Mảng tối của những “công trình ánh sáng” (Kỳ 5): Sông Gâm trơ đáy bởi… “niềm tự hào” của Cao Bằng

BVR&MT – Được coi là niềm tự hào của tỉnh với công suất lớn nhất nhì địa phương và từng được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cắt băng khánh thành nhưng Thủy điện Bảo Lâm 1 đã sớm làm dư luận thất vọng bởi việc không thực thi theo đúng cam kết về vận hành hồ chứa khiến sông Gâm nhiều khúc cạn trơ đáy.

Rất nhiều người dân đánh bắt cá ở “ao” Gâm hạ du Thủy điện Bảo Lâm.

Trong một dịp làm việc với phóng viên baovemoitruong.org.vn, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng từng cho biết: Thủy điện Bảo Lâm 1 là niềm tự hào của Cao Bằng với công suất 30 MW, hàng năm đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nói là niềm tự hào bởi đây là một trong những công trình thủy điện có công suất lớn nhất tỉnh tính đến thời điểm hiện tại và cũng là một trong 4 thủy điện bậc thang trên sông Gâm đoạn chảy qua tỉnh Cao Bằng. Tháng 1/2017, công trình được Thủ tướng Chính phủ tham gia cắt băng khánh thành và chính thức vận hành ngay sau đó bởi Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1. Hiện đơn vị này đang tiếp tục triển khai Thủy điện Bảo Lâm 3, 3A và chuẩn bị thi công Thủy điện Bảo Lâm 4.

Sạt lở phía hạ du thủy điện.

Mặc dù được đặt nhiều kỳ vọng, song có mặt tại nhà máy Thủy điện Bảo Lâm 1 vào những ngày cuối tháng 4/2017, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh hàng trăm người dân xã Lý Bôn và các xã lân cận cùng nhau đánh bắt cá ngay giữa dòng sông Gâm và sát cửa xả đập thủy điện. Trao đổi với một số người dân địa phương, họ cho biết do nắm được lịch tích, xả nước của nhà máy nên họ yên tâm đánh bắt cá. Cụ thể: khoảng 10h sáng hàng ngày hoặc 12h trưa thủy điện sẽ tích nước và đến khoảng 14h chiều hoặc 16h thủy điện xả, thậm chí nhiều người còn ngủ nghỉ tại gầm cầu Lý Bôn để đánh bắt cá.

Sau khi liên hệ với Ban lãnh đạo Thủy điện Bảo Lâm 1 nhưng bất thành, chúng tôi đã làm việc với ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm. Ông Lưu cho hay: Trước đây từng có lúc nhà máy tích nước đóng kín, nước không chảy về phía hạ du, khi bà con phản ánh sông Gâm cạn nước khoảng hơn 45 phút, tôi buộc phải gọi điện cho lãnh đạo nhà máy xả nước. Không chỉ tích, xả nước thất thường, Thủy điện Bảo Lâm 1 khi đóng xả còn gây sạt lở bờ sông và làm nứt hai đầu cầu treo đường đi xã Đức Hạnh và cầu Km22, gây nguy cơ sạt lở 200m đường giao thông nông thôn và dọc quốc lộ 4C. Đáng chú ý là một số hộ dân bị thiệt hại do việc sạt lở bờ sông hiện vẫn chưa nhận được được tiền đền bù.

Cầu treo đi xã Đức Hạnh có nguy cơ bị sập do sạt, nứt hai mố cầu.

Cũng theo ông Lưu, trước những sự cố nêu trên, UBND huyện Bảo Lâm và Ban quản lý Thủy điện Bảo Lâm 1 cùng cán bộ xã Lý Bôn đã ngồi lại làm việc và UBND huyện đã có thông báo tại Văn bản số 19/TB – VP ngày 28/2/2017 yêu cầu Thủy điện Bảo Lâm 1 có phương án xử lý đóng cọc, đặt rọ sắt, phun bê tông chống sạt lở, đền bù cho các hộ dân mới phát sinh, đồng thời xây bó chân móng cầu, chống sạt lở hai đầu cầu, gia cố các vị trí dây nẽo cầu để đảm bảo an toàn cho người và vận chuyển hàng hóa; chú ý xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở cao… Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 4/2017, một số nội dung chỉ đạo này vẫn chưa được thực hiện.

Nhóm phóng viên baovemoitruong.org.vn tiếp tục liên hệ với Ban quản lý Thủy điện Bảo Lâm 1 nhưng không ai bắt máy, tới khi nhóm thông tin cho Sở Công thương tỉnh Cao Bằng thì Ban quản lý Thủy điện Bảo Lâm mới liên lạc lại và đặt lịch tiếp vào lúc 13h chiều. Tuy nhiên, trước thời điểm này 15 phút, Thủy điện Bảo Lâm 1 xả nước với lưu lượng lớn trong khi phía hạ du vẫn có hàng chục người dân đang đánh bắt cá. Cảnh tượng vô cùng nguy hiểm!

Phóng viên có mặt khi thủy điện xả nước.

Trao đổi với ông Vũ Văn Long, Quản đốc nhà máy Thủy điện Bảo Lâm 1, ông khẳng định về nguyên tắc, thủy điện cần tuân thủ theo điều kiện phối hợp vận hành, điều tiết ngày đêm, nếu có nước thì đề nghị xin phát nhưng phải xả từ từ để tránh sạt lở. Theo quy định, nếu không phát điện thì phải xả đúng lưu lượng. Lý thuyết là vậy, nhưng khi giải thích về tình trạng sông Gâm nhiều đoạn cạn trơ đáy, đặc biệt là trong các ngày 23 – 24/4/2017, ông Long cho biết: “Mình phát điện lúc 9h, tầm 11 – 12h do chuyên gia Trung Quốc nói cửa van không điều khiển từ xa được nên nhà máy đã đóng lại để sửa chữa hoặc do hôm nào đó mới phát xong, lưu lượng nước phía hạ du vẫn lớn nên nhà máy không xả thêm được…?!

Về các vấn đề liên quan đến sạt lở, đền bù cho người dân, ông Long nhấn mạnh đây là giải pháp tổng thể, nhà máy sẽ có giải pháp trình tỉnh và sau đó đưa ra phương án tối ưu nhất nhưng ông không nói khi nào thực hiện điều này?! Khi được hỏi về giấy phép khai thác nước mặt, ông Long  đã cung cấp cho nhóm Giấy phép khai thác nước mặt do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tại Văn bản số 867/GP-BTNMT ngày 21/4/2017, trong đó có nội dung: yêu cầu Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 đảm bảo duy trì liên tục dòng chảy qua đập chính về hạ du sông Gâm với lưu lượng không nhỏ hơn 19,3 m3/s khi nhà máy ngừng phát, đồng thời tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa…

Lưu lượng nước 19,3 m3 phải xả như thế này, tuy nhiên nhiều thời điểm các cửa xả đóng kín.

Trước đó, khi trao đổi với lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, nhóm cũng được cung cấp Văn bản số 309/SCT – QLĐN ngày 27/3/2017 về việc vận hành Quy trình hồ chứa nhà máy thủy điện trong mùa khô năm 2017, trong đó yêu cầu rõ Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 và các nhà máy thủy điện trên địa bàn phải khai thác dòng chảy một cách hài hòa giữa việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, duy trì môi trường thủy sinh vùng hạ du đập nhà máy thủy điện… Sở Công thương đề nghị các nhà máy thủy điện chấp hành nghiêm chỉnh nội dung Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung; phối hợp với UBND xã sở tại tuyên truyền trong nhân dân xung quanh nhà máy nội dung Quy trình vận hành hồ chứa nhà máy thủy điện. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố lập biên bản xử lý hành chính các trường hợp không chấp hành nội dung Quy trình vận hành hồ chứa theo Điều 6 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ.

Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng tất cả các cửa xả của Thủy điện Bảo Lâm 1 đều đóng kín khi tích nước thay vì phải xả từ từ!

Công trình Thủy điện Bảo Lâm I thuộc công trình cấp II, công suất 30MW, tổng mức đầu tư 915 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng tại điểm hợp lưu của sông Nho Quế với sông Gâm trên địa bàn xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Công trình khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, phát điện tháng 1/2017. Trong quá trình thi công, vào ngày 18/11/2015, 2 công nhân đã bị thiệt mạng do bị điện giật. Trước đó, ngày 7/6/2015 công trình này cũng xảy ra một vụ tai nạn lao động làm chết 1 người. Ngoài ra trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công đã đổ lượng lớn đất, đá thải xuống sông Gâm, hiện nay đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Văn Hoàng