BVR&MT – Việc triển khai thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ sản xuất, kinh doanh (SX-KD) và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh thực hiện thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho người dân nơi đây được vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần tiếp sức, làm thay đổi diện mạo vùng đất khó.
Để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng, miền, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 31/2007/QĐ-TTg (Quyết định 31) về tín dụng đối với hộ gia đình SX-KD tại vùng khó khăn và năm 2009 tiếp tục ban hành Quyết định 92/2009/QĐ-TTg (Quyết định 92) về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Mục đích của hai quyết định là sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển SX-KD, thương mại ở địa bàn khó khăn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Chương trình tín dụng đối với hộ SX-KD tại vùng khó khăn được thực hiện từ năm 2007 với hạn mức cho vay đến 30 triệu đồng, không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, từ trên 30 triệu đến 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nơi vùng đất khó, đến năm 2009, chương trình mở rộng cho vay đối tượng là thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn với hạn mức cho vay đến 30 triệu đồng và người vay không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, vay trên 30 triệu đến 500 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Đến năm 2016, chương trình cho vay được điều chỉnh. Theo đó, mức vay đối với hộ gia đình SX-KD tăng lên, tối đa là 50 triệu đồng; từ trên 50 triệu đến 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay; đối với thương nhân, mức cho vay tối đa là 50 triệu đồng, không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, trên 50 triệu đến 500 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Như vậy, để hỗ trợ người dân nơi vùng đất khó, Chính phủ liên tục có sự điều chỉnh, bổ sung hạn mức cũng như lãi suất cho vay để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của người dân.Tỉnh ta hiện có 31 xã thuộc vùng khó khăn, trong đó có 26 xã đặc biệt khó khăn, 240 khu đặc biệt khó khăn; trên 200.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập…
Để đồng vốn của chương trình bao phủ khắp vùng, miền được thụ hưởng, trên cơ sở các quy định chung, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp, tăng cường mở rộng mạng lưới, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại mỗi xã, Ngân hàng CSXH các huyện đều đặt điểm giao dịch và tổ chức giao dịch trực tiếp vào ngày quy định. Cán bộ ngân hàng sẽ trực tiếp hướng dẫn các hộ dân xây dựng phương án sản xuất, lập hồ sơ theo quy định để đủ điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các tổ chức hội, đoàn thể. Đối với những thôn bản đặc biệt khó khăn, cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống tuyên truyền, tư vấn tại hộ nhằm nâng cao nhận thức cũng như xác định khả năng đầu tư cho phù hợp quy mô hộ.
Huyện miền núi Yên Lập hiện có 17 xã, 186 khu dân cư, trong đó có 11 xã và 126 khu thuộc diện khó khăn. Ông Trần Xuân Huế – Phó giám đốc Ngân hàng CSXH huyện trao đổi: Đối với huyện đây thực sự là kênh tín dụng mở hướng, giúp cho nhiều gia đình có vốn để tạo việc làm ổn định. Với mạng lưới tín dụng hoạt động như hiện nay, đảm bảo các hộ được tiếp cận nguồn vốn của chương trình một cách thuận lợi. Đến nay, trên địa bàn có 3.153 hộ SX-KD đang dư nợ chương trình với số tiền gần 136 tỉ đồng và có 87 thương nhân hoạt động thương mại vùng khó với dư nợ gần bốn tỉ đồng.
Ở huyện miền núi Tân Sơn, mặc dù đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo song số vùng đặc biệt khó khăn cũng còn khá nhiều. Huyện có 17 xã, 172 khu dân cư, trong đó có tám xã vùng III, ba xã vùng II và sáu xã vùng I, có 97 khu đặc biệt khó khăn. Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tăng Tiến Sỹ cho biết: “Với những khó khăn còn hiện diện như vậy, chương trình tín dụng vùng khó thực sự là “cứu cánh” cho người dân. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện đã rất nỗ lực để đưa nguồn vốn ưu đãi đến những nơi còn nhiều khó khăn. Hiện chương trình cho vay hộ SX-KD của huyện có tổng dư nợ hơn 133 tỉ đồng với trên 3.100 khách hàng còn dư nợ, chương trình cho vay thương nhân có tổng dư nợ gần hai tỉ đồng với 41 khách hàng còn dư nợ”.
Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi vùng khó trên địa bàn tỉnh, đến nay tổng dư nợ cho vay theo Quyết định 31 đạt hơn 693 tỉ đồng với trên 15.500 hộ còn dư nợ, tổng dư nợ cho vay theo Quyết định 92 gần 13 tỉ đồng với 268 hộ còn dư nợ. Chương trình đã giúp cho các hộ SX-KD và các thương nhân tại vùng đất khó có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, góp phần “thay da, đổi thịt” nơi miền sơn cước.
Qua thực tế tìm hiểu, nhu cầu vay vốn để phát triển SX-KD của người dân nơi vùng khó còn nhiều. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Việt Phương- Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn vay của các hộ dân nơi vùng khó, mới đây, ngày 5/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg về tín dụng tại vùng khó khăn. Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 31 và Quyết định 92, có hiệu lực từ ngày 8/8/2023. Theo đó, mức vốn cho vay tại Ngân hàng CSXH đối với một hộ SX-KD tại vùng khó khăn được tăng từ tối đa 50 triệu đồng/người lên tối đa 100 triệu đồng/người, lãi suất cho vay bằng 9%/năm. Đối với thương nhân là cá nhân, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/cá nhân, trước đây thương nhân là cá nhân không mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng/cá nhân. Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, mức vốn cho vay tối đa lên đến một tỉ đồng/tổ chức, trước đây tối đa 500 triệu đồng/tổ chức”.
Đây là tin vui đối với các hộ SX-KD và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn có thêm điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn hơn để đầu tư mở rộng quy mô, tăng năng lực SX-KD, phát triển kinh tế tại chính quê hương mình.