La Bằng (Đại Từ – Thái Nguyên): Làm giàu nhờ nuôi cá tầm

BVR&MT – Xã La Bằng nằm phía Tây của huyện Đại Từ, cách trung tâm huyện khoảng 10km, ven chân dãy núi Tam Đảo. Là địa phương có tài nguyên du lịch phong phú từ du lịch sinh thái cộng đồng, đến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, La Bằng đã và đang từng bước khai thác những tiềm năng, lợi thế đó để xây dựng và phát triển du lịch địa phương nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nằm bên sườn phía Đông của dãy núi Tam Đảo, La Bằng được hưởng tiểu vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ; không gian sống trong lành, cảnh quan làng, bản đẹp. Chỗ này nương chè xanh ngát, chỗ kia dòng suối trong vắt uốn lượn theo thung lũng, xa xa là thác nước trắng xóa… Đó là những ưu thế nổi trội của La Bằng được thiên nhiên ban tặng, có sức hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Xã La Bằng được hưởng tiểu vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ; không gian sống trong lành, cảnh quan làng, bản đẹp.

Trong lĩnh vực nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện Đại Từ, đáng chú ý nhất là những mô hình nuôi cá tầm bên dòng suối Kẹm quanh năm mát lạnh ở xã La Bằng. Với cách làm chặn dòng suối Kẹm để đưa nước suối lạnh từ trên núi dẫn thẳng vào các bể nuôi cá, môi trường nước ở đây cực kỳ trong mát, rất phù hợp với loài cá nước lạnh. 

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Nguyễn Cao Đạt, ở xóm Kẹm, xã La Bằng, vào một ngày đầu tháng 10 này. Anh Đạt cho biết: Mô hình này được hình thành từ năm 2010 bởi một kỹ sư thủy sản, tôi mới mua lại được 2 năm với giá 1 tỷ đồng. Khi đó, anh mới chỉ có trong tay 200 triệu đồng, toàn bộ số vốn còn lại  đều vay ngân hàng. Quyết định này ai cũng bảo là liều lĩnh, nhưng vốn từ nhỏ sống ở đây, gắn bó với dòng suối Kẹm, không ít lần vào thăm trại cá tầm này và anh cực kỳ thích thú.

Nguồn suối Kẹm trong mát được các hộ tận dụng để chăn nuôi mô hình cá tầm, cho thu nhập tương đối cao.

Khi nghe tin chủ trại cá có ý định bán, anh đã quyết tâm mua lại. Sau khi mua, anh lên SaPa (Lào Cai) và Lai Châu để bắt cá giống về thả. Hiện nay, với 13 bể nuôi, anh luôn duy trì từ 5.000 đến 6.000 con cá. Hiện trong bể có con đạt đến trọng lượng 30kg, cá thịt có trọng lượng từ 3-5kg. Sau 2 năm gắn bó với loài cá này, đến nay, anh đã có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong chăn nuôi cá tầm, nên cá quanh năm không mắc bệnh tật. Đến kỳ xuất bán, anh chỉ cần gọi thương lái đến tận nơi bắt chứ tôi không phải lo đầu ra. Với giá bán hiện nay trên thị trường gần 300 nghìn/kg, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Theo anh Đạt, Cá tầm là loài cá đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến thành nhiều món ăn được người tiêu dùng ưa chuộng, đây cũng là đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cá tầm được đánh giá là đối tượng nuôi khó tính, đòi hỏi điều kiện môi trường sống khắt khe hơn các đối tượng thủy sản nước ngọt khác như: phải có nguồn nước lưu thông tốt, ngưỡng nhiệt độ để sinh trưởng và phát triển tốt không quá 27 độ C; độ pH từ 6,5-8; hàm lượng Oxy hòa tan trong nước >5mg/l. Vì vậy, cá tầm còn được xác định là một đối tượng cá nước lạnh, vì vậy nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam đang phát triển khá phổ biến ở các tỉnh có khí hậu mát mẻ.

Mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Nguyễn Cao Đạt.

Cùng với anh Đạt, hiện nay tại xóm Tân Sơn (xã La bằng) có một số hộ đang thực hiện nuôi cá tầm nước lạnh thương phẩm, cá nước lạnh không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là điểm thăm quan mới mẻ và thu hút đối với những du khách muốn tìm hiểu thêm về vùng đất này. Chính từ những trang trại nuôi cá tầm này đã cung cấp các sản phẩm thuỷ sản ra thị trường trong huyện, tỉnh, kết hợp với những đặc sản rau rừng, cá Tầm, cá suối có thể chế biến thành nhiều món ăn mang những hương vị khác nhau khiến cho du khách cảm thấy ngỡ ngàng, khác lạ. Mô hình được nhân rộng sẽ có thêm đối tượng nuôi mới cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng nguồn nước lạnh trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn miền núi của Thái Nguyên.

Hậu Thạch