Làm giàu từ tài nguyên bản địa

BVR&MT – Những ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, trong những câu chuyện vui vẻ mừng năm mới, rôm rả nhất vẫn là chuyện về những tấm gương lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi trong cộng đồng đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ.

Làng nghề bánh tét Trà Cuôn, tỉnh Trà Vinh sản xuất phục vụ Tết Chôl Chnăm Thmây.

Thực tế cuộc sống cho thấy, có không ít điển hình khởi nghiệp vươn lên làm giàu từ tài nguyên bản địa và biết hỗ trợ cộng đồng cùng phát triển…

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Sau 10 năm gây dựng, trang trại rộng gần 10 ha của anh Diệp Kỉnh Tân, dân tộc Khmer ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nuôi gần 200 con bò sữa theo quy chuẩn châu Âu. Hiện, trang trại có 120 con bò cho sữa, mỗi con cho gần 18 kg sữa/ngày. Bình quân mỗi ngày anh Tân thu hoạch gần một tấn sữa tươi chất lượng cao.

Anh Tân còn xây dựng thành công trại heo giống trên diện tích 5 ha với vốn đầu tư 40 tỷ đồng theo công nghệ của Hà Lan. Trại nuôi 360 con heo nái, 1.000 heo thịt. Khi heo sinh sản sẽ giữ lại toàn bộ heo đực để nuôi lấy thịt, heo cái bán giống, có công ty ký hợp đồng bao tiêu.

Trại sử dụng công nghệ gắn chíp trên tai, cho heo ăn bằng máy có kiểm soát qua máy tính và kết nối dữ liệu với các trang trại ở châu Âu (Hà Lan) để theo dõi đàn heo phát triển cũng như kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Trang trại của anh Tân thực hiện theo chuẩn GlobalGAP, bảo đảm chất lượng xuất đi toàn cầu.

Năm 1998, tốt nghiệp đại học kinh tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), anh Tân đi làm cho nhiều đơn vị chăn nuôi. Đi nhiều nơi, đến các trang trại chăn nuôi khắp các vùng miền cả nước, anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm và sau đó quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp.

Anh Tân nhận thấy, người chăn nuôi khó kiểm soát dịch bệnh, an toàn sinh học, tỷ lệ thất thoát thức ăn cao và kỹ thuật chuyên môn còn hạn chế dẫn đến thua lỗ. Anh quyết định thành lập công ty, đầu tư xây trang trại nuôi bò sữa và heo theo công nghệ châu Âu. Hiện, công ty của anh Tân đang liên kết với nhiều đối tác quốc tế; mỗi năm, nộp ngân sách gần tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương…

Trong không khí hân hoan mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2024, làng nghề bánh tét Trà Cuôn ở Trà Vinh cũng hối hả sản xuất. Đây là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất trong năm đối với cơ sở bánh tét 9 Di của chị Thạch Thị Di, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Bánh tét 9 Di là một trong những sản phẩm của làng nghề bánh tét Trà Cuôn được tái công nhận sản phẩm đạt hạng OCOP ba sao.

Theo chị Di, gói bánh tét là nghề truyền thống được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ. Những người thợ làng nghề bánh tét Trà Cuôn luôn tìm tòi, sáng tạo để chế biến các sản phẩm với màu sắc, hương vị thơm ngon, người tiêu dùng ưa chuộng. Những ngày này, cơ sở bánh tét 9 Di cung ứng ra thị trường khoảng 1.500 đến 2.000 đòn bánh tét các loại với trọng lượng 500g, 700g, 1,2 kg. Sản phẩm phù hợp dùng làm quà biếu và sử dụng trong các buổi tiệc, ngày Tết. Với đồng bào Khmer Nam Bộ, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây nhà nào cũng có những đòn bánh tét trên bàn thờ để dâng lên tổ tiên.

Theo chị Di, bí quyết để làm nên danh tiếng đặc sản bánh tét Trà Cuôn là khâu chuẩn bị nguyên liệu, cách gói và nấu bánh. Việc làm bánh được các nghệ nhân biến tấu, sáng tạo từ loại bánh đậu mỡ truyền thống. Nguyên liệu chế biến được chọn từ loại nếp sáp thơm ngon của địa phương, đậu xanh được tách vỏ, hấp chín, tán nhuyễn, thịt mỡ ba rọi ướp gia vị vừa miệng. Cơ sở bánh tét 9 Di luôn coi trọng khâu thiết kế bao bì, nhãn hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm; tích cực tham gia các sự kiện lễ hội, trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước…

Chỉ từ năm công đất làm lúa được cha mẹ cho ban đầu, đến nay, ông Danh Út (60 tuổi) ở ấp Minh Tân, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có trong tay hơn 11 ha lúa, thu nhập hằng năm gần tỷ đồng. Ông Danh Út kể, trước đây vùng U Minh Thượng rất khó khăn, máy móc, khoa học kỹ thuật chưa được áp dụng trên đồng ruộng, nông dân trồng lúa rất cực. Lúc ấy, ông Danh Út và nhiều người dân nơi đây đứng trước hai ngã rẽ: Tha hương hoặc bám trụ. Ông Danh Út đã chọn bám trụ trên chính đồng ruộng của mình.

“Tôi phải tính toán lại cho hợp lý bằng cách tiết kiệm để có tiền mua thêm đất sản xuất; ngoài trồng lúa, vợ chồng tôi chịu khó trồng thêm màu, nuôi cá, heo để có thêm lợi nhuận. Từ mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa mùa, năng suất 5-7 giạ lúa/công, tôi cải tạo dần đất đai, nâng lên hai vụ lúa, năng suất đạt 1,1 tấn đến 1,2 tấn/công/vụ và trồng thêm một vụ màu, lợi nhuận đạt được cao hơn cả lúa”, ông Danh Út chia sẻ.

Vào những năm 2010, khi ở địa phương chỉ nhất nhất trồng hai vụ lúa, hoặc mía thì ông Danh Út đã đi học hỏi khắp nơi để trồng thêm một vụ màu trên nền đất lúa và nuôi cá đồng dưới ao ruộng. Ông Danh Út cho biết thêm, cũng với diện tích ấy, nhưng có thể tăng thêm lợi nhuận là do mình siêng năng thôi. Cùng với đó, phải biết tiết kiệm con giống, thức ăn, tìm đầu ra cho hoa màu hợp lý là có lợi nhuận cao.

Hằng năm, với hơn 11 ha lúa, gia đình ông Danh Út có thu nhập hơn 300 triệu đồng. Vụ đông xuân 2023-2024 vừa rồi, lúa trúng mùa, trúng giá và nhiều thu nhập từ nuôi cá, hoa màu, gia đình ông Danh Út có thu nhập cả năm gần một tỷ đồng.

Hướng về cộng đồng

Thành công trong sản xuất, kinh doanh, nhiều tỷ phú người Khmer luôn nghĩ về người nghèo và sẵn lòng trích từ lợi nhuận để cùng địa phương chăm lo cho cộng đồng phát triển.

Hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Sóc Trăng chăm lo cho người nghèo”, nhiều năm qua, anh Diệp Kỉnh Tân đã vận động Công ty Cargill hỗ trợ xây dựng hai trường mầm non đạt chuẩn tại xã Đại Tâm, trị giá hơn 2,2 tỷ đồng. Bản thân anh Tân cũng đóng góp hằng năm hơn 100 triệu đồng ủng hộ địa phương hỗ trợ gạo cho hàng trăm hộ nghèo lúc giáp hạt. Anh còn vận động gia đình hiến 300 m2 đất xây dựng đường giao thông nông thôn.

Với những đóng góp tích cực, địa phương đề xuất anh Diệp Kỉnh Tân được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thành tích xuất sắc năm 2023 góp phần cùng Đại Tâm, nơi có hơn 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024…

Ông Danh Út không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình mà còn quan tâm chăm lo giáo dục các con thành đạt. Trong số năm người con của ông, có hai người công tác trong ngành giáo dục, hai người làm ngành y tế địa phương. Ngoài chức danh Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng ấp Minh Tân, ông Danh Út còn được đồng bào Khmer tin tưởng, bầu chọn là người có uy tín ở địa phương. Với các vai trò này, ông Danh Út làm “cầu nối” hiệu quả giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với nhân dân, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong phum sóc để diện mạo nông thôn của huyện vùng sâu U Minh Thượng ngày càng khởi sắc.

Ông Danh Út còn là tấm gương sáng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer và là “hạt nhân” quan trọng trong các ngày lễ, Tết của đồng bào Khmer khi tham gia trong đội nhạc dân tộc Khmer phục vụ người dân.

Ông Danh Em ở ấp Minh Tân cho biết, trước đây gia đình ông khó khăn, nhờ có ông Danh Út tuyên truyền, vận động chăn nuôi gà, vịt, heo, trồng thêm hoa màu, cây ăn quả, nuôi cá đồng… nên gia đình ông đã thoát nghèo…

Từ năm 2022, chị Thạch Thị Di đã tham gia Câu lạc bộ Nữ doanh nhân do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh thành lập. Trong các lần sinh hoạt câu lạc bộ, chị Di chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, truyền cảm hứng cho các thành viên câu lạc bộ, hội viên phụ nữ. Chị Di tích cực cùng các cấp Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp các sở, ngành đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, tiếp cận chính sách tín dụng, kết nối thị trường cho hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là các sản phẩm chủ lực,

đặc sản của địa phương. Từ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, toàn tỉnh Trà Vinh có 299 sản phẩm OCOP của 199 công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đạt hạng ba sao, bốn sao, năm sao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã…, được thị trường trong nước, quốc tế đón nhận. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp của những doanh nhân như chị Thạch Thị Di…