BVR&MT – Ngoài câu chuyện vừa xây dựng vừa lo thủ tục và bất cập trong đền bù, giải phóng mặt bằng và hướng nghiệp, việc phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian gần đây đang là chủ đề “nóng”, khi một số dự án thủy điện đang thi công cũng như đã vận hành không thực hiện đúng theo quy định hiện hành của pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân đã và đang diễn ra.
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 1): Chậm tiến độ 10 năm do… quy hoạch
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 2): Cam kết một đằng làm một nẻo
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 3): Đầu tư 80 tỷ đồng đổi lấy sự hoang phí?
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 4): Tỉnh sẽ “gỡ” từng dự án
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 5): Sông Gâm trơ đáy bởi… “niềm tự hào” của Cao Bằng
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 6): Bất cập chuyện thủ tục, đền bù và hướng nghiệp
- Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 7): Vừa xây vừa lo thủ tục ĐTM
Trong khoảng hai tháng (cuối tháng 4 đến cuối tháng 6/2017). Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường đã tìm hiểu, thu thập thông tin và phản ánh về quy hoạch, đầu tư và vận hành thủy điện trên địa bàn hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang, ngoài những thông tin đã đăng tải trên báo chí, phóng viên tiếp tục nhận được nhiều thông tin từ người dân địa phương phản ánh. Theo đó, bà con nhân dân tại xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết, họ rất lo lắng từ khi biết tin trên địa bàn có hai dự án thủy điện là Nậm Mạ 1 và Bản Kiếng. Bởi thủy điện gây mất rừng, ảnh hưởng đến môi trường, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Theo quan sát của phóng viên, Dự án thủy điện Bản Kiếng do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nông lâm Tôn Thọ (Công ty Tôn Thọ) làm chủ đầu tư. Dù đã xây dựng một số hạng mục như nâng cấp, mở mới đường lên hồ đập thủy điện dài 5 km, kênh dẫn nước thải sau nhà máy, san ủi mặt bằng khu nhà điều hành, công tác đền bù giải phóng mặt bằng… nhưng đã dừng thì công từ năm 2008 đến nay do phía chủ đầu tư không bố trí được vốn. Hiện nay chủ đầu tư đang tổ chức lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, cấp giấy phép xây dựng, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường… Được biết, Thủy điện Bản Kiếng được UBND tỉnh Hà Giang cho phép đầu tư tại quyết định 695/QĐ-UB ngày 8/4/2005 với tổng vốn 69,1 tỷ đồng, công suất 3,5 MW. Sau thời gian dừng thi công, gần đây chủ đầu tư đã xin nâng công suất lên 15 MW với tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Tùng Bá cho biết: “Trên địa bàn có hai dự án thủy điện là Bản Kiếng và Nậm Mạ 1, tuy nhiên Bản Kiếng sau khi làm đường, xây dựng một ngôi nhà 2 tầng rồi không thấy thi công nữa, giờ nghe nói đã bán cho chủ khác, tỉnh vừa rồi có vào kiểm tra, bà con ở thôn Phúc Hạ rất lo lắng vì nhiều diện tích đất từ năm 2005 đến nay chưa được đền bù”.
Trước đó, những ngày đầu tháng 4/2017, bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã có buổi làm việc với các bên liên quan và khảo sát thực tế tại khu vực xây dựng thủy điện Bản Kiếng. Ngày 10/4/2017 UBND tỉnh đã có Thông báo số 117/TB-UBND về Kết luận: Dự án thủy điện Bản Kiếng đã được đầu tư xây dựng một số hạng mục như nhà điều hành, nhà máy, kênh xả sau nhà máy.
Để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, yêu cầu Công ty Tôn Thọ (chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Kiếng) phải nghiêm túc, khẩn trương thực hiện việc tạm dừng tập kết vật liệu và xây dựng thi công công trình để nghiệm thu thanh toán dứt điểm khối lượng đã thi công cho các nhà thầu (bên B) để tránh tình trạng khiếu kiện, tranh chấp làm mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh. Chủ đầu tư chỉ được phép thi công trở lại sau khi thanh toán dứt điểm khối lượng đã thi công cho các nhà thầu và hoàn thiện các thủ tục theo quy định của luật Đầu tư, luật Xây dựng, luật Bảo vệ Môi trường, luật Tài nguyên nước và các quy định pháp luật liên quan trong quý II/2017.
Kết luận cũng yêu cầu chủ đầu tư liên hệ với UBND huyện Vị Xuyên, UBND xã Tùng Bá để rà soát lại và giải quyết những kiến nghị của nhân dân về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã ký với các hộ dân thôn Phúc Hạ, xã Tùng Bá ngày 15/5/2005. Đồng thời giao Sở Công thương phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát các nội dung dung tại Kết luận của UBND tỉnh.
Được biết, trên địa bàn xã Tùng Bá còn Dự án thủy điện Nậm Mạ 1 đang trong quá trình thi công. Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Tùng Bá – cho biết: “Thủy điện Nậm Mạ 1 đang xây dựng sắp xong nhưng chưa thấy công bố Báo cáo môi trường, chúng tôi đang chờ, và rất lo lắng, đề nghị các cấp vào cuộc kiểm tra xem thế nào. Ngoài ra ở phía kênh thải sau nhà máy liên quan đến 2 thôn khoảng 70 hộ dân vẫn chưa thấy chủ đầu tư thống kê, đền bù thiệt hại đất và hoa màu”.
Phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Chí Lập, Phó giám đốc Công ty TNHH Miền Tây (chủ đầu tư thủy điện Nậm Mạ 1), đề nghị cung cấp tài liệu liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường; bồi thường giải phóng mặt bằng; hợp đồng thuê đất; phương án cắm mốc giới; phương án phòng chống lụt bão, phòng chống cháy nổ; diện tích trồng rừng thay thế và tiến độ thực hiện phương án vận hành hồ chứa; và một số giấy tờ liên quan nếu có. Ông Lập cho biết mọi giấy tờ thủ tục liên quan đến Thủy điện Nậm Mạ 1 đơn vị đã hoàn thành và hẹn hôm sau sẽ cung cấp. Hôm sau phóng viên liên hệ lại, ông Lập từ chối cung cấp thông tin với lý do chưa có chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Giang. Thủy điện Nậm Mạ 1 là nhà máy cột nước cao được xây dựng tại thôn Khuôn Làng trên dòng sông Nậm Mạ. Được biết, do Công ty TNHH Miền Tây làm chủ đầu tư, nhà máy có công suất thiết kế là 18 MW với hai tổ máy, tổng mức đầu tư trên 530 tỷ đồng. Khởi công xây dựng cuối tháng 12 năm 2015. Công ty phấn đấu đến cuối quý IV năm 2017 sẽ chính thức phát điện.
Ngoài Dự án thủy điện Bản Kiếng và Nậm Mạ 1, phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường trong quá trình tìm hiểu thông tin ở Hà Giang còn phát hiện công trình thủy điện Sông Miện 5A đã đi vào vận hành từ năm 2015 nhưng đến cuối tháng 4/2017 vẫn chưa có giấy phép khai thác nước mặt do Bộ TN&MT cấp. Theo đó thủy điện này cũng không thực hiện việc duy trì dòng chảy tối thiểu phía sau thân đập. Thủy điện Sông Miện 5A do Công ty CPTĐ Sông Miện 5 làm chủ đầu tư, công suất lắp máy 9MW, gồm 2 tổ máy, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, thủy điện khởi công năm 2012 và hòa lưới điện quốc gia cuối năm 2015.
Thêm nữa, cách thành phố Hà Giang khoảng 80 km, trên sông Lô đoạn giáp danh với tỉnh Tuyên Quang, Dự án thủy điện Sông Lô 6 (xã Vĩnh Hảo, Bắc Quang, Hà Giang) đã được khởi công từ tháng 9/2015, trong quá trình thi công từ đó đến nay đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân sinh sống xung quanh công trình. Theo phản ánh của người dân địa phương, thủy điện Sông Lô 6 do Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng ngày 27/9/2015 trên địa bàn xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang và xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Công trình có quy mô thiết kế 48 MW, với tổng vốn đầu tư 1.852 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành đưa vào vận hành khai thác vào năm 2018, khi thi công công trình đơn vị thi công nổ mìn gây chấn động lớn đối với khu vực xung quanh. Hiện nay 14 hộ dân tại xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang bị nứt nhà ở nghi do việc nổ mìn này gây ra. Trao đổi với Phóng viên, ông Vũ Ngọc Tấn, chủ tịch UBND xã Yên Thuận, cho biết: “Đúng là có hiện tượng nứt nhà dân nhưng chưa rõ nguyên nhân có phải do nổ mìn hay không, vì khu vực nổ mìn cách một con sông. Hiện các ngành chức năng hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đang phối hợp với nhau tìm hiểu nhưng chưa thấy có kết luận”.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường về nội dung trên, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Thủy điện Bản Kiếng đang là bức xúc, đang rà soát lại tại sao Sở Kế hoạch và Đầu tư lại cấp giấy chứng nhận đầu tư đến lần thứ 10, và việc tranh chấp giữa các cổ đông… thủy điện này chỉ vài MW. Riêng Bản Kiếng cần bổ sung đầy đủ giấy tờ và giải quyết tranh chấp chúng tôi mới cho xây dựng lại. Quan điểm của tỉnh tất cả thủy điện dưới 5 MW gạt ra khỏi quy hoạch, những nhà máy đã vận hành thì yêu cầu vận hành đúng, còn những nhà máy đang xây dựng phải làm đúng ĐTM”.
Về việc thủy điện Sông Miện 5A, đóng kín không duy trì dòng chảy tối thiểu và đi vào vận hành 3 năm nhưng chưa có giấy phép khai thác nước mặt, ông Sơn cho hay: “Lỗi đó là lỗi của doanh nghiệp, về phía tỉnh Hà Giang đã yêu cầu làm thủ tục giấy tờ trình Bộ Công thương, vì thủy điện có dung tích hồ chứa hơn 1 triệu mét khối. Khẳng định luôn là lỗi thuộc về doanh nghiệp”. “Chúng tôi sẽ yêu cầu có đoàn đi kiểm tra và làm biên bản. Đây là thủy điện rất gần, có những cái ở rất xa thì sao?” – Vị chủ tịnh UBND tỉnh đặt câu hỏi.
“Trong quá trình vận hành việc quản lý nhà nước rất khó, quá trình vận hành đó nó có quy trình phải tuân thủ, trong đó có trách nhiệm của tỉnh cũng như của ngành, đặc biệt là sai phạm của doanh nghiệp. Khi vận hành phải theo quy định đã được phê duyệt và các văn bản của Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Công thương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số thủy điện đang hoàn thiện thủ tục” – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nói.
Văn Hoàng