Hữu Lũng – Lạng Sơn: Nỗ lực hồi sinh loài cây quý cho núi rừng quê hương

BVR&MT – Nhờ sự tâm huyết trong công tác bảo tồn và phát triển cây hoàng đàn Hữu Liên của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên (xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) và người dân trên địa bàn, đến nay, loài cây này đang phục hồi về số lượng cá thể.

Loài Hoàng đàn Hữu Liên (Cupressus tonkinensis) thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae) là một trong 10 loài Thông ưu tiên cho hoạt động bảo tồn tại Việt Nam. Đây là loài thực vật đặc hữu hẹp, hiếm, được xếp ở mức độ Rất nguy cấp (CR A1a, d – Crictically Endangered) trong Sách Đỏ Việt Nam; nhóm IA Thực vật rừng cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30 tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và được các nhà khoa học đề nghị xếp ở mức đang bị tuyệt chủng trầm trọng ngoài tự nhiên.

Hoàng đàn trong bầu tại vườn ươm. (Ảnh: Đơn vị cung cấp)

Ngoài giá trị khoa học, Hoàng đàn Hữu Liên có giá trị kinh tế đặc biệt. Gỗ có mùi thơm, thớ thẳng, vân đẹp, chịu mối mọt, được dùng để đóng đồ gỗ gia dụng, đặc biệt là đồ mỹ nghệ cao cấp như: tràng hạt đeo cổ, vòng tay, tạc tượng, đồ thờ cúng. Tinh dầu được dùng trong kỹ nghệ hương liệu, chế xà phòng, nước hoa… Các bộ phận của cây cũng là nguồn dược liệu quý chữa trị nhiều bệnh trong y học cổ truyền. Ngoài ra, Hoàng đàn Hữu Liên được trồng làm cây cảnh và rất được ưa chuộng.

Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, những người cao tuổi ở xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng kể lại, loài Hoàng đàn đã từng mọc thành rừng trên những đỉnh núi đá vôi của dãy núi Cai Kinh thuộc huyện Hữu Lũng. Chúng có thể cao đến 40m và đường kính gốc lên đến 1-2m. Tuy nhiên, những năm gần đây cùng với sức ép của gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, diện tích rừng tự nhiên đang đần thu hẹp, đa dạng sinh học suy giảm và đang trên đà không thể phục hồi được. Và cũng chung số phận với những loài thực vật quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao khác, loài Hoàng đàn cũng bị khai thác cạn kiệt và đẩy tới bờ vực tuyệt chủng.

Nhận thấy được tầm quan trọng và giá trị đặc biệt đối với đa dạng sinh học vùng núi đá vôi của rừng đặc dụng Hữu Liên, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã có những hướng đi mới trong công tác bảo tồn, và đã đạt được những thành công nhất định. Bắt đầu từ những năm 2013 “Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế” thuộc đơn vị đã bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về những đặc điểm mà chỉ ở loài Hoàng Đàn sống trên đỉnh núi đá vôi mới có.

Hoàng đàn được trồng trong vườn thử nghiệm. (Ảnh: Đơn vị cung cấp)

Bằng cái tâm của những người gắn với nghiệp rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã đề ra mục tiêu bằng mọi cách phải nhân giống để giữ lấy loài gỗ quý này. Quyết tâm là vậy, nhưng khi thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại: Cơ sở dữ liệu chuyên sâu về loài này rất ít; người dân địa phương thường lấy cây con ngoài tự nhiên về trồng chứ không tự nhân giống nên kiến thức bản địa về nhân giống và tái sinh rất hạn chế; đặc biệt số lượng cây Hoàng đàn còn lại rất ít gây nhiều khó khăn trong công tác chọn tạo giống; không có nguồn kinh phí hỗ trợ công tác nghiên cứu… Vì vậy, hầu như cán bộ đơn vị phải bắt đầu từ đầu, tự nghiên cứu, mày mò để thực hiện nhiệm vụ.

Từ năm 2013 đến nay, BQL rừng đặc dụng Hữu Liên đã tập trung nghiên cứu, thử nghiệm nhiều phương pháp nhân giống. Các phương pháp gieo hạt, giâm hom, chiết cành… đều được đưa ra thử nghiệm. Mỗi phương pháp đều có lợi điểm riêng, song đơn vị nhận định phương pháp gieo hạt là phù hợp nhất, giúp cây con có khả năng thích ứng với điều kiện ngoại cảnh, tạo cơ sở cho công tác lai tạo sau này. Do đó, BQL đã triển khai áp dụng theo phương pháp này.

Sau 5 năm triển khai, phương pháp nhân giống và quy trình trồng, chăm sóc được thống nhất và triển khai tới một số đơn vị trường học, hộ dân trên địa bàn xã tự trồng và tiếp tục nhân rộng. Đến nay, toàn xã đã trồng được gần 700 cây, trong đó, tại khuôn viên BQL rừng đặc dụng Hữu Liên trồng được 450 cây; tại các hộ dân và trường học trên địa bàn trồng gần 250 cây. Các cây đều khoẻ mạnh, phát triển tốt và đồng đều.

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cùng người dân địa phương vẫn đang nỗ lực hồi sinh để nhân rộng loài cây hoàng đàn quý hiếm cho các thế hệ mai sau. (Ảnh: Đơn vị cung cấp)

Để tiếp tục bảo tồn và phát triển bền vững loài cây hoàng đàn quý hiếm, trao đổi cùng Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Phạm Văn Cấp, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Về cơ bản, chúng tôi đã thực hiện được mục tiêu bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cho loài cây quý hiếm này. Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục nuôi trồng thêm hơn 500 cây hoàng đàn trong khuôn viên của BQL. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học để tìm hiểu thêm những lợi ích khác từ loài cây hoàng đàn Hữu Liên. Từ đó, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn triển khai trồng nhân rộng, phát triển loài cây này theo hướng bền vững, lâu dài và hướng đến các giá trị gia tăng từ việc khai thác, tạo sản phẩm phục vụ cho du lịch, y học…

Nhờ định hướng và cách làm đúng đắn, hiệu quả, loài cây hoàng đàn Hữu Liên tưởng như tuyệt chủng, nay đã được hồi sinh và bước đầu tạo ra giá trị kinh tế. Việc tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp để hướng tới phát triển bền vững loài cây này đang tiếp tục được các cấp, ngành của tỉnh và địa phương quan tâm, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường.

Hậu Thạch