BVR&MT – Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 60.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí. Ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực đến từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhưng tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố, đô thị lớn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội, nhất là sức khỏe của người dân tại khu vực này.
Những ngày đầu tháng 10/2024, mức độ ô nhiễm không khí của thành phố Hà Nội liên tục gia tăng, nhất là khi có sự kết hợp với gió Đông Bắc, sương mù khiến độ ẩm cao, chất lượng không khí tại nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô ở mức có hại cho sức khỏe người dân.
Cụ thể, từ ngày 4 đến 7/10, mức độ nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 16 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của WHO; nồng độ bụi mịn PM10 cũng đạt mức cao nhất, là 119,5 µg/m3. Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí Pam Air (kênh thông tin tham khảo chất lượng không khí), vào lúc 8 giờ, một số điểm tại Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí có hại cho sức khỏe như Chùa Láng, Thành Công (quận Đống Đa), Kim Mã, Đội Cấn (quận Ba Đình)… chỉ số ô nhiễm không khí tại các điểm này thấp nhất là 160, cao nhất 183 có hại cho sức khỏe. Cùng thời điểm này, chỉ số ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh là 147. Với các chỉ số nêu trên, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tốp những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới (xếp hạng theo dữ liệu của trang IQAir).
Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, không khí tại các đô thị lớn và một số đô thị phát triển công nghiệp ở nước ta tiếp tục ghi nhận bị ô nhiễm nặng ở một số thời điểm trong năm, trong đó ô nhiễm bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất. Nồng độ thông số bụi PM2.5, PM10 và nồng độ lơ lửng (TSP) tại một số khu vực ở ngưỡng cao, nhất là các trục giao thông, tuyến đường chính hoặc khu vực khu công nghiệp ở các đô thị lớn. Ngoài ra, nồng độ TSP tại nhiều điểm quan trắc chung quanh các khu công nghiệp vượt ngưỡng quy định, thậm chí vượt gấp nhiều lần giới hạn trung bình 24 giờ và trung bình năm của QCVN 05:2013/BTNMT.
Nồng độ TSP, bụi PM2.5, PM10 chung quanh các khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc cao hơn so với tại miền trung và nam, do đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghiệp, nhiên liệu, vị trí của các khu vực khác nhau. Tại khu vực làng nghề, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao, nhất là tại các làng nghề tái chế kim loại, nhựa, vật liệu xây dựng.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu là do công nghệ sản xuất ở nước ta chưa hiện đại, hiệu suất sử dụng năng lượng, tài nguyên chưa cao; hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với tốc độ phát triển đô thị, nhất là sự gia tăng các phương tiện giao thông vận tải, nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ đã quá niên hạn, không đáp ứng quy định kiểm soát khí thải; đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chưa được chú trọng. Sức ép môi trường từ các lĩnh vực sản xuất, việc đốt ngoài trời, bao gồm cả đốt rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch, đốt rác thải sinh hoạt không đúng quy định ở một số địa phương…
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, trước tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố, đô thị lớn hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí; tập trung đầu tư, xây dựng, thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, bảo đảm cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường không khí nói riêng.
Các lực lượng chức năng tập trung kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các nguồn thải ô nhiễm, bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; kiểm soát nguồn thải công nghiệp chặt chẽ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở bên trong cũng như chung quanh các khu vực đô thị; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí trong lĩnh vực được giao quản lý, nhất là lĩnh vực giao thông, xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các chuyên gia môi trường khuyến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung quan trắc, phân tích, đánh giá và kiểm soát nguồn ô nhiễm bụi mịn (PM2.5); bố trí ngay nguồn lực lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường; tiến hành quan trắc thường xuyên, liên tục, định kỳ, tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa để cung cấp các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống cho cộng đồng, kịp thời khuyến cáo những ngày có chỉ số AQI cao, người dân hạn chế ra đường nếu không có việc thật sự cần thiết.
Về lâu dài, cần tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ô-tô điện, xe máy điện, đây cũng là một giải pháp lâu dài cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí; khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện trên cao; xây dựng kế hoạch và từng bước tiến tới thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường, phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Ngoài những giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí nêu trên, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc trồng cây xanh tại các công viên, hè phố để giảm tình trạng thải khí, khói bụi, góp phần làm hạ nhiệt độ và tăng sự trong lành không khí cho người dân.