Nâng cao nhận thức – góp sức giảm nghèo

BVR&MT – “Công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững không chỉ cần sự vào cuộc của chính quyền, mà quan trọng hơn cả là nỗ lực của chính người dân. Muốn làm được điều đó, trước hết phải biết hộ nghèo cần gì? Thiếu gì? Nắm bắt, trao đổi, tuyên truyền giúp hộ nghèo hiểu rõ hơn về các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước… Từ đó, đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo bằng những mô hình kinh tế cụ thể…”.

Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Khải Xuân được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cho người dân giao thương hàng hóa.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Khải Xuân (huyện Thanh Ba) Nguyễn Trường Thành về kinh nghiệm và cách làm công tác giảm nghèo đang được triển khai trên địa bàn xã những năm gần đây.

Nằm cách trung tâm huyện Thanh Ba 13km, xã Khải Xuân hiện có trên 1.800 hộ dân với hơn 6.400 nhân khẩu, phân bố tại 12 khu hành chính. Là địa phương có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thời gian qua, để Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; triển khai đa dạng các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như: Vay vốn sản xuất, chuyển đổi nghề và đào tạo nghề; tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ… nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ tái nghèo.

Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về giảm nghèo được xã đặc biệt chú trọng; triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức: “Đi từng ngõ, gõ cửa từng hộ” tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo; tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp thông qua các hội nghị, buổi họp khu dân cư, lớp tập huấn… Với nội dung đa dạng, bám sát thực tiễn, tham gia hoạt động tuyên truyền, các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo sẽ có cơ hội được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; hiểu rõ hơn các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; được giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả, chính sách đào tạo nghề, chính sách giải quyết việc làm,… Qua đó góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức, để người dân không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động lựa chọn được nhu cầu hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình nuôi gà thương phẩm của ông Trần Hồng Sỹ (khu 4, xã Khải Xuân) cho thu nhập ổn định.

Ông Trần Hồng Sỹ (khu 4, xã Khải Xuân) từ hộ không có đất sản xuất, thu nhập bấp bênh, qua tuyên truyền, vận động, nắm bắt chính sách vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Phấn khởi khi cuối năm 2023 gia đình đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo, ông chia sẻ: “Khi biết khó khăn của gia đình tôi là không có đất sản xuất, Hội Nông dân xã đã tư vấn, khuyến khích tôi tìm hiểu về các chính sách vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo để phát triển kinh tế. Vì vậy, năm 2018, tôi vay 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ Tín dụng nhân dân để thuê đất, đầu tư cơ sở vật chất phát triển mô hình nuôi gà thương phẩm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, nhân giống, đảm bảo tiêu chuẩn đầu ra, vệ sinh môi trường của tôi dần được cải thiện, nâng cao. Hiện nay, với quy mô 13.000 con/lứa, sau mỗi đợt xuất bán, trừ các khoản chi phí, tôi thu lời khoảng 200 triệu đồng/năm”.

Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát huy nội lực hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững tại xã Khải Xuân đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Hằng năm, xã Khải Xuân đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở từ 2 – 3 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, từng bước thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, địa phương cũng tích cực phối hợp với Phòng LĐTB&XH huyện và các doanh nghiệp, giới thiệu cho người lao động đi học nghề tại các trung tâm đào tạo, tìm kiếm việc làm… Hiện toàn xã có 1.300 lao động đi làm ở doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố với thu nhập ổn định 8-10 triệu đồng/người/tháng; 90 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Ngoài ra, xã cũng đã phối hợp hiệu quả với các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện tạo điều kiện cho 161 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay hơn 9 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại Khải Xuân đã đạt 48,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm còn 6,02%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề chiếm 71,1%. Chủ tịch UBND xã Khải Xuân Nguyễn Trường Thành cho biết: “Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo và quyết tâm giảm nghèo bền vững, Khải Xuân sẽ tiếp tục tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Đặc biệt là những hộ đã thoát nghèo cần nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức vượt khó, tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ tích cực khảo sát, nắm tình hình đời sống của những hộ nghèo, cận nghèo; làm tốt công tác chính sách đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động; huy động mọi nguồn lực xã hội để cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ những hộ thoát nghèo có điều kiện vươn lên, tránh tái nghèo…”.