BVR&MT – Việt Nam sẽ ra sao nếu không có ĐBSCL?
Thật khó để mường tượng một thực tế như vậy nhưng điều này hoàn toàn có thể sẽ xảy ra dầu rằng phải rất lâu nữa.
Theo số liệu của chính phủ, ĐBSCL là vùng nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam, sản xuất 50% gạo (phần lớn để xuất khẩu), 65% sản phẩm thủy sản và 70% trái cây. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 20 triệu người.
Được sông Mê Kông bồi đắp, ĐBSCL là một trong những hệ thống tự nhiên tuyệt vời của thế giới. Trong 6.000 năm qua, trầm tích do dòng sông mang theo đã tạo nên vùng đồng bằng này với tốc độ tiến ra biển trung bình 16m/năm. Vùng được gọi là Cửu Long hay Chín rồng do chín phân lưu của sông mẹ chảy qua.
Sông Mê Kông nuôi nấng đồng bằng cho đến ngày nay nhưng các quá trình tự nhiên mong manh của mối quan hệ này đã bị phá vỡ, và sự sống còn của Cửu Long đang bị đe dọa.
Đối với bất kỳ ai chú ý đến tin tức Đông Nam Á thì điều này không hề gây sốc nhưng các mối đe dọa nghiêm trọng nhất lại không được chú ý nhất. Các đập thượng nguồn và biến đổi khí hậu thường được miêu tả là hai sát thủ với vùng đồng bằng, do các con đập giữ lại trầm tích và nước trong khi biển lấn sâu hơn vào đồng bằng hàng năm. Những vấn đề này rất thực tế nhưng tình hình có mối liên hệ chặt chẽ hơn nhiều và phần lớn nguy hiểm đến từ nội tại Việt Nam.
Hơn cả những con đập
“Mạng lưới các vấn đề phức tạp có thể được phân loại thành ba nhóm. Thông thường người ta không chỉ nghi ngờ cho biến đổi khí hậu mà còn cả thủy điện thượng nguồn và các sai lầm từ phát triển nội bộ”, nhà sinh thái học độc lập Nguyễn Hữu Thiện, người gắn bó cả cuộc đời với những nghiên cứu về vùng đồng bằng cho biết.
Mực nước biển dâng – điều thường được gán cho biến đổi khí hậu trong mối quan hệ với đồng bằng – đang diễn ra nhưng chậm.
“Ngay bây giờ, nước biển chỉ dâng có 3mm mỗi năm – một quá trình từ từ. Điều đó có xảy ra nhưng rất nhiều người đưa ra kịch bản xấu nhất và quên nói với công chúng rằng thời gian xảy ra là tận cuối thế kỷ này”.
Sụt lún đang xảy ra với tốc độ nhanh hơn nhiều, trong một số trường hợp là cả cm mỗi năm, và điều đó bắt nguồn từ các “sai lầm phát triển nội bộ” đã đề cập ở trên.
“Chúng tôi đang lún xuống vì sử dụng rất nhiều nước ngầm, điều trớ trêu là mặc dù đang sống ở một trong những lưu vực sông lớn nhất trên hành tinh – nơi có rất nhiều nước ngọt – thì nước mặt không thể được sử dụng [do ô nhiễm], vì vậy chúng tôi hút nước từ dưới lòng đất lên để dùng”. Cộng thêm khai thác cát, khai thác nước ngầm gây ra tác động tàn phá.
“Hiện tại, có hai nguồn tài nguyên thiên nhiên chính đang bị khai thác quá mức ở đồng bằng là cát và nước ngầm. Hai loại hàng hóa rất cơ bản này có ở khắp mọi nơi quanh bạn, vì vậy người ta không thực sự coi trọng, nhưng sau rốt thì chúng rất có giá trị, nếu bạn tiêu thụ quá mức, bạn sẽ gặp rất nhiều vấn đề, và đó là những nhân tố đang thúc đẩy các thay đổi môi trường lớn nhất ở ĐBSCL”, nhà địa lý vật lý thuộc Viện nghiên cứu Đồng bằng, Đại học Utrecht ở Hà Lan Philip Minderhoud, người đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng về khu vực, chỉ rõ.
Minderhoud nhận thức rõ về các mối đe dọa lâu dài từ biến đổi khí hậu, ngoài mực nước biển dâng thì còn cả các hình thái nhiệt độ và lượng mưa bất thường nhưng ông không coi đây là vấn đề cấp bách nhất phải đối mặt.
“Chúng tôi ước tính tối đa 10% xâm nhập mặn đang diễn ra là do biến đổi khí hậu trong khi 90% là do tác động của con người gây ra cho hệ thống, và phần lớn trong số đó do chính người ở vùng đồng bằng này”.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, trước mắt cần quan tâm tới sụt lún hơn là nước biển dâng cao: “Nguyên nhân sâu xa là chúng ta đang làm ô nhiễm các dòng sông và kênh rạch do thâm canh nông nghiệp, tệ hơn nữa là các kênh rạch đã mất khả năng tự thanh lọc do chúng ta đã đi theo chính sách ưu tiên cho lúa gạo”.
Vấn đề lúa gạo
Gạo là nền tảng của nhiều món ăn Việt Nam nhưng phương pháp sản xuất lương thực hiện nay đã tàn phá các hệ thống tự nhiên của ĐBSCL.
Cho đến đầu những năm 1980, nông dân trồng lúa ở đây thu hoạch một vụ mỗi năm, đưa Việt Nam thoát khỏi nạn đói sau chiến tranh. Tuy nhiên, điều này đã đi quá xa.
“Năm 1989, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo. Chúng tôi cho rằng điều đó thật tuyệt. Bắt đầu thu được ngoại tệ nên chúng tôi tiếp tục tăng diện tích lúa, và một khi không còn đất, chúng tôi chuyển sang canh tác thâm canh nhiều loại cây trồng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.
Nông dân giàu lên và Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất lúa gạo nhiều nhất thế giới nhưng lũ lụt tự nhiên của sông Mê Kông đã bị xóa bỏ do hiệu ứng kết hợp giữa các dự án phát triển thượng nguồn và các dự án thủy lợi, chống ngập lụt ở Việt Nam.
“Vùng rốn lũ để hấp thụ nước lũ nhưng chúng tôi không cho phép nước lũ vào đồng bằng, vì vậy nước chảy ra đại dương. Vào mùa khô, khi sông Mê Kông yếu hơn, chúng tôi không còn dòng chảy bổ sung từ đất, vì vậy xâm nhập mặn vào sâu hơn”.
Mặc dù không gây xáo trộn rõ rệt như các đập thủy điện lớn, biển vẫn lừ lừ lấn vào đồng bằng là mối đe dọa hiện hữu đối với chính người nông dân đang hưởng lợi từ sản xuất lúa gạo.
Tháng 2 năm nay, hồ chứa nước ngọt lớn nhất ĐBSCL ở tỉnh Bến Tre bị nhiễm nước mặn, ảnh hưởng đến hơn 200.000 người lấy nước từ hồ. Cùng thời điểm đó, ở Cần Thơ – cách biển gần 100 km – đã phát hiện độ mặn cao ở sông Hậu và các kênh rạch gần đó, đe dọa hàng ngàn héc-ta lúa, hoa và rau màu. Đầu tháng 3, người dân Bến Tre, những người chưa bao giờ đối diện với xâm nhập mặn trước khi bắt đầu nhận thấy vị muối trong nguồn cung cấp nước phải mua nước chở từ nơi khác đến với giá cao.
Độ mặn leo thang tạo ra một vòng luẩn quẩn cùng với sụt lún đất: mặt đất lún càng nhanh, nước mặn càng ngược dòng vào trong đất liền nhanh hơn.
Khai thác cát và nước
Phương pháp truyền thống để đối phó xâm nhập mặn là cơ sở hạ tầng nhưng cách này cũng có vấn đề riêng. “Chúng tôi bảo vệ bờ biển bằng đê và cống ngăn triều nên kênh rạch nội địa cũng vì thế mà chảy chậm hoặc dừng lại, không có oxy trong khi nước phải gánh rất nhiều hóa chất mà không thể xử lý. Vì vậy, nước mặt trở nên không thể uống được buộc chúng tôi sử dụng nước ngầm. Chúng tôi đang lún xuống nhưng chúng tôi đổ lỗi cho mực nước biển dâng”, ông Thiện giải thích.
Cũng theo ông Thiện, khai thác cát gây ra sạt lở khiến nhiều ngôi nhà sụp xuống sông và tạo điều kiện cho nước mặn ngược dòng vào đất liền, thậm chí thảm họa này đang leo thang và đe dọa đến cả Campuchia. Các con đập cũng ảnh hưởng đến hiện tượng này vì chúng giữ lại trầm tích bổ sung cho các lòng sông bị khai thác cát cào phẳng.
Về mặt lý thuyết, khai thác cát và khai thác nước ngầm có thể chấm dứt hoặc ít nhất là làm chậm lại bằng các chế tài và thực thi mạnh mẽ, nhưng bước đầu tiên là nhận định vấn đề.
“Triển vọng kinh tế là lớn bởi hiện giờ, cát và nước đều miễn phí. Khai thác những thứ miễn phí để kiếm tiền là mô hình kinh doanh tuyệt vời”, theo Minderhoud.
Một bài báo công bố trên Tạp chí Nature vào năm ngoái cho biết ĐBSCL thực sự thấp hơn nhiều giả định trước đây với độ cao trung bình khoảng 0,8 mét so với mực nước biển thay vì con số thường được chấp nhận là khoảng 2,6 mét.
Trong khi đó, khối lượng khai thác cát hiện nay gần bằng lượng trầm tích sông Mê Kông vận chuyển đến đồng bằng hàng năm ở thời điểm trước khi các đập được xây dựng trên sông.
Liệu đã quá muộn?
Trong khi phần lớn những vấn đề trên là vô cùng đáng lo ngại thì thiên nhiên luôn có khả năng phục hồi cao và sự cân bằng tự nhiên của ĐBSCL chỉ là một chớp mắt trong các thời kỳ địa chất. Chính xác là 15 năm.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chỉ rõ: “Trước năm 2005, trong hàng ngàn năm, vùng đồng bằng được xây dựng từ trầm tích lắng đọng. Trước đây, chúng tôi có cả bồi tụ và xói mòn trầm tích nhưng bồi tụ luôn chiếm ưu thế. Bắt đầu từ 2005, chúng tôi bắt đầu thấy sự bồi tụ tiêu cực và cân bằng đã thay đổi. Với tốc độ này, tôi nghĩ đồng bằng có thể biến mất hoàn toàn về mặt vật lý trên bản đồ trong vòng 200 năm”.
Đó là một chặng đường dài, tuy nhiên, có thể thực hiện các bước để tránh khỏi rủi ro đó.
“Điều này đòi hỏi những cách thức quản lý nước và trầm tích bền vững ở ĐBSCL. Nước luôn có sẵn, có thể không phải trong suốt cả năm vì hạn hán và xâm nhập mặn nhưng vấn đề là quản lý nước. Cố gắng giữ nước ngọt vào mùa mưa, và sau đó sử dụng trong mùa khô”, theo Minderhoud.
Chính phủ Việt Nam nhận thức được mối nguy hiểm khu vực rất quan trọng này phải đối mặt. Ngày 17/11/2017, Việt Nam ban hành Nghị quyết 120 “về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với khí hậu”.
Nghị quyết đưa ra các mục tiêu cho năm 2050 và 2100, và được các chuyên gia tán đồng.
“Nghị quyết đặt ra định hướng chiến lược khôn ngoan cho việc chuyển đổi ĐBSCL mặc dù điều đó chỉ có thể giải quyết các vấn đề phát triển nội bộ. Tinh thần chính của nghị quyết là chuyển đổi nông nghiệp từ tập trung vào sản xuất sang tập trung vào chất lượng, điều này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề”.
Ví dụ giảm số vụ lúa hàng năm, vùng ngập lũ tự nhiên sẽ bắt đầu cải tạo. “Điều này sẽ làm tăng khả năng phục hồi của đồng bằng trước xâm nhập mặn trong mùa khô bởi khi tạm thời trữ nước lũ trong vùng ngập, chúng ta có dòng chảy bổ sung và điều đó sẽ làm cho các công trình chống mặn dọc theo bờ biển trở thành lỗi thời”.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 120 sẽ khó khăn do có nhiều bên liên quan cùng tham gia. “Thủ tướng đã phân công cho Bộ Tài nguyên và Môi trường điều phối các bộ khác ngành tham gia vào Nghị quyết 120”, theo ông Nguyễn Hồng Quân, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu.
“Tuy nhiên, một trong những phần quan trọng nhất của kế hoạch này là quy hoạch tổng hợp ĐBSCL hiện do Bộ Đầu tư và Kế hoạch lĩnh xướng. Rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một bên liên quan lớn khác”.
Các bộ này ra quyết định ở cấp trung ương, nghĩa là không phải lúc nào cũng phù hợp với bối cảnh: “Chính quyền địa phương nên có nhiều quyền hơn và linh hoạt hơn để thích ứng với quy hoạch sử dụng đất phù hợp với điều kiện địa phương và mong muốn của nông dân. Sẽ khó khăn nếu họ phải chuyển yêu cầu từ chính quyền trung ương xuống các hộ”.
“Không có một giải pháp nào vạn năng. Các loại cây trồng sử dụng ít nước, tưới tiêu hiệu quả hơn, có thể là cây trồng chịu mặn, tất cả các biện pháp này thường phù hợp với địa phương nhưng phải được thiết kế riêng cho từng địa điểm ở ĐBSCL”, Minderhoud đồng tình.
Những con đập
Treo lơ lửng trên tất cả, như những lưỡi dao cắt rời Cửu Long, là các con đập thượng nguồn – một vấn đề Việt Nam không kiểm soát được.
Được các nhà phát triển viện cớ là cách cung cấp năng lượng cho một trong những khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, các con đập trở thành động cơ phát triển được ưa chuộng, đặc biệt là ở Lào. Hiệu ứng hạ nguồn thể hiện rõ nhất ở ĐBSCL – nơi chịu tác động tích lũy của từng con đập.
“Tác động từ việc giữ lại trầm tích và cát và sau đó gây xói mòn ở ĐBSCL là vĩnh viễn, nghiêm trọng, không thể đảo ngược. Trầm tích mịn không chỉ là nguyên liệu xây đắp vùng đồng bằng trong hơn 6.000 năm qua mà còn là nguồn phân bón tự nhiên cho các hệ thống nông nghiệp và thủy sản, đặc biệt là nghề cá ven biển phụ thuộc vào chất dinh dưỡng đi liền với trầm tích”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện phân tích.
Trong khi đất đai đồng bằng châu thổ sản xuất ra phần lớn sản lượng của nhiều loại cây trồng quan trọng, vùng ngoài khơi cũng là nền tảng cho nghề cá. Theo ông Thiện, 700 km bờ biển của ĐBSCL chiếm 50% sản lượng đánh bắt cá hàng năm của Việt Nam.
“Nếu trong tương lai tất cả các đập sông Mê Kông đã lên kế hoạch được xây dựng, 96% trầm tích sẽ bị giữ lại, trong khi 50% đã bị mắc kẹt chuỗi đập ở Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, nước ven biển sẽ trong suốt, hiện tại thì nước cách bờ 30 km vẫn đục phù sa”.
Trầm tích xuống hạ nguồn cũng chống lại sụt lún do khai thác cát nhưng sự cân bằng này đã lệch về một bên, và sẽ sụp đổ khi nhiều đập hơn được xây dựng.
Ngoài ra, mất trầm tích sẽ không chỉ làm cạn kiệt dinh dưỡng cho sinh vật biển mà còn khiến đồng bằng châu thổ phơi mình trước nguy cơ bão và sóng, vì dòng nước chứa đầy trầm tích nặng hơn nước biển và hấp thụ năng lượng sóng.
Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson cho rằng cần có một mô hình mới để giải quyết các mối đe dọa cực đoan sông Mê Kông đang phải đối mặt.
“Các cuộc thảo luận điển hình thường tập trung vào đập ngăn chặn cá, trầm tích và dòng nước”, theo Eyler. Tuy nhiên, điều này chưa phản ánh hết những diễn biến sinh động đang xảy ra trong phạm vi đồng bằng bao gồm: thứ nhất là đập ngăn chặn dòng cá; thứ hai là biến đổi khí hậu – thứ vượt lên trên cả dòng sông nên chúng ta phải nghĩ về những gì đang xảy ra với dòng nước và tác động thế nào đến các kiểu thời tiết và tình trạng kéo dài mùa khô; thứ ba là khai thác gồm đánh bắt cá bất hợp pháp, khai thác cát và nước ngầm; thứ tư là sử dụng đất tức là các biện pháp canh tác cũng như quy hoạch đô thị.
Mỗi yếu tố ngoại trừ các con đập đều có thể được giải quyết trong phạm vi Việt Nam nhưng đây cũng là những vấn đề xuyên quốc gia. Các đoạn sông ở thượng nguồn đã phải đối mặt với những tình huống đặc biệt thảm khốc trong những tháng gần đây như dòng nước trong xanh ở Thái Lan biểu thị một dòng sông không khỏe mạnh.
Eyler nói: “Hệ thống này thực sự phức tạp cho dù chúng ta đang ở thời điểm không thể quay lại khi các quá trình sinh thái của dòng sông không thể tự chữa lành, chúng ta sẽ phải đợi đến sang năm để xem kết quả vì khi đó sẽ có nhiều nghiên cứu hoàn thành. Nhưng những gì chúng ta biết là đối với mỗi con đập mọc lên, không chỉ trên dòng chính mà cả các dòng nhánh Mê Kông thì tất cả đều gây ra tác động gia tăng đối với ĐBSCL”.
Tin tốt là việc xây dựng các con đập trên sông Mê Kông khá chậm, có lẽ một phần nhờ vào Ủy hội sông Mê Kông (MRC).
“MRC không có quyền phủ quyết, và dựa trên sự đồng thuận. Nhưng những gì chúng ta có thể nói về MRC là các thảo luận về xây đập dòng chính bắt đầu ở hạ nguồn sông Mê Kông [bao gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam] vào giữa những năm 1990, giờ là năm 2020 và chỉ có hai đập đã hoàn thành trong số 11 đập được lên kế hoạch”, Eyler chỉ ra.
Trong khi đó, hơn 60 đập đã được xây dựng trên các dòng nhánh ở Lào và lạ là Việt Nam (thông qua Tổng công ty Điện lực Dầu khí) cũng liên quan đến đề xuất xây dựng đập Luang Prabang. Đây sẽ con đập là thứ ba trên sông Mê Kông bên ngoài Trung Quốc.
Eyler cũng khuyến nghị Việt Nam lấy hạn hán hiện tại để tạo ra các thỏa thuận cấp khu vực nhằm giảm bớt thiệt hại trong tương lai.
“Việt Nam cần nhận ra rằng luật chơi có thể thay đổi với một cuộc khủng hoảng như thế này, và Việt Nam nên sử dụng thời kỳ khủng hoảng để xúc tiến một số chính sách thông minh. Các con đập ở Trung Quốc và Lào đang giữ rất nhiều nước; chỉ riêng các đập chính dòng ở Trung Quốc giữ lại 47 tỷ mét khối nước – vốn có thể sử dụng để giảm hạn hán ở hạ nguồn”.
Trung Quốc gần đây tuyên bố sẽ xả một phần nước để giúp các nước hạ nguồn, mặc dù Việt Nam có được hưởng lợi từ việc này không thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Trung Quốc từng xả nước nhưng là tùy theo từng trường hợp.
“Cần có cơ chế tự động cho các quốc gia trên sông Mê Kông (bao gồm cả Trung Quốc) để đưa dòng sông trở lại chế độ dòng chảy bình thường trong mùa khô và những con đập có thể thực hiện điều đó. Việt Nam, Thái Lan và Campuchia – tất cả đang gánh chịu hạn hán – cần hợp tác với nhau để đàm phán một số quy tắc mới với Trung Quốc”, theo Eyler.
Chắc chắn không có gì dễ dàng bởi ngay cả việc phối hợp thực hiện chính sách trên 12 tỉnh ĐBSCL đã không dễ dàng chứ đừng nói đến nhiều quốc gia vốn có những mục tiêu khác nhau.
Tạm gạt qua vấn đề về những con đập, người dân Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện một số giải pháp như đã thảo luận ở trên để có thể đưa đồng bằng trở lại như xưa, góp phần xây nền đắp móng cho châu thổ trước nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
“Đã gấp lắm rồi, tuy nhiên, các giải pháp cũng vẫn chỉ là một lựa chọn. Đó có thể là một chiến lược… để khai thác tài nguyên một cách có chủ ý… và đó có thể chỉ là những phân tích chi phí lợi ích để bạn quyết định xem có đáng để thực hiện các giải pháp đó không. Điều nào cũng tốt cả, nhưng quan trọng nhất là bạn cần nhận ra những thay đổi này đang diễn tiến và được thúc đẩy chủ yếu bởi các hoạt động của con người ngày nay. Vì vậy, tùy chúng ta được phép lựa chọn tiếp tục hay không nhưng ít nhất bạn biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai thay vì bất ngờ với một thảm họa ập đến mà bạn không lường trước được”, Minderhoud kết luận.
Nhật Anh (Theo Saigoneer)