Đắk Hà (Kon Tum) : Lan tỏa niềm tin từ xây dựng Nông thôn mới

BVR&MT – Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận tích cực của nhân dân, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Đắk Hà đã trở thành địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh, từng bước hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Có thể nói, phong trào xây dựng NTM thời gian qua đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày càng thay đổi. Phát huy tinh thần đó, trong những năm qua, cấp ủy và chính quyền các cấp huyện Đắk Hà tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị song song với phát huy vai trò chủ thể của người dân nhằm phấn đấu xây dựng, củng cố nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, tích cực xây dựng khu dân cư thông minh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng NTM từ các xã đạt chuẩn trước đó, huyện Đắk Hà đang tập trung nhiều nguồn lực gắn với huy động sự đóng góp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp tích cực hoàn thiện các tiêu chí theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Trong đó, tập trung vào đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng – kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân phát huy nội lực trong phát triển kinh tế. Lấy kinh tế làm đòn bẩy để thực hiện các tiêu chí còn lại.
Vườn sầu riêng của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công Phú, xã Đắk Long, huyện Đắk Hà.

Thành tích đạt được

Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương  phục vụ được huyện đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, có 10/10 xã đạt chuẩn tiêu chí về thủy lợi. Ngành điện đầu tư hoàn thiện hệ thống mạng lưới điện liên xã, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống lưới điện, có 10/10 xã đạt chuẩn tiêu chí về điện. Bên cạnh đó, toàn huyện Đắk Hà có 23/41 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất theo quy định; 41/41 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất tối thiểu, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Các địa phương tập trung đầu tư xây dựng nhà văn hóa, hội trường đa năng, sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, TDTT của xã, các điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định, có 10/10 xã đạt chuẩn. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa hàng ngày của người dân trên địa bàn, có 10/10 xã đạt chuẩn. Mạng lưới thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông được mở rộng đến 100% các xã, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi vào hầu hết các lĩnh vực đời sống, có 10/10 xã đã đạt chuẩn.

Nhờ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn huyện Đắk Hà chuyển dịch theo hướng tích cực, qua đó góp phần đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, làm thay đổi bộ mặt nghiệp nông thôn. Đến nay, huyện Đắk Hà có 7/10 xã đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập, 9/10 xã đạt về tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm, có 9/10 xã đạt chuẩn  tiêu chí số 15 về y tế. Các giá trị văn hóa của dân tộc tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, các hoạt động TDTT triển khai tích cực, 10/10 xã đạt tiêu chí về văn hóa.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, huyện Đắk Hà luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường – một trong những nhiệm vụ then chốt để đạt chuẩn NTM. Chính vì vậy, mỗi địa phương trong huyện đã đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường. Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 -2025 có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước, với các chỉ tiêu mới và yêu cầu cao hơn. Tiêu chí môi trường, đang được huyện Đắk Hà nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp. Nhằm phát huy sức mạnh đồng bộ mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ môi trường. Một số mô hình tự quản về bảo vệ môi trường được hình thành và hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Đắk Hà đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng môi trường sống xanh, sạch đẹp, trong đó có Tổ hợp tác (THT) thu gom rác thải môi trường thôn Đăk Tin (xã Đắk Ngọc). Người dân hiện nay cũng đã phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình mình mang ra điểm tập kết để THT đến thu gom. Nhờ vậy, từng con đường nhỏ qua các thôn của xã ngày càng sạch sẽ, gọn gàng hơn. Với những đóng góp không hề nhỏ, mô hình hoạt động của THT đã nhận được sự ủng hộ của đại đa số người  dân và chính quyền. Mô hình bảo vệ môi trường do THT Đăk Tin làm chủ đang được một số địa phương hoc tập và nhân rộng.

Để đảm bảo tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM, huyện Đắk Hà tiếp tục vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Ưu tiên bố trí quỹ đất và quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật môi trường, tăng cường kiểm soát việc  sử dụng hóa chất nông nghiệp, đẩy mạnh thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ dịch hại, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Qua đó, đem lại môi trường sống an toàn cho nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM đảm bảo đúng lộ trình.

Chia sẻ với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, đại diện lãnh đạo UBND huyện Đắk Hà cho biết: Để yếu tố môi trường không trở thành “rào cản” trên con đường xây dựng NTM, do đó, trong quá trình xây dựng, các địa phương đã nghiêm túc triển khai công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng các chiến dịch như “ Ngày môi trường thế giới”, “ Ngày nước thế giới”, “ Giờ trái đất”, “ Chiến dịch làm cho thế giới xanh sạch hơn”, “Ngày Chủ nhật không túi nilon”.

Không chủ quan kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Hà đặt ra quyết tâm, nỗ lực phấn đấu trở thành một địa phương điển hình trong phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc và chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Thực tiễn cho thấy chương trình xây dựng NTM đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an , ninh trên đia bàn, người dân đã chủ động, tự nguyện tham gia với nhiều hình thức đa dạng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, môi trường sinh thái được bảo vệ, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy, trình độ dân trí và chất lượng hệ thống chính trị cơ sở từng bước được nâng cao. Với phương châm “ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, chủ trương xây dựng NTM “ Dân biết- dân bàn – dân làm – dân hưởng thụ”.

Lê Hồng