Mảng tối của những “công trình ánh sáng” (Kỳ 3): Đầu tư 80 tỷ đồng đổi lấy sự hoang phí?

BVR&MT – Trải qua 8 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và gần hai chục năm thi công xây dựng nhưng Dự án thủy điện Hoa Thám, công suất 5,8 MW, được xây dựng trên địa bàn xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho đến nay vẫn chỉ là những tảng bê tông và đống sắt vụn nằm ngang sông.

Núi tiền chặn ngang dòng chảy

Thủy điện Hoa Thám được Công ty đầu tư và phát triển Năng lượng Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) thi công từ năm 2007 nhưng đến tháng 11/2011 thì tạm dừng. Đầu tháng 12/2014, chủ đầu tư tiếp tục thi công nhưng chỉ một thời gian ngắn lại dừng lại và đến nay cũng vẫn vậy.

Theo quan sát của chúng tôi, nơi đặt nhà máy thủy điện Hoa Thám nằm trên sông Hiến, hiện công trình đang thi công dang dở, rất nhiều mét khối đất đá đã được san lấp, hàng nghìn mét khối bê tông được đổ để xây dựng công trình, những đoạn thép hoen gỉ, nhiều vật dụng để xây dựng công trình còn để lại ngổn ngang ở công trường.

Dự án thủy điện Hoa Thám xây dựng dở dang, sau nhiều năm bỏ hoang, nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp.

Theo phản ánh của người dân thì từ khi triển khai dự án, nhân dân đã chấp hành việc kiểm định áp giá đền bù, đồng thời không sản xuất, tuy nhiên, xã Hoa Thám là xã nghèo, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào trồng rừng và sản xuất hoa màu, chăn nuôi nên sau khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án, nhân dân không còn đất sản xuất nữa khiến  cuộc sống khó khăn hơn.

Trao đổi với chúng tôi, một người dân địa phương cho biết: “Khu vực dự kiến ngăn đập để phát điện trước đây có rất nhiều người khai thác vàng trái phép, sau này mới thấy xây thủy điện nhưng xây một thời gian ồn ào cả vùng mà làm chưa xong đã bỏ đi đâu hết, 3 – 4 năm nay không thấy làm lại, ở đây chỉ có bảo vệ thôi”.

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Công Thương Cao Bằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm tiến độ một phần là do thiếu vốn. Hiện chủ đầu tư đã bỏ ra 80 tỉ đồng để thực hiện một số công việc như khảo sát địa hình địa chất thủy văn trong phạm vi nghiên cứu của dự án; đo đạc phục vụ việc giải tỏa đền bù, xác định ranh giới xây dựng công trình và làm các thủ tục thu hồi giao đất; thiết kế cơ sở dự án; tổ chức khảo sát đánh giá tác động môi trường, đồng thời triển khai một số gói thầu phụ trợ phục vụ công tác xây dựng công trình chính như: gói thầu rà phá bom mìn, gói thầu đường thi công, điện thi công. “Sở đã cho rà soát xem chủ đầu tư mới có làm được không, nếu không làm được sẽ cho thu hồi dự án. Tuy nhiên, việc thu hồi hết sức khó khăn do số tiền nhà đầu tư bỏ ra rất nhiều, nếu thu hồi ai sẽ giải quyết số tiền đó, phần lớn số tiền đầu tư xây dựng thủy điện Hoa Thám là nhà đầu tư vay của Ngân hàng phát triển” – ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng cho biết.

Dang dở đến bao giờ?

Trước việc xây dựng chậm tiến độ kéo dài hàng chục năm, giữa tháng 6/2015, tỉnh Cao Bằng đã cho thanh tra toàn diện dự án thủy điện Hoa Thám. Theo báo cáo kết luận thanh tra số 2435/KL-UBND ngày 3/9/2015 thì từ năm 2004 đến nay Công ty Đông Bắc đã thay đổi 8 lần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nhà đầu tư đã đề nghị thay đổi 3 lần giấy chứng nhận đầu tư kể từ năm 2007 đến nay. Việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư chủ yếu thay đổi tiến độ thực hiện hoàn thành dự án, người đại diện và tổng mức đầu tư dự án.

Theo nội dung giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 2, đến quý IV/2012, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng rút cục dự án vẫn tạm dừng. Đến tháng 01/2014, chủ đầu tư lại có văn bản đăng ký đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Đáng chú ý là việc tạm ngừng dự án chủ đầu tư không hề có thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước về quản lý đầu tư và điều này đã vi phạm Khoản 1, Điều 67 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ về tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Hơn 80 tỷ đồng đã được chủ đầu tư sử dụng để xây dựng công trình.

Không chỉ chậm trễ trong thi công, công tác quản lý tài chính, chất lượng dự án cũng có vấn đề, nhất là công tác khảo sát xây dựng, lập dự án, lập dự toán công trình. Cụ thể: chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thiết kế cơ sở và quy hoạch được phê duyệt; tổng mức đầu tư, dự toán công trình được điều chỉnh nhiều lần nhưng chưa chính xác, thiếu các khoản mục chi phí cần thiết cho dự án; khối lượng đưa vào lập dự toán không có căn cứ, đồng thời việc kiểm tra, nghiệm thu khối lượng thực tế phát sinh thiếu cơ sở, dự toán thiếu chính xác, nhất là dùng các dự toán này để làm căn cứ cho việc thanh toán giải ngân; thanh toán giải ngân giữa chủ đầu tư với Ngân hàng chưa được thống nhất, đặc biệt chủ đầu tư tự điều chỉnh quy mô, công suất khác với thiết kế cơ sở chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Quá trình thanh tra cũng chỉ ra sự thiếu trách nhiệm của các Sở, Ban ngành tỉnh Cao Bằng trong việc chưa có sự kiểm tra đôn đốc trong việc thực hiện nghĩa vụ nhà nước về tiền thuê đất và việc kê khai thuế xây dựng đối với các đơn vị tham gia thực hiện dự án thủy điện Hoa Thám, đồng thời chưa có sự phối hợp chặt chẽ, còn thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến đất đai…

Và sau mọi kết luận thanh kiểm, Dự án nhà máy thủy điện Hoa Thám vẫn hoàn… dang dở!

Văn Hoàng