Độc đáo nghề làm nón lá của đồng bào Nùng

BVR&MT – Chiếc nón lá do đôi bàn tay của những người thợ  dân tộc Nùng làm ra hàng ngày vẫn đến những phiên chợ, bầu bạn với người dân vùng núi cao, giúp che mưa, nắng và hiện hữu như là một minh chứng cụ thể cho nét độc đáo của đất và người nơi vùng núi cao.

Khung nón được đan bằng tre và có hai lớp khung, một lớp ngoài và một lớp trong.

Nón lá của dân tộc Nùng có sự khác biệt, nét riêng độc đáo khác với các dân tộc khác. Không chỉ khác về hình thức mà còn khác về nguyên liệu và cách làm. Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian. Nguyên liệu để làm nón gồm: tre, mai, nứa, lá mai, lá chuối…

Đầu tiên là chẻ nan, chẻ mỏng hay dày phụ thuộc vào độ khéo léo của người thợ. Khâu này khá quan trọng bởi nó quyết định đến chất lượng cũng như độ bền của chiếc nón. Tiếp theo là làm khung. Khung nón được đan bằng tre và có hai lớp khung, một lớp ngoài và một lớp trong. Lớp bên ngoài được người thợ đan rất cẩn thận, không để lộ một mấu nối nào ra ngoài. Sau đó là công đoạn trải đều 2 lớp lá mai, 1 lớp lá chuối bên trong, ép chặt rồi cố định lớp khung thứ hai lên cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt.

Lá mai, lá chuối sau khi lấy về được bó thành từng bó nhỏ rồi xếp trên gác bếp để hong khô cho đến khi lá ngả màu nâu, không còn giữ nước và có độ dai nhất định. Những chiếc nón lá sau khi được hoàn thành công đoạn cuối cùng cũng tiếp tục được hong khô trên gác bếp giúp cho chiếc nón không bị mối mọt, có độ bền lâu, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước. Cũng chính vì sự cẩn thận, tỉ mỉ, kỳ công như vậy mà chiếc nón lá dân tộc Nùng ngày càng ít người biết làm, chỉ có các cụ cao tuổi vẫn tranh thủ lúc rảnh rỗi lại cùng nhau ngồi đan nón.

Có lẽ chính vì sự cẩn thận tỉ mỉ, kỳ công như vậy mà chiếc nón lá của dân tộc Nùng được đánh giá là sản phẩm thủ công độc đáo, thể hiện bàn tay tài hoa, trình độ thẩm mỹ của nghệ nhân. Và mặc dù  không còn được phát triển như trước nhưng với mong muốn gìn giữ nét văn hóa của dân tộc nên nghề làm nón lá vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn.

Nón lá cần thường xuyên sử dụng hoặc hong nắng để giữ được độ bền lâu.

Nón lá của người Nùng từ lâu đã trở thành một sản phẩm được nhiều du khách tìm mua làm kỷ niệm. Khi tham quan, du lịch tới những bản làng có nghề làm nón, du khách cũng được tìm hiểu, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo này và hòa vào đời sống của bà con dân tộc, từ đó thêm yêu mến văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hậu Thạch