Khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023

BVR&MT – Ngày 3/8, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội và UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức Lễ khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố năm 2023.

Tuần hàng có quy mô hơn 50 gian của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia. Tại đây, người dân Thủ đô sẽ được thăm quan, thưởng thức, mua sắm hàng nghìn sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ như: Nhãn, bơ Sơn La, nông sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP…, sự kiện kéo dài đến hết 6/8/2023.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, sự kiện nhằm hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP của Hà Nội, các tỉnh, thành phố quảng bá, tư vấn, giới thiệu và bán hàng online, offline các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Tuần hàng còn hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm…

Khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023

Tuần hàng cũng nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Thủ đô có cơ hội tiêu dùng mua sắm các sản phẩm trên với chất lượng tốt, giá cả phù hợp…

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, để quảng bá sản phẩm, kết nối các sản phẩm OCOP, Hà Nội đã tổ chức các hội chợ, sự kiện không chỉ nhằm tôn vinh mà còn khuyến khích các chủ thể OCOP tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng giữ uy tín của sản phẩm OCOP khẳng định được thương hiệu tới người tiêu dùng.

Các chủ thể cần không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống của địa phương, mỗi sản phẩm OCOP đều kể câu chuyện riêng của mình.
Bên cạnh đó, cần xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì nhãn mác sản phẩm; Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

“Các chủ thể cần ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại trên nền tảng số, như: mở shop trên các sàn thương mại điện tử; xây dựng đội ngũ cộng tác viên; livestream bán hàng; tiếp thị liên kết. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước như Úc, Châu Âu, Nhật Bản…”, ông Nguyễn Văn Chí cho biết.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% của cả nước; trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, Thành phố công nhận 518 sản phẩm (1 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu Kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Sơn Tinh

Tags: ,
CHIA SẺ