Làng hương Thủy Xuân: Đậm bản sắc truyền thống, 700 năm các Mệ tảo tần

BVR&MT – Giữa nhịp sống hiện đại, mặc dòng chảy thời gian, cố đô Huế vẫn tồn tại một góc riêng rất bình lặng, êm đềm, truyền thống. Đến làng Thủy Xuân, một mùi hương thơm nức mũi sẽ khiến du khách gợi nhớ tới những khoảnh khắc an yên quây quần bên gia đình, gợi cho ta ngày lễ tết nô nức sum vầy. Một màu đỏ cánh sen của những tăm hương được gói thành từng bó bao phủ khắp ngôi làng. Một nghề truyền thống chỉ đủ lo bữa cơm trong ngày, nhưng lại trở thành một nét văn hóa góp phần bảo tồn và tôn vinh một nghề thủ công truyền thống của Việt Nam.

Huế – mảnh đất lãng mạn, mộng mơ, đậm chất thơ, một miền di sản có một không hai về vẻ đẹp rất riêng, rất ngọt ngào. Tuy không ồn ào, náo nhiệt như Thủ đô Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Huế vẫn đang dần chuyển mình khẳng định sự phát triển của một thành phố năng động, giàu tiềm năng du lịch.

Theo đà phát triển của xã hội, Huế vẫn lung linh, huyền ảo nhưng đã có phần nhộn nhịp hơn xưa. Những tòa nhà hiện đại mọc lên ngày càng nhiều với những ánh đèn rực rỡ sắc màu trong đêm. Nhộn nhịp nhưng vẫn dung hòa giữa nét hiện đại và văn hóa truyền thống. Sự phát triển du lịch không làm phai mờ đi vẻ đẹp của con sông Hương trong xanh như ngọc bích, hay sự hùng vĩ, trang nghiêm của Kinh thành Huế – nơi chứng kiến biết bao sự đổi thay quyền cai trị đất nước, lúc thịnh lúc suy. Bởi thế đặt chân đến Huế bỗng nhiên bước chầm chậm hẳn lại, nói năng trò chuyện nhỏ nhẹ hơn, ngắm nhìn và suy ngẫm nhiều hơn…

Nằm bên cạnh dòng sông Hương hiền hòa thơ mộng, ngay dưới chân đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân đã khiến bao du khách nhớ thương bởi mùi thơm đặc trưng của những bông hoa hương đầy màu sắc lung linh, rực rỡ trong nắng. Chẳng biết nghề làm hương xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng vào thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) nơi đây chuyên cung cấp hương trầm cho triều đình và quan lại nhà Nguyễn cũng như cả vùng Thuận Hóa, Phú Xuân.

Cái nghề chỉ đủ lo bữa cơm trong ngày, nhưng lại trở thành một nét văn hóa góp phần bảo tồn và tôn vinh một nghề thủ công truyền thống của Việt Nam.

Đến nay, trải qua hàng trăm năm, người dân ở làng hương Thủy Xuân vẫn tiếp tục duy trì và lưu giữ nghề truyền thống này. Có nhiều gia đình, nghề làm hương trầm được truyền từ đời này sang đời khác, gia đình nhà cô Tuyết là một ví dụ điển hình. Tuy đã lớn tuổi nhưng cô vẫn tần tảo với nghề làm hương, được mọi người gọi cái tên thân thương “Mệ Tuyết”. “Gia đình cũng trải qua nhiều đời làm nghề hương trầm, nghề này tuy không mang lại thu nhập cao như bao nghề khác nhưng đây là nghề truyền thống do cha ông để lại, mình có trách nhiệm và bổn phận phải giữ gìn” – Mệ Tuyết tâm sự.

Nơi đây là điểm checkin không thể bỏ qua của du khách.

Hương của làng Thủy Xuân được làm thủ công từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên thân thiện với môi trường và mùi hương đặc trưng dễ chịu. Để làm ra một cây hương thì khâu đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu, thường gồm: Ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế…hòa với nước, trộn lại với nhau làm bột hương. Sau đó là công đoạn làm lõi hương, lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ đều tăm tắp, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn, tre làm lõi hương là tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền, Phong Sơn. Tùy vào từng loại hương có Hương trầm, Hương quế, nụ trầm giá bán giao động từ 40.000 – 600.000/hộp/bó. Được biết, hiện nay trên địa bàn phường có khoảng từ 25-30 hộ dân làm nghề hương trầm dọc tuyến đường từ Huyền Trân Công Chúa đến đường Đoàn Nhữ Hài. Trong đó, có khoảng 5-7 hộ dân vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch.

Chị Hoài Anh một du khách có kỳ nghỉ lễ 2/9 tại Huế chia sẻ: “Huế luôn mang lại một cảm giác man mác buồn, lặng lẽ và bình yên. Đặc biệt đến làng Thủy Xuân, với đặc trưng tiếng Huế và sự gần gũi của các Mệ, cùng với mùi hương khiến Tôi nhớ đến dịp tết Nguyên Đán. Mùi hương như gợi lại một khung cảnh quây quần cùng gia đình mỗi dịp tết về”.

Làng Hương Thuỷ Xuân đang từng ngày góp mình vào công cuộc quảng bá du lịch, hình ảnh Huế.

Nghề truyền thống của ông cha để lại đã ăn sâu vào máu thịt người dân làng Thủy Xuân. Họ làm hương với niềm say mê, trân quý. Sáng sáng khi nắng chưa kịp đổi màu, người ta đã sắp hương ra giữa trời đem phơi, làm rực rỡ cả con đường Huyền Trân Công Chúa. Cuối năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận nghề làm hương trầm Thủy Xuân là nghề truyền thống của tỉnh này. Việc công nhận nghề làm hương trầm ở Thủy Xuân là nghề truyền thống ngoài việc bảo tồn, tôn vinh một nghề thủ công truyền thống còn nhằm khuyến khích người dân làm du lịch, tạo thêm một điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hà Linh