Bạt ngàn “mầm non xanh” phủ kín núi rừng phía Bắc

BVR&MT – Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 200km về phía Tây Bắc, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) được biết đến là vùng trồng chè Shan Tuyết lớn và nổi tiếng của cả nước. Phần lớn người dân tại đây là người đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào trồng và chế biến chè hữu cơ. Tuy trồng chè đem lại thu nhập cao cho người dân, song vẫn còn nhiều khó khăn trong việc khai thác hết tiềm năng vốn có của loại cây đặc sản này.

Theo số liệu thống kê năm 2021, tổng diện tích chè của toàn huyện Quang Bình trên 3.282 ha. Trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 2.959 ha, diện tích đang chăm sóc trên 323 ha, sản lượng ước đạt trên 13.315 tấn. Nhờ diện tích trồng chè lớn, cây chè được trồng trên vùng núi cao Tây Côn Lĩnh khắc nghiệt đã giúp chè Shan Tuyết mang hương vị thơm ngọt tự nhiên, trở thành sản phẩm kinh tế mũi nhọn của địa phương. Chính vì thế, thu nhập của bà con tại huyện Quang Bình ngày càng được nâng cao, nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ cây trồng đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao.

Người dân cheo leo thu hoạch búp chè non trên những đỉnh núi cao.

“Vàng xanh” của vùng núi cao Tây Côn Lĩnh

Chè Shan Tuyết của Hà Giang là giống chè cổ thụ được trồng quanh dãy núi Tây Côn Lĩnh tập trung chủ yếu tại 5 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên và một số địa phương khác.

Đỉnh Tây Côn Lĩnh là nơi ươm mầm những búp chè Shan Tuyết nổi tiếng.

Nằm trên vùng núi thượng nguồn sông Chảy, một trong những khối núi đá granit cổ xưa nhất Việt Nam, Tây Côn Lĩnh đã có trên 500 triệu năm tuổi đời. Với độ cao 2418m, đỉnh Tây Côn Lĩnh được mệnh danh là nóc nhà Đông Bắc của Việt Nam. Phía xung quanh đỉnh là những khu rừng nguyên sinh đã hàng ngàn năm tuổi, nhiều nơi còn chưa có dấu vết của con người.

Tây Côn Lĩnh từ lâu đã được biết đến là nơi sinh trưởng của cây chè rừng, với những vùng chè có độ cao từ 800-100m so với mực nước biển. Theo các nghiên cứu khoa học, lông tuyết trên búp trà Shan Tuyết được sản sinh do thời tiết khắc nghiệt và sự tương quan nhiệt lượng ngày đêm. Cây chè phát triển lông tuyết để tăng cường quang hợp, điều này làm tăng lượng Polyphenol trong trà. Đây là nhóm hợp chất điển hình với thành phần giàu tannin và catechin. Bởi thế, chè rừng nơi đây luôn đậm đà hương vị, ngọt hậu và uống được nhiều tuần trà điều mà những giống chè trồng ở vùng trung du và đồng bằng không thể có được.

Những cây chè có tuổi đời từ rất lâu mang hương vị đặc biệt.

Với nguồn chè cổ thụ chất lượng cao, các búp chè Shan Tuyết tại đây được thu hái và đem về chế biến ngay lập tức trong các thôn bản cheo leo nơi lưng chừng núi khiến hương vị chè xanh của Tây Côn Lĩnh luôn thơm ngọt tự nhiên, đa dạng, phong phú theo đặc trưng của từng vùng, từng bản.

Nằm trên vùng núi Tây Côn Lĩnh trải dài, đa số vùng chè của người dân tại Quang Bình được trồng trên vùng núi cao, mây che phủ. Để hái được những búp chè tươi, người dân tại đây phải leo lên những đỉnh núi cao để hái chè, sau đó vượt qua bao con dốc chênh vênh, đổ đèo nguy hiểm để mang hương vị trà của núi rừng đến người thưởng thức.

Vượt lên khó khăn, tạo ra giá trị kinh tế từ giống chè Shan Tuyết

Chè Shan Tuyết hiện đang là cây trồng chủ lực đem lại kinh tế chính cho người dân huyên Quang Bình, ngoài trồng chè người dân tại đây còn trồng một số loại cây trồng khác tuy nhiên diện tích trồng còn ít, giá trị kinh tế đem lại thấp.

Để mở ra hướng đi mới cho bà con dân tộc thiểu số tại đây, nhà máy chè Quang Bình hiện đang là đơn vị liên kết với nhiều hộ dân trồng chè tại huyện Quang Bình, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đơn vị cũng đem lại thu nhập cho khoảng 20-30 nhân công trong mỗi vụ cao điểm, thu nhập trung bình của mỗi nhân công dao động từ 4-5 triệu đồng/ tháng, chủ yếu là những người phụ nữ dân tộc thiểu số.

Các sản phẩm chè đều được kiểm tra chất lượng chặt chẽ, tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Nhung – Giám đốc nhà máy chè Quang Bình cho biết, để thay đổi thực trạng ấy những năm trở lại đây Nhà máy chè Quang Bình đang tích cực liên kết với các nghệ nhân làm chè uy tín từ các vùng chè rừng Hà Giang, cũng như lên kế hoạch đào tạo cho bà con phương pháp chăm sóc, thu hái chè rừng đúng cách.

Với thương hiệu Tây Côn Lĩnh, nhà máy chè Quang Bình đang từng bước cho ra các sản phẩm chè xanh, chè vàng tốt hơn, cũng như nâng tầm chè đặc sản Hà Giang với việc liên kết với các nghệ nhân ưu tú, những xưởng chè chất lượng trong vùng. Các nỗ lực không ngừng nghỉ trên không chỉ nhằm mục đích tìm một vị trí xứng đáng trên thị trường, giới thiệu những nghệ nhân làm chè hàng đầu đến với trà hữu cả nước, mà còn nhằm cải thiện đời sống của bà con dân tộc thiểu số, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Trồng chè đem lại kinh tế ổn định cho người dân nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế.

Dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong sản xuất, chế biến chè hữu cơ, tuy nhiên để khai thác hết tiềm năng vốn có gặp nhiều khó khăn. Do diện tích chè ở nhiều vùng, nhiều dân tộc nên tập quán sản xuất, văn hóa khác nhau dẫn đến sự quan tâm của người dân đến cây chè chưa đồng đều. Nhiều vùng chè Shan tuyết có tiềm năng nhưng chưa được khai thác triệt để. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa các DN, HTX với người trồng chè chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giá chè lên xuống bấp bênh, đầu ra không ổn định.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của chè Shan Tuyết chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, phần ít tiêu thụ tại thị trường trong nước. Do đó, thương hiệu chè Shan Tuyết trong nước còn rất ít người tiêu dùng biết đến trong khi đây là loại trà đặc sản có tuổi đời hàng trăm năm đang cần được bảo tồn và phát triển.

Cùng với đó, trồng chè chỉ là thời vụ không đem lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân. Sau mỗi vụ chè, bà con lại quay trở lại trồng lúa, trồng ngô… kết hợp làm một số công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Do đó, chính quyền địa phương cần có nhiều hướng đi phát triển bền vững hơn để ổn định kinh tế cho người dân tộc thiểu số, đồng thời bảo tồn giá trị của giống cây đặc sản này, đưa thương hiệu chè Shan Tuyết tới rộng rãi người tiêu dùng trong nước.

Đào Thúy