Khám phá Bản Coốc – Nơi ghi dấu nguồn cội dân tộc Mường, Dao dưới chân núi Tản

BVR&MT – Huyện Ba Vì nằm ở phía Tây của Thủ đô Hà Nội, nơi đây được ví như một vùng Tây Bắc thu nhỏ bởi cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, có nguồn lực, tiềm năng để gây dựng và phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn, cùng với những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa trong đó có đồng bào Dân tộc Mường, Dao hiền hòa mến khách.

Khai trương chợ phiên Mường – Dao tại Bản Coốc

Nằm nép mình bên sườn Tây núi Ba Vì cao hùng vĩ, Bản Coốc hiện lên như nàng thiếu nữ người Mông đầy e thẹn. Được thiên nhiên ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm; cùng với nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, Dao, ngày nay Bản Coốc đã và đang trở thành điểm đến ấn tượng cho nhiều du khác. Nơi đây có hệ thống giao thông thuận lợi, giáp khu dân cư lại nằm ngay dưới chân núi Tản Viên trên trục đường dẫn lên khu Di tích Đền Trung – chốn Linh thiêng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn – là một trong bốn vị Thánh bất tử trong tâm thức của người Việt Nam. Đây là vị Thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn và vĩnh viễn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai (lũ lụt) để bảo vệ cuộc sống chung.

Toàn cảnh chợ phiên Mường – Dao được tổ chức sáng Chủ nhật hàng tuần tại Bản Coốc – Minh Quang – Ba Vì

Ông Ngô Văn Tiếp – Giám đốc Công ty Cổ phần Trang Viên Sơn (Chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Bản Coốc) cho biết: Đây là dự án du lịch sinh thái đầu tiên ở khu vực sườn Tây núi Ba Vì, trong dự án có 6 hạng mục thành phần. Phiên chợ Mường Dao là 1 trong 6 hạng mục thành phần của Bản Coốc. Dự án Bản Coôc bám sát trục tâm linh từ Đền Hạ lên Đền Trung, gắn với vườn Quốc gia Ba Vì bằng hệ thống du lịch Suối Cái. Cái tên Bản Coốc được gắn với lịch sử xa xưa để lại, Coôc phiên âm tiếng mường là cooc nghĩa là gốc là nơi đầu tiên có sự sống của người Mường ở sườn tây núi Ba Vì với tham vọng khôi phục lại văn hóa Mường và Dao, đến nay Dự án đã triển khai được phần lớn các hạng mục. Phiên chợ Mường Dao vừa được khai trương và trong thời gian tới dự án sẽ thực hiện tiếp 3 hạng mục là khu công viên nước, khu vui chơi giải trí và khu tổ chức sự kiện, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.

Du khách được trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa của người Mường tại khu nhà sàn Bản Mường.

Đến với Khu du lịch sinh thái Bản Coốc, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở vùng núi Ba Vì. Đặc sắc nhất trong số đó phải kể đến phiên chợ Mường – Dao, nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa của bà con dân tộc ở các xã nơi đây. Phiên chợ này tập trung các mặt hàng nông sản do bà con tự canh tác, chăn nuôi được diễn ra trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật. Đến đây, du khách còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc như bánh sắn, bánh trứng kiến, rau sắn muối hay những cây dược liệu quý được trồng trên núi. Không quá ồn ào, náo nhiệt nhưng Phiên chợ vùng cao là nơi thể hiện bản sắc văn hóa trong đời sống hàng ngày của bà con dân tộc nơi đây.

Với những hiện vật quý được lưu giữ như Chiêng Mường, Mo Mường, tục thờ cúng của Người Mường và các hiện vật cổ trong đời sống của người Mường xưa. Khu nhà sàn của người Mường ở Bản Coốc được đánh giá là khu bảo tồn sống của văn hóa Mường với nhiều nét nguyên sơ và tinh tế như chính tâm hồn con người mảnh đất nơi đây. Nhà sàn gắn liền với phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ, đây cũng là điều thú vị nhất níu chân du khách thập phương khi đến với Bản Coốc. Du khách đến đây sẽ được khám phá bản sắc văn hóa Dân tộc Mường.

Nhà sàn nơi đây được làm ở thế dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận khí trời và thuận tiện cho việc săn bắn hái lượm. Nhà gồm có 3 tầng trong đó tầng trên cùng là để lương thực và đồ dùng gia đình, tầng giữa là nơi sinh hoạt chính nghỉ ngơi và tiếp khách, tầng dưới cùng trước đây thường được dùng để dụng cụ sản xuất và nuôi nhốt gia súc. Tại khu nhà sàn này du khách có thể tự đi chợ và trải nghiệm vào bếp nấu những món ăn từ núi rừng như măng rừng, rau rừng. Ở đây du khách sẽ được học cách chế biến những món ăn vô cùng lạ và hấp dẫn mang hương vị của ẩm thực núi rừng.

Đến với Bản Coốc, mỗi du khách sẽ được thưởng thức tiếng chiêng Mường và điệu múa truyền thống của những cô gái Mường.

Đến với Bản Coốc, mỗi du khách sẽ được đắm chìm trong tiếng chiêng Mường và điệu múa truyền thống của những cô gái Mường, đời thường họ là những nông dân chân lấm tay bùn, nhưng họ cũng là những người lưu giữ những bản sắc văn hóa của dân tộc mình qua những câu hát, điệu múa truyền thống. Người mường không có chữ viết nhưng văn hóa truyền miệng đã để lại hàng trăm tác phẩm văn học có giá trị như sử thi đẻ đất đẻ nước, các tác phẩm thơ, hát ru đa dạng, phong phú. Cùng với đó là hệ thống nhạc khí, nhạc không lời của dân tộc Mường rất đồ sộ và phong phú.

Khu làng Việt tại Bản Coốc tái hiện lại cuộc sống bình yên của vùng quê Bắc Bộ. 

Mong muốn có ngày cuối tuần thư giãn cùng gia đình, tận hưởng không khí mát mẻ của núi rừng thì tại bản Bản Coốc có đầy đủ dịch vụ Homestay cho du khách. Đến đây du khách được  tự hái rau, đi chợ và nấu ăn những món ăn dân dã, tự trồng rau tưới hoa như một gia đình nông thôn bình dị. 

Chị Phan Thùy Trang – ở Cầu Giấy Hà Nội cho biết: Tôi chọn Bản Coốc là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần vì nơi đây có không khí mát mẻ, trong lành, khu làng việt được thiết kế giống như một làng quê Bắc bộ xưa. Mặc dù là khu du lịch nhưng ở đây có một nét bình bị, không quá ồn ào như các khu du lịch khác. Không chỉ để nghỉ ngơi mà còn để các con tôi được trải nghiệm cuộc sống nông thôn và tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Rời cái làng Việt trìu mến, ghé qua khu Làng của đồng bào Dao du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp xanh mát của dòng Suối Cái hiền hòa và khu bảo tồn cây thuốc Nam của đồng bào Dao nơi đây. Nằm dưới dải núi Tản Viên hùng vĩ, có độ cao trung bình 100 m so với mực nước biển, những bậc thang đá ngoằn ngoèo né những khối đá núi chồng lên nhau san sát, các loại cây rừng mọc sừng sững hằng trăm năm tuổi với chi chít những loài cây thuốc thuốc được dân tộc dao bảo tồn bao năm nay. Với thảm thực vật phong phú, nơi đây không chỉ bảo tồn, lưu giữ hàng trăm loài cây thuốc quý và còn giữ được rất nhiều bài thuốc dân gian gia truyền của đồng bào Dao, có khả năng chữa bệnh rất hiệu nghiệm.

Ông Phùng Đắc Tâm – giám đốc Công ty Cổ phần bảo tồn và phát triển được liệu Tản Viên cho biết: Với niềm đam mê với cây thuốc quý của dân tộc, tôi đã cùng với ông Tiếp gây dựng nên vườn bảo tồn cây thuốc nam này, hiện nay chúng tôi đang lưu giữ khoảng 150 loài cây thuốc quý của đồng bào Dao và các dân tộc ở 63 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó có rất nhiều loại thuốc quý như: Đương Quy, Râu Hùm, Mẫu đơn hoa, Xạ Đen, Trà hoa vàng…bên cạnh mục đích bảo tồn chúng tôi cũng phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm của khách du lịch và hỗ trợ đồng bào Dao Ba Vì bảo tồn và lưu giữ nguồn dược liệu quý phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân.

Những loài cây thuốc quý được người dân và Ban quản lý cùng bảo tồn và gìn giữ.

Chia sẻ với Phóng viên Ông Nguyễn Tiến Tha – chủ tịch xã Minh Quang huyện Ba Vì cho biết: “Dự án Du lịch Bản Coôc, trong đó có phiên chợ Mường Dao là 1 trong 4 sản phẩm du lịch mới của Ba Vì, Chợ phiên Mường – Dao Ba Vì sẽ được tổ chức đều đặn vào dịp cuối tuần tại Khu du lịch sinh thái Bản Coốc, xã Minh Quang. Khi đến Ba Vì, ngoài thăm quan, chiêm bái tại các cụm di tích như Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, K9-Đá Chông, Đền thờ Bác Hồ… Du khách sẽ được tham gia các hoạt động trao đổi, mua bán sản phẩm đặc trưng của vùng núi Ba Vì, giao lưu văn hóa các dân tộc, trải nghiệm ẩm thực, bản sắc của đồng bào dân tộc Mường – Dao. Hưởng ứng chương trình kích cầu “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”. Trong năm 2021, huyện Ba Vì sẽ tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Chương trình khai trương du lịch Ba Vì năm 2021 với chủ đề “Ba Vì- Khám phá và trải nghiệm mới” sẽ diễn ra ngày 18/4/2021 tại khu du lịch Thiên Sơn – Suối Ngà. Lễ hội hoa Lan Ba Vì (từ tháng 5 – tháng 8), sản phẩm “Động băng tuyết” tại Khu du lịch Khoang Xanh – Suối Tiên, hoạt động “Khám phá núi Ba Vì – Hành trình ký ức di sản”… Hy vọng với những sản phẩm du lịch mới, điểm đến Ba Vì sẽ là nơi để du khách có thể thăm quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng”.

Không đơn thuẩn là nơi để nghỉ ngơi Bản Coốc còn là nơi để du khách trải nghiệm và cảm nhận rõ hơn về tình yêu, cuộc sống thậm chí là có cơ hội để nhìn lại mình. Với sự kết hợp giữa hiện đại và hoang sơ, khu Du lịch Bản Coốc đã tạo nên những trải nghiệm thú vị cho du khách, giúp chúng ta quên đi những ưu phiền,  bụi bặm ồn ào của Phố thị để thả hồn vào không gian xanh mát, sẽ thấy lòng tĩnh lại. Khung cảnh lãng mạn như tranh của Bản Coốc là chốn dừng chân lý tưởng dành cho bất cứ ai muốn tìm kiếm cảm giác bình yên.

Hậu Thạch