp quy đầu tiên đã đưa ra các hướng dẫn, các quy định tối thiểu cho một bản Phương án QLRBV đối với rừng tự nhiên và rừng trồng dành cho các chủ rừng đặc biệt là các chủ rừng Nhà nước (Các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng). Bên cạnh đấy, thông tư cũng đã định hướng cho việc xác lập hệ thống cấp CCR ở Việt Nam. Nội dung của thông tư 38 thực chất là những hướng dẫn cho các chủ rừng các phương pháp, thủ tục xây dựng Phương án QLRBV tiếp cận với các quy định của Quốc tế theo các nguyên tắc:

Chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật, thỏa thuận Quốc tế mà Việt Nam là thành viên và những quy định về Phương án QLRBV; bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục và đạt hiệu quả kinh tế cao; tôn trọng quyền sử dụng rừng, sử dụng đất sản xuất hợp pháp hoặc theo phong tục của người dân và cộng đồng địa phương; duy trì, phát triển giá trị đa dạng sinh học, khả năng phòng hộ của rừng; bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở một chính sách hướng dẫn QLRBV là chưa đủ, cần phải có một kế hoạch hành động, một lộ trình cụ thể mới có thể thực hiện QLRBV hiệu quả. Vì vậy, Kế hoạch hành động về QLRBV và CCR giai đoạn 2015-2020 (Quyết định 2810/2015/BNN-TCLN) được Bộ NN&PTNT ban hành vào ngày 16/7/2015, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thực hiện QLRBV và CCR; đảm bảo sử dụng tài nguyên rừng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Kế hoạch hành động hướng đến 4 mục tiêu cụ thể: i) Nâng cao nhận thức, năng lực cho chủ rừng và cán bộ quản lý về kỹ năng QLRBV và CCR; ii) Ban hành Bộ nguyên tắc QLRBV của Việt Nam đảm bảo có hiệu lực trên phạm vi quốc tế; iii) Thiết lập tổ chức về giám sát, đánh giá và cấp CCR quốc gia, đáp ứng các yêu cầu trong nước và quốc tế; iv) Đến năm 2020, có ít nhất 500.000 ha rừng sản xuất có phương án QLRBV được phê duyệt và được cấp chứng chỉ QLRBV, trong đó rừng trồng 350.000 ha, rừng tự nhiên 150.000 ha. Kế hoạch hành động tập trung vào 14 hoạt động của 4 nội dung chính bao gồm: Nâng cao nhận thức và năng lực về QLRBV và CCR; Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy QLRBV và CCR; Quản lý nhà nước về QLRBV và CCR và Xây dựng, đánh giá các mô hình thí điểm và phát triển mô hình.

Dựa trên kinh nghiệm của Quốc tế đặc biệt là kinh nghiệm của các nước trong khu vực cũng như kinh nghiệm thực hiện thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT và Quyết định 2810/2016/QĐ-BNNPTNT trên phạm vi toàn quốc; Bộ NN&PTNT thấy rằng cần phải có một chính sách cụ thể hơn cho Kế hoạch hành động QLRBV và CCR; chính sách phải phù hợp hơn với thực trạng của lâm nghiệp Việt Nam. Vì vậy, Đề án thực hiện QLRBV và CCR giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 83/QĐ-BNN-TCLN) đã được Bộ NN & PTNT ban hành vào ngày 12/1/2016, với nội dung nhấn mạnh vào 2 khía cạnh liên quan đến quản lý rừng bền vững, đó là: Thực hiện QLRBV trong ngành lâm nghiệp và Xây dựng hệ thống CCR quốc gia và cấp CCR bền vững.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đã xác định 3 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm: i) Thực hiện quản lý rừng bền vững; ii) Cấp CCR; iii) Nâng cao năng lực và nhận thức về cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững. Có thể thấy nhiệm vụ 1 tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn QLRBV của Việt Nam dựa vào tiêu chuẩn PEFC cũng như xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật về QLRBV rừng tự nhiên và rừng trồng, ưu tiên đối tượng rừng sản xuất. Nhiệm vụ 2 chú trọng vào việc xây dựng các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp CCR, quyền hạn và nhiệm vụ của các tổ chức đánh giá cấp CCR; điều kiện, tiêu chuẩn đối với các chuyên gia, tổ chức đánh giá cấp CCR. Trong khi đó, nhiệm vụ 3 tập trung đào tạo, tập huấn và xây dựng đội ngũ chuyên gia cho các tổ chức đánh giá cấp CCR.

Nhằm mục tiêu “Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội” ngày 16/6/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020” (Quyết định số 886/QĐ-TTg).

Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững có 3 nhóm nhiệm vụ chính: i) Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; ii) Phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; iii) Nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp. Theo đó, Việt Nam đặt quyết tâm “Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và rừng được tạo mới trong giai đoạn 2016 – 2020” và “Hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững: 100.000 ha rừng/năm, đảm bảo sản phẩm gỗ của Việt Nam đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu quốc tế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do”.

2. Đánh giá chung về các chính sách trên thực tế

Từ sau khi Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT ra đời, tiếp theo là quyết định 2810/QĐ-BNN-TCLN được ban hành, cùng với đó là sức ép của thị trường gỗ có chứng chỉ FM của Quốc tế và Việt Nam, tiến trình QLRBV và CCR ở Việt Nam đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Các chính sách đã ban hành, đặc biệt là thông tư 38/TT-BNNPTNT với phụ lục 1 là Bộ nguyên tắc QLRBV Việt Nam mặc dù chưa đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của Quốc tế nhưng bước đầu đã tiếp cận và đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của QLRBV thể hiện ở các mặt: 1) Cơ sở pháp lý về quyền quản lý và sử dụng rừng và đất rừng của các chủ rừng; 2) Các yêu cầu về tuân thủ pháp luật Việt Nam và quy định Quốc tế; 3) Các yêu cầu về bảo vệ tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên; 4) Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đất và nước, bảo vệ đa dạng sinh học; 5) Các yêu cầu về nâng cao giá trị sử dụng tài nguyên rừng bao gồm: Đất rừng, gỗ và các lâm sản khác; 6) Các yêu cầu về phát triển kinh tế và an sinh xã hội; 7) Các yêu cầu về bảo vệ quyền lợi cho người lao động và cộng đồng địa phương; 8) Các yêu cầu bảo vệ giá trị văn hóa.

Cơ bản các chủ rừng Nhà nước (Các công ty lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng) đã tuân thủ theo các hướng dẫn của thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT-TCLN và đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của tiêu chuẩn Quốc tế.

Khi thực hiện các chính sách QLRBV và CCR, tất cả các chủ rừng đều chung một nhận định: Từ khi thực hiện QLRBV nhận thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của cán bộ viên chức và cộng đồng dân cư trong vùng được nâng lên rõ rệt. Thực hiện QLRBV đã giúp cho các chủ rừng cải thiện đáng kể hệ thống và phương pháp quản lý, nâng cao được trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Nâng cao thương hiệu sản phẩm lâm nghiệp: Ngoài việc nâng cao giá trị về kinh tế (giá gỗ có chứng chỉ FM cao hơn không có chứng chỉ), còn giúp cho đầu ra của sản phẩm rất ổn định. Ngoài TT 38/2014/TT-BNNPTNT, các quyết định 2810/QĐ-BNN-TCLN và 83/QĐ-BNN-TCLN của Bộ NN & PTNT ban hành đã đề ra được kế hoạch chi tiết và các giải pháp cụ thể hướng dẫn thực hiện QLRBV và CCR; đồng thời cũng có kế hoạch nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách, tiêu chuẩn, hướng dẫn thực hiện đồng bộ QLRBV và CCR cũng như thành lập Hội đồng chứng chỉ Quốc gia. Nếu thực hiện được đúng các nội dung và lộ trình của các chính sách đã ban hành thì chắc chắn hoạt động QLRBV và CCR của Việt Nam sẽ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hiện tại của Quốc tế và Việt Nam, thực hiện các chính sách đã ban hành có những thuận lợi nhất định như: Chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương nơi các chủ rừng đang thực hiện các hoạt động quản lý rất đồng thuận với chủ trương và các hoạt động Quản lý rừng bền vững; nhu cầu về gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FM của thị trường trong nước và Quốc tế đang cao; chính sách đối với rừng sản xuất của Chính phủ ban hành thể hiện tại Quy chế quản lý rừng sản xuất (Quyết định 49/2016/QĐ – TTg, ngày 01/11/2016) phần nào đã tạo cơ chế mềm dẻo và trao quyền chủ động trong quản lý và kinh doanh rừng cho các chủ rừng; hệ thống quản lý tài nguyên rừng theo hướng bền vững nếu duy trì ổn định sẽ góp phần hạn chế gỗ có nguồn gốc không hợp pháp được Chính phủ và các tổ chức Quốc tế ủng hộ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến QLRBV các chủ rừng cũng gặp không ít khó khăn: Đất đai của chủ rừng bị lấn chiếm vẫn tiếp diễn và phức tạp; việc làm thủ tục giao quyền sử dụng rừng và đất rừng của cơ quan chuyên môn (Tài nguyên môi trường) cho các chủ rừng rất chậm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình QLRBV và CCR. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 49/2016/QĐ – TTg về Quy chế quản lý rừng sản xuất, trong đó đã quy định quyền tự chủ của chủ rừng. Nhưng có một số địa phương vẫn yêu cầu chủ rừng phải bán đấu giá gỗ khai thác theo Quy định bán đấu giá tài sản (Nghị định 17/2010/NĐ –CP ngày 04 tháng 3 năm 2010), ngay cả khi chủ rừng sau khi khai thác rừng của mình muốn sử dụng gỗ cho cơ sở chế biến đồ gỗ của họ. Như vậy, không nâng cao được giá trị sản phẩm từ rừng và chủ rừng bị động về nguyên liệu sản xuất cũng như lựa chọn các biện pháp khai thác. Nguồn kinh phí cho các hoạt động duy trì CCR cũng là một vấn đề khó khăn đối với các chủ rừng đã có chứng chỉ FM, nhất là các đơn vị mà diện tích có chứng chỉ là rừng tự nhiên không được khai thác. Việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của các ngân hàng gần như không thể thực hiện được. Hệ thống thuế của Việt Nam chưa có sự ưu tiên cho các chủ rừng đã và đang thực hiện QLRBV và CCR, như thuế đất lâm nghiệp và nhất là thuế tài nguyên. Năng lực quản lý và kỹ thuật còn thiếu và yếu; chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của QLRBV và CCR.

3. Các tồn tại/khoảng trống của các chính sách

Việt Nam hiện có trên 14,377 triệu ha rừng với độ che phủ khoảng 41,19%, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm 10,2 triệu ha và 4,1 triệu ha còn lại là rừng trồng. Theo nội dung Chiến lược phát triển lâm nghiệp, khoảng 30% diện tích rừng sản xuất của Việt Nam tương đương với trên 1,86 triệu ha – sẽ phải đáp ứng tiêu chí QLRBV thông qua việc đạt chứng chỉ vào năm 2020. Mặc dù Kế hoạch hành động về QLRBV và CCR giai đoạn 2015-2020 và Đề án thực hiện quản lý rừng bền vững và CCR giai đoạn 2016-2020 đã xác định lại là 500.000 ha rừng sản xuất có phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trong đó rừng trồng 350.000 ha, rừng tự nhiên 150.000 ha.

Nhưng nếu không có những chính sách, giải pháp quyết liệt và hữu hiệu thì các mục tiêu này cũng khó lòng đạt được nhất là với đối tượng là rừng tự nhiên. Sở dĩ như vậy, vì tiến trình QLRBV ở Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó phải nói tới các khó khăn chính: i) Việt Nam vẫn chưa ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, trình tự QLRBV chuẩn mực hài hòa với quy định của Quốc tế; ii) Tình trạng thiếu nguồn nhân lực về quản lý, tổ chức trong Quản lý rừng bền vững; thiếu kiến thức về kinh tế và kỹ thuật cũng khiến việc áp dụng CCR bền vững khó đạt được mục tiêu như kỳ vọng; iii) Nhiều đơn vị chủ rừng hiện vẫn khá lúng túng trong việc triển khai thực hiện các nguyên tắc của Quản lý rừng bền vững; iv) Chi phí cho việc đánh giá để cấp chứng chỉ cũng là một cản trở lớn trong tiến trình QLRBV và CCR; v) Các chủ rừng buộc phải có những bằng chứng về quyền sử dụng đất hợp pháp cho toàn bộ diện tích rừng và đất rừng đang quản lý.

Các chính sách đã ban hành của Chính phủ và Bộ NN&PTNT là nhằm tháo gỡ các khó khăn trên và thúc đẩy tiến trình QLRBV và CCR của Việt Nam, tuy vậy đã bộc lộ những hạn chế:
Chính sách về đất đai: Tiêu chuẩn hợp pháp để thực hiện QLRBV và CCR là phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất. Kế hoạch quy hoạch bố trí đất đai trong quá trình QLRBV rất dễ bị phá vỡ do tranh chấp và lấn chiếm xảy ra giữa cộng đồng địa phương và chủ rừng. Đặc biệt là chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng và đất rừng sang mục đích khác bởi chính quyền địa phương; hiện tại không có chính sách đảm bảo quyền sử dụng đất không bị thu hồi hoặc chuyển quyền sử dụng đất trong thời gian tham gia quá trình QLRBV.

Chính sách về bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học: Trong các chính sách đã ban hành, chưa có chính sách quy định chủ rừng phải nắm vững giá trị đa dạng sinh học trong tài sản rừng được quản lý. Không quy định bắt buộc chủ rừng phải bảo tồn và nâng cao giá trị sinh học của hệ sinh thái rừng hoặc ít nhất là bảo vệ nguồn gen, loài, hệ sinh thái nguy cấp.

Hướng dẫn kỹ thuật khai thác gỗ, lâm sản: Các quy trình quy phạm, quyết định, thông tư về khai thác gỗ của Việt Nam đã ban hành chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu giảm thiểu tác động môi trường của quản lý rừng bền vững Quốc tế (Quy trình RIL – FAO).

Chính sách về tiêu thụ, sử dụng sản phẩm gỗ sau khai thác: Thiếu chính sách hướng dẫn chi tiết cho các chủ rừng về tiêu thụ, sử dụng sản phẩm sau khai thác nhằm nâng cao quyền tự chủ của chủ rừng khi thực hiện QLRBV cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm gỗ và lâm sản khác từ rừng, nhất là sau khi đã có Quyết định 49/2016/QĐ – TTg, ngày 01/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế quản lý rừng sản xuất”.

Chính sách về môi trường quy định cho chủ rừng thực hiện: Thiếu các chính sách bảo vệ môi trường cần được quản lý cùng các chính sách pháp lý, xã hội khi tuân thủ mọi tiêu chuẩn QLRBV như: Cải thiện giống, không sử dụng loài biến đổi gen; bảo vệ đất, bảo vệ nước, đa dạng sinh học gồm bảo vệ hành lang ven suối, ven hồ đập; không khai thác trồng tập trung trên diện rộng ở nơi đất dốc (> 20o), hạn chế xử lý thực bì bằng lửa và ủi trắng; hạn chế sử dụng hóa chất, chất thải nguy hại; không chuyển rừng tự nhiên (dù nghèo) sang rừng trồng hoặc lấy đất sản xuất. Cần có những chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) đa dạng nhằm hỗ trợ QLRBV như chính sách PFES về nguồn nước, du lịch nghỉ dưỡng, giáo dục môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính, khai thác khoáng sản.

Chính sách về đối tượng thực hiện QLRBV và CCR: Các chính sách đã ban hành về QLRBV mới chỉ tập trung vào đối tượng là các đơn vị quản lý rừng Nhà nước, cần có những chính sách, hướng dẫn riêng cho rừng cộng đồng và các hộ/nhóm hộ nông dân với những hoạt động quản lý mang tính đặc thù.

Lựa chọn hệ thống chứng chỉ cho tiêu chuẩn QLRBV Quốc gia: Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang sử dụng hệ thống chứng chỉ của FSC. Cần xây dựng và phát triển cả 2 hệ thống chứng chỉ PEFC và FSC với các chính sách đề ra mềm dẻo phù hợp với Việt Nam. Tạo thêm một cơ hội lựa chọn hệ thống chứng chỉ tự nguyện cho các chủ rừng đặc biệt là các chủ rừng nhỏ.

Chính sách về tài chính: Một trong những khó khăn lớn đối với các chủ rừng là nguồn kinh phí cho QLRBV và CCR từ khi xây dựng, quá trình thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững và CCR. Mặc dù quyết định 2810/2015/QĐ-BNN-TCLN có ghi nguồn kinh phí thực hiện QLRBV và CCR, nhưng trên thực tế các chủ rừng tiếp cận các nguồn tài chính rất khó khăn và ngay cả khi có nguồn kinh phí từ kinh doanh rừng có lãi của chính chủ rừng. Vì vậy, cần phải có chính sách phù hợp mới có thể có kinh phí cho thực hiện QLRBV và CCR. Bên cạnh đó cũng rất cần có các chính sách về vay ưu đãi cũng như các chính sách thuế phù hợp cho các chủ rừng cam kết thực hiện QLRBV lâu dài, nhằm tạo động lực khuyến khích hơn nữa tiến trình thực hiện QLRBV và CCR ở Việt Nam.

4. Định hướng phát triển chính sách quản lý rừng bền vững

Xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia và các tiêu chuẩn hỗ trợ

Xây dựng và hoàn thiện cả 2 bộ tiêu chuẩn quốc gia theo hệ thống FSC và PEFC, tiếp cận và hài hòa được với các tiêu chuẩn Quốc tế, được các hệ thống chứng chỉ Quốc tế công nhận. Cần có tiêu chuẩn cho nhóm chủ rừng có đầu tư và quy mô quản lý nhỏ (SLIMF). Xây dựng các tiêu chuẩn hỗ trợ: i) Ban hành quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt phương án Quản lý rừng bền vững; ii) Xây dựng quy trình đánh giá và cấp CCR; iii) Xây dựng các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật điều tra chuyên đề làm cơ sở xây dựng phương án QLRBV và hệ thống bản đồ quản lý tài nguyên rừng; iv) Các hướng dẫn kỹ thuật lâm sinh hướng tới Quản lý rừng bền vững.

Các nhóm chính sách khác cần phát triển

Nhằm cải thiện và thúc đẩy tiến trình QLRBV của nước ta, các nhóm chính sách cần phát triển trong thời gian tới sẽ bao gồm: i) Chính sách về quyền sử dụng đất và rừng cho các chủ rừng một cách ổn định, phù hợp với hoạt động Quản lý rừng bền vững; ii) Bổ sung các chính sách, quy định bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn; iii) Chính sách về tiêu thụ, sử dụng sản phẩm gỗ sau khai thác phù hợp, trao quyền chủ động cho các chủ rừng; iv) Các hướng dẫn khai thác ngoài nội dung quản lý cần có các quy định giảm thiểu tác động môi trường (RIL) như các quy định Quốc tế; v) Các chính sách hỗ trợ về tài chính, ưu đãi về thuế đối với các chủ rừng thực hiện QLRBV thuộc mọi thành phần kinh tế.

Khuyến nghị các chính sách cần ưu tiên xây dựng

Bên cạnh bộ tiêu chuẩn FSC với Bộ chỉ số chung Quốc tế (IGI) áp dụng cho Việt Nam đã được Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ công tác quốc gia phát triển tiêu chuẩn (NSDW) xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thực trạng quản lý rừng của Việt Nam và đã trình lên Hội đồng quản trị rừng FSC, chờ phê duyệt và áp dụng trong một tương lai gần. Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia theo hệ thống PEFC là một hoạt động quan trọng và cần thiết. Sau khi trình PEFC phê duyệt và cho phép áp dụng, cấp chứng chỉ FM Việt Nam sẽ là một cơ hội lớn cho các chủ rừng về sự lựa chọn chứng chỉ đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình QLRBV và CCR ở nước ta.

Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT ban hành ngày 03 tháng 11 năm 2014 rõ ràng mang lại những hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động QLRBV ở nước ta. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện cũng bộc lộ một số điểm hạn chế. Vì vậy rất cần một thông tư khác hướng dẫn rõ ràng hơn, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam đồng thời đáp ứng được các yêu cầu của Quốc tế đặc biệt là các vấn đề kỹ thuật trên cơ sở phát triển thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT.

Việc xây dựng một quy trình đánh giá và cấp chứng chỉ QLRBV cho ngành lâm nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Với kinh nghiệm tích lũy được từ thực tiễn của Việt Nam, rất cần thiết xây dựng một quy trình đánh giá và cấp chứng chỉ hoàn chỉnh, bao gồm tất cả các bước nhằm chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho cấp chứng chỉ và cũng bao gồm cả các quy định về tiêu chuẩn cho đơn vị tư vấn kỹ thuật về QLRBV cũng như các tổ chức được phép cấp chứng chỉ. Quy trình được ban hành sẽ giúp cho các chủ rừng hạn chế những khó khăn, lúng túng trong các bước thực hiện chứng chỉ QLRBV.

5. Kết luận

Việt Nam cũng như các nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng rất lớn, do vậy, tài nguyên rừng đã và đang bị suy giảm. Vì vậy rất cần có những chính sách phù hợp nhằm đạt được mục tiêu mà Chiến lược của ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã đặt ra là phải Quản lý rừng bền vững. Các chính sách vừa qua của Chính phủ, Bộ NN&PTNT bước đầu đã tạo được động lực thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình QLRBV ở Việt Nam. Các chính sách đã ban hành mặc dù chưa đủ và có những điểm chưa hoàn toàn phù hợp, nhưng đã tiếp cận các tiêu chuẩn Quốc tế về QLRBV và CCR. Hệ thống chính sách về Quản lý rừng và CCR của Việt Nam rất cần được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện nhằm phù hợp với các hoạt động quản lý lâm nghiệp trên thực tế và đáp ứng được mục tiêu chiến lược của ngành.

TS. Đào Công Khanh – Dương Thị Liên (Viện QLRBV & Chứng chỉ rừng)