Giảm nghèo giai đoạn mới: Cần giảm hỗ trợ trực tiếp, tăng cho vay từ ngân hàng

BVR&MT – Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được phân công thực hiện 2 tiêu chí là: Giúp hộ nghèo về phát triển sản xuất sinh kế để tăng thu nhập, tiếp cận nước sạch và vệ sinh.

giảm nghèo
Đã có hơn 300.000 lượt hộ nhận khoán rừng với thu nhập bình quân 3,1 triệu đồng/1 hộ.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 ngày 11/12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết để hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế cho hộ nghèo, Bộ NN&PTNT đã ban hành cơ chế chính sách và chỉ đạo thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020; thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

Bộ NN&PTNT đã rà soát, tích hợp, bãi bỏ những văn bản chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo không còn phù hợp, tạo tính thống nhất trong chính sách và tổ chức thực hiện, nhất là về đối tượng hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, cơ chế thực hiện (hỗ trợ theo dự án, hỗ trợ có điều kiện, lồng ghép các nguồn vốn…).

Ở những địa bàn khó khăn hơn, bổ sung các hoạt động hỗ trợ như huyện nghèo có thêm khoán chăm sóc bảo vệ rừng, tiêm phòng gia súc; xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số có thêm hỗ trợ tạo đất sản xuất…

Cùng với đó đã phân cấp trao quyền cho cấp cơ sở thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất (phê duyệt định mức hỗ trợ, cây con giống hỗ trợ) và xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng. Về bảo vệ phát triển rừng gắn với giảm nghèo, đã bố trí 617,448 tỷ đồng để bảo vệ cho khoảng 2,1 triệu ha rừng, cho 311.448 lượt hộ nhận khoán rừng, thu nhập bình quân 3,1 triệu đồng/1 hộ.

Về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2016-2020, đã thực hiện chính sách nước sạch nông thôn là cung cấp đủ nước sinh hợp vệ sinh cho người dân (kết quả 86% năm 2016 lên 88,5% năm 2018 và dự kiến đến năm 2020 đạt 90% cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh) vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.

Đặc biệt, việc hỗ trợ hộ nghèo đã dần chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, gắn hỗ trợ với vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Giai đoạn 2016-2019 (tổng hợp từ 41 tỉnh), đã triển khai 13.513 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, có trên 1.502.000 lượt hộ được hỗ trợ. Các dự án tập trung hỗ trợ giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật cho hộ nghèo. Sau khi tham gia dự án phát triển sản xuất, nhiều hộ có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Mặc dù có được kết quả nêu trên, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, hộ nghèo còn khó khăn về vốn, kiến thức làm ăn. Nhiều huyện nghèo, xã nghèo, vùng miền núi dân tộc thiểu số vẫn có những khó khăn như địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng còn bất cập, thiếu đồng bộ, vào mùa mưa thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo giai đoạn tới (2021-2025) cần kế thừa những thành tựu, ưu điểm của giai đoạn 2016-2020, khắc phục những hạn chế, bổ sung cơ chế chính sách mới theo hướng giảm hỗ trợ trực tiếp chuyển sang cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tăng cường hỗ trợ tập huấn, tư vấn kỹ thuật. Theo đó, dự kiến ngân sách hỗ trợ khoảng 50%, vay tín dụng 40%, người dân đóng góp 10%.

“Cần tiếp tục thực hiện mạnh hơn nữa về phân cấp cho địa phương. Trung ương xây dựng chính sách khung, còn lại giao địa phương quyết định danh mục hỗ trợ, nội dung, định mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Riêng về chính sách bảo vệ và phát triển rừng và về nước sạch vệ sinh, Bộ NN&PTNT cũng có những đề xuất cụ thể hơn.

Về chính sách bảo vệ và phát triển rừng: Bộ đang triển khai xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp để triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017 theo hướng nâng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phù hợp với tình hình mới, để đảm bảo thu nhập của người bảo vệ, chăm sóc rừng.

Về nước sạch về vệ sinh, theo nhìn nhận của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, hộ nghèo ở nông thôn tiếp cận nước sạch còn có nhiều khó khăn, do đó giải pháp để tăng cơ hội tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho người nghèo, hộ nghèo là: Thúc đẩy áp dụng các mô hình cấp nước, nhà vệ sinh phù hợp với điều kiện nguồn nước và ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, nhất là các công trình cấp nước và vệ sinh quy mô hộ gia đình; tăng thêm nguồn vốn và nâng mức cho vay ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội cho cấp nước và vệ sinh nông thôn; đổi mới công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp trong việc sử dụng nước, bảo vệ nguồn nước, tích cực tham gia đầu tư công trình cấp nước, đảm bảo vệ sinh môi trường; ưu tiên đầu tư nước sạch cho các vùng sâu, vùng xa; vùng bị nhiễm mặn; vùng thường xuyên hạn hán và lũ lụt; khó khăn về nguồn nước và bị ô nhiễm, chú trọng tới các đối tượng chính sách, xã nghèo…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 để tránh chồng lấn, lồng ghép khi thực các chương trình, thực hiện hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất có hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.