Bài 3: Phát động thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2021: Phục hồi Hệ sinh thái

BVR&MT – Phục hồi hệ sinh thái là chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới 05/06 năm nay. Đã đến lúc con người cần phải nhìn lại mọi hoạt động của mình và khẩn trương hành động để phục hồi các hệ sinh thái, để sống hòa hợp với Mẹ Thiên nhiên. Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm như: Trồng cây, làm xanh thành phố, làm vườn tự nhiên, làm sạch sông hồ, thay đổi hành vi tiêu dùng…

Bài liên quan:

Bài 1: Việt Nam và cách thức phục hồi các hệ sinh thái

Bài 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước

Bài 4: Muốn có một cuộc sống xanh phải có một hệ sinh thái khỏe

Các kỳ Trại Thiên nhiên Gaia là một hợp phần chính của Chương trình Giáo dục Bảo tồn nhằm nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, trang bị kỹ năng, trau rồi thái độ và thay đổi hành vi, giúp mọi người tham gia bảo vệ môi trường và sống hài hoà với thiên nhiên.

Phục hồi hệ sinh thái có nghĩa là hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị phá hủy, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn. Các hệ sinh thái lành mạnh hơn, với đa dạng sinh học phong phú hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn như tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng năng xuất nông lâm ngư nghiệp, tăng khả năng dự trữ Carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc phục hồi hệ sinh thái có thể được thực hiện theo nhiều cách: ví dụ như thông qua việc tích cực trồng cây, trồng rừng, hoặc loại bỏ áp lực để thiên nhiên có thể tự phục hồi. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đưa một hệ sinh thái trở lại trạng thái ban đầu. Ví dụ, chúng ta vẫn cần đất canh tác và nhà ở, đô thị tại các vùng trước đây vốn là các hệ sinh thái, những khu rừng. Vậy nên, điều quan trọng là chúng ta cần phải làm sao để duy trì sự cân bằng của các hệ sinh thái.

Cũng nhân dịp này, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã phát động thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái (2021-2030), theo đề xuất và nghị quyết hành động của hơn 70 quốc gia ở khắp các châu lục. Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái nhằm mục đích ngăn chặn sự suy thoái và phục hồi các hệ sinh thái ở quy mô toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh, chúng ta mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự suy thoái đa dạng sinh học.

Mục tiêu cụ thể là từ nay đến năm 2030, chúng ta sẽ tập chung phục hồi 350 triệu ha hệ sinh thái trên cạn và dưới nước vốn đã bị suy thoái do tác động của con người, và từ đó có thể tạo ra hoặc duy trì dịch vụ hệ sinh thái trị giá khoảng 9 nghìn tỷ USD. Việc khôi phục này cũng sẽ giúp loại bỏ 13 đến 26 gigatons khí nhà kính khỏi bầu khí quyển. Lợi ích kinh tế của những biện pháp phục hồi hệ sinh thái này sẽ vượt quá chín lần chi phí đầu tư. Trong khi việc không hành động tốn kém hơn ít nhất ba lần so với phục hồi hệ sinh thái.
Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, cũng là thời hạn chót cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững và mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.

Được dẫn dắt bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Thập kỷ Liên hợp quốc đang xây dựng một phong trào toàn cầu mạnh mẽ, trên diện rộng nhằm tăng cường khôi phục và hướng đến một tương lai bền vững.

Tất cả các loại hệ sinh thái có thể được phục hồi, bao gồm rừng, đất nông nghiệp, thành phố, đất ngập nước và đại dương. Các sáng kiến ​​phục hồi có thể được đưa ra bởi hầu hết mọi người, từ các chính phủ và các cơ quan phát triển đến các doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân. Do hiện nay, các hệ sinh thái đang chịu nhiều áp lực mạnh mẽ và ở các quy mô khác nhau do nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Tại Việt Nam, các hệ sinh thoái trên cạn, dưới nước đều đang bị suy thoái nặng nề. Theo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, cuối năm 2019, cả nước có 14,45 triệu ha rừng, tương đương độ che phủ rừng 41,85%, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70.8%, còn lại là rừng trồng. Trong số này chỉ có khoảng 15% là rừng giàu, hơn 50% là rừng trung bình còn tới 35% là rừng nghèo kiệt. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên. Trong khi đó, nạn phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, khai thác tài nguyên rừng quá mức đang khiến chất lượng rừng Việt Nam đang ngày một suy giảm. Do mất rừng và suy giảm chất lượng rừng, các thiên tai ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn đến cuộc sống của người dân khắp cả nước. Việc mất rừng và suy giảm chất lượng rừng, cũng ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều loài hoang dã. Việc trồng rừng, phủ xanh đất trống trọc, cải thiện chất lượng rừng đã trở nên khẩn thiết.
Trong khi đó, sức khỏe các hệ sinh thái biển Việt Nam cũng đang suy giảm. Với đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km và vùng lãnh hải dài hơn 12 hải lý, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm đa dạng sinh học của các vùng biển nhiệt đới, sở hữu nguồn cá dồi dào và các hệ sinh thái biển đa dạng như rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển. Tuy nhiên, các hệ sinh thái này cũng đang suy giảm nghiêm trọng. Chỉ số sức khỏe đại dương (Ocean Health Index – OHI) của Việt Nam chỉ là 50, và nằm trong số những quốc gia có chỉ số OHI thấp nhất thế giới. Chỉ số OHI được đưa ra bởi Trung tâm Quốc gia về Phân tích và Tổng hợp Sinh thái (Mỹ) và Tổ chức Bảo tồn Quốc tế công bố vào năm 2012. OHI được xây dựng dựa trên 10 tiêu chí về sinh thái, xã hội và chính trị, bao gồm khả năng cung cấp thực phẩm, cơ hội đánh bắt cá cho ngư dân địa phương, khả năng cung cấp các sản phẩm tự nhiên, khả năng lưu trữ carbon, khả năng phòng hộ ven biển, khả năng cải thiện đời sống và kinh tế ngư dân ven biển, giá trị dịch vụ du lịch và giải trí, cảnh quan, nước sạch và đa dạng sinh học. 10 tiêu chí này được đánh giá theo thang điểm 100.

Tại Việt Nam, các tiêu chí OHI đạt điểm thấp là do các tiêu chí: Cung cấp thực phẩm, sản phẩm tự nhiên, du lịch và giải trí. Dự đoán trong 5 năm tới, các lĩnh vực cung cấp thực phẩm, cơ hội đánh bắt thủy sản thủ công và đặc trưng của vùng (cảnh quan) sẽ tăng lên. Tuy nhiên, khả năng cung cấp các sản phẩm tự nhiên, khả năng lưu trữ carbon, khả năng phòng hộ ven biển, khả năng cải thiện đời sống và kinh tế ngư dân ven biển, nước sạch và đa dạng sinh học sẽ giảm đi. Điều này cho thấy, sức khỏe hệ sinh thái biển Việt Nam đang và sẽ tiếp tục suy giảm và cần ngay những kế hoạch hành động đồng bộ, thiết thực từ các cơ quan ban ngành để cải thiện sức khỏe Đại Dương.

Phục hồi hệ sinh thái có nghĩa là hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị phá hủy, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn.

Đã đến lúc Việt Nam cùng nghiêm túc, khẩn trương hành động nhằm phục hồi các hệ sinh thái nhằm tạo ra một tương lai bền vững, đảm bảo sức khỏe, phát triển kinh tế và an ninh xã hội.

Việc thực hiện hiệu quả đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh cũng là một trong những nỗ lực nhằm phục hồi các hệ sinh thái rừng. Hiện nay, tại Việt Nam, rất nhiều cơ quan, ban ngành, đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức khoa học kỹ thuật, phi lợi nhuận cùng nhau hưởng ứng và thực hiện đề xuát trồng thêm 1 tỷ cây xanh này, trong đó phải kể đến nỗ lực phục hồi rừng đầu nguồn của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia thông qua chương trình Góp 1 cây là góp rừng.

Hoạt động trồng và giám sát rừng đầu nguồn của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia không chỉ nỗ lực phục hồi rừng mà còn hướng đến thay đổi nhận thức của mọi người Việt Nam về tầm quan trọng của trồng rừng và bảo vệ thiên nhiên, từ đó khích lệ và truyền cảm hứng để mọi người có thể cùng nhau thực hiện. Điều đặc biệt là mọi cá nhân đều có thể chung tay trồng rừng, dù là ở đô thị hay nông thôn. Mọi người có thể góp số cây mình muốn và gửi kèm lời nhắn trên khu rừng. Gaia sẽ nhận số cây đóng góp và tiến hành trồng rừng, chăm sóc khu rừng cũng như gửi báo cáo cập nhật về khu rừng hàng năm, để người góp rừng thấy được hiệu quả đóng góp của mình.

Hy vọng sẽ có thêm nhiều sáng kiến tương tự nhằm chung tay phục hồi các hệ sinh thái Việt Nam hiệu quả, vì một tương lai bền vững nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên.

*Bài viết có tham khảo nhiều nguồn từ internet.

Đỗ Thanh Huyền (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia).