BVR&MT – Nằm sát quốc lộ 2 và gần kề khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, cách UBND huyện chỉ 5 km và cách trung tâm tỉnh khoảng 15 km… nhưng Thủy điện Sông Lô 2 vẫn nghiễm nhiên được xây dựng từ gần 2 năm trước trong tình trạng chưa hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Đúng hơn là ĐTM bổ sung bởi từ năm 2010, dự án đã được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt ĐTM tại Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 13/01/2010. Tuy nhiên, do công trình có sự thay đổi, điều chỉnh công suất và chậm trễ trong việc triển khai nên theo quy định, chủ đầu tư phải lập lại ĐTM và trình Bộ TN&MT xem xét thẩm định, phê duyệt. Vậy nhưng, dự án trên thực tế vẫn được thực hiện theo bản ĐTM cũ (!?).
• Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 1): Chậm tiến độ 10 năm do… quy hoạch
• Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 2): Cam kết một đằng làm một nẻo
• Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 3): Đầu tư 80 tỷ đồng đổi lấy sự hoang phí?
• Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 4): Tỉnh sẽ “gỡ” từng dự án
• Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 5): Sông Gâm trơ đáy bởi… “niềm tự hào” của Cao Bằng
• Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” (Kỳ 6): Bất cập chuyện thủ tục, đền bù và hướng nghiệp
Thủy điện Sông Lô 2 được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 3367/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 và điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 421/QĐ-UBND ngày 29/01/2010. Ngày 13/01/2010, UBND tỉnh chính thức phê duyệt báo cáo ĐTM dự án theo bản quy hoạch cũ. Vì vậy, theo quy định tại khoản a và khoản b, Điều 13 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, chủ đầu tư cần thực hiện ĐTM bổ sung nếu có thay đổi về địa điểm, quy mô, công suất thiết kế, công nghệ (ở dự án này, quy mô công suất được thay đổi từ 27 MW lên 28 MW) hoặc sau 2 năm kể từ ngày báo cáo ĐTM được phê duyệt, dự án mới triển khai thực hiện (Thủy điện Sông Lô 2 được phê duyệt ĐTM vào năm 2010 nhưng năm 2015 mới rục rịch thi công).
Quy định rõ ràng là vậy nhưng tại Văn bản số 671/UBND-CNGTXD ngày 06/3/2015, UBND tỉnh Hà Giang lại chấp thuận cho Công ty TNHH Thanh Bình (chủ đầu tư dự án Thủy điện Sông Lô 2) tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã đề ra trong báo cáo ĐTM được phê duyệt tại Quyết định số 138/QĐ-UBND từ năm 2010, không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Điều đáng nói là quy định về việc chủ đầu tư phải lập ĐTM bổ sung tiếp tục được giữ nguyên tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 sau này (nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường), song Văn bản số 671/UBND-CNGTXD ngày 06/3/2015 (phê duyệt sau nghị định) của UBND tỉnh vẫn chấp thuận cho chủ đầu tư thực hiện theo ĐTM cũ dựa trên đề nghị của Sở TN&MT Hà Giang.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Giang thừa nhận: Thủy điện Sông Lô 2 trước đây được phê duyệt ĐTM rồi nhưng do đang thi công thì điều chỉnh dự án, mà điều chỉnh dự án thì phải làm ĐTM bổ sung, bây giờ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ TNMT, hiện đơn vị chủ đầu tư mới thực hiện ĐTM là quá muộn vì thủy điện sắp xong rồi. Sở sẽ có ý kiến thống nhất với Sở Công Thương để Sở Công Thương chủ trì kiểm tra, kiến nghị tỉnh xử lý. “Trên quan điểm về quản lý Nhà nước thì tôi đồng tình là phải dừng thi công” – ông Nhu nhấn mạnh.
Đáng chú ý là dự án không chỉ thiếu báo cáo ĐTM mà còn thiếu giấy phép khai thác nước mặt, quy trình vận hành liên hồ chứa và một số giấy tờ liên quan khác và theo ông Lê Vũ Thức, Giám đốc Ban quản lý Dự án Thủy điện Sông Lô 2 thì hiện chủ đầu tư đang trình Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt các thủ tục này.
Theo quan sát của phóng viên, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2017, các hạng mục của công trình Thủy điện Sông Lô 2 về cơ bản đã hoàn thiện, đê bao hai bên bờ sông đang được thi công nhằm không làm ảnh hưởng đến đất nông nghiệp của bà con ven sông. Dự kiến tháng 9/2017, nhà máy sẽ phát điện và hòa lưới điện quốc gia. Điều mà dự án này đang phải gấp rút hoàn tất, đó là những giấy phép còn lại nhằm “hợp thức hóa” các thủ tục triển khai.
Có lẽ đã đến lúc cần xem xét lại nghiêm túc quy trình cấp phép, xây dựng các công trình thủy điện tại địa phương, tránh tình trạng vừa xây vừa lo thủ tục – điều đã và đang diễn ra không chỉ riêng tại Hà Giang.
Văn Hoàng