Bắc Hà: Độc đáo lễ hội “Nhảy lửa” của người Dao đỏ

BVR&MT – Lễ hội nhảy lửa là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức phong phú và độc đáo của đồng bào Dao đỏ, thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại sân vận động trung tâm huyện Bắc Hà.

Lễ nhảy lửa thường được tổ chức vào dịp cuối năm và đầu xuân, với ý nghĩa lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho dân tộc sự an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Lễ nhảy lửa được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Một đống than củi to được soạn sẵn, phải là loại than hồng, đang bùng cháy ở giai đoạn rực rỡ nhất.

Lễ Nhảy lửa (tiếng Dao gọi là Pút tồng), thường được tổ chức từ đầu năm âm lịch đến ngày 15 tháng Giêng. Đây là nghi lễ truyền thống của một số dân tộc miền núi phía Bắc, trong đó có người Dao đỏ ở xã Nậm Đét (Bắc Hà), Lễ hội này được tổ chức theo quy mô hộ gia đình khi có người con, cháu vừa làm xong lễ Cấp sắc. Đây là lễ hội truyền thống lớn, quan trọng hàng đầu trong năm của người Dao đỏ, mang nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, kỳ lạ.

Lễ nhảy lửa được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Trong phần nghi lễ của người Dao đỏ thì vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến… Tất cả các sản phẩm được trưng bày trên một bàn gỗ dài. Ngay giữa sân, một đống củi to đã được thanh niên mang đến, xếp gọn gàng.

Khi đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy, thầy cúng bắt đầu làm nghi lễ. Niên phụ lễ và bài cúng thần lửa được cất lên bằng những câu cầu may cho một năm mới, một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong “mưa thuận, gió hòa”, muôn nhà khỏe mạnh. Cầu mong thần lửa mang hơi ấm của mình về sưởi ấm dân làng, về vui cùng lễ hội.
Trong lúc chủ lễ cầu khấn, cũng là lúc người phụ lễ dùng một gióng vầu tre đã được chuẩn bị từ trước, được chẻ đôi, cầm chặt vào nhau như chưa hề chẻ ra, gieo xuống bàn hay xuống đất. Khi hai mảnh tre hay vầu cùng ngửa, hoặc cùng sấp thì cũng có nghĩa là thần lửa đã đồng ý về vui cùng dân bản, còn nếu một sấp, một ngửa thì phải xin lại, đến khi được thì thôi.

Những chàng trai người Dao đỏ như đang trong cơn mê say, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống than lửa mà không hề có cảm giác rát bỏng hay sợ hãi.

Khi đống củi trở thành đống than hồng rừng rực cháy, những thanh niên tham gia nhảy lửa sẽ ngồi quanh thầy cúng và đây cũng chính là thời điểm quyết định những thanh niên này có tham gia nhảy lửa được hay không. Khi thầy cúng bắt đầu đọc tên của tất cả những người tham gia nhảy lửa gồm 10 chàng thanh niên được chọn tham gia nhảy lửa đã ngồi “hầu lễ” từ đầu buổi lễ.

Theo phong tục của người Dao đỏ, 10 chàng trai này sau khi được cấp sắc xong phải tham gia nhảy và tắm lửa, “gọi hồn”, tìm sư phụ phù hộ, học phép, trước khi nhảy và tắm lửa, đặc biệt họ phải giữ cho cơ thể sạch sẽ, kiêng bế con, đặc biệt là cấm kị quan hệ tình dục, ăn thịt chó trong 1 tháng.

Các thanh niên đến từ rất sớm để tham gia lễ nhảy lửa.

Khi bắt đầu buổi lễ, người Thầy cúng mời gọi 3 lần liền các thầy tiền bối đến phù hộ giúp đỡ cho 10 người trò nhảy và tắm lửa. Thầy tiền bối nhập vào người trò, người trò đang ngồi ghế cạnh đống lửa, than hồng bỗng tay, chân run lẩy bẩy mỗi lúc một mạnh, một lúc đứng bật dậy nhảy xung quanh đống lửa. Thông thường thì từng người hay từng đôi một nhảy lửa, họ đi chân không trên đống than, họ nhảy, họ lăn vòng trên than hồng khi lửa còn lem lém bốc cháy theo từng bước chân của họ. Cứ hết đôi này đến đôi khác cho đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại.

Thật kỳ lạ, chẳng có ai bị bỏng hay cháy quần áo, mắt ai cũng như say lờ đờ, ánh lửa mùa xuân như vẫn rừng rực cháy trong lòng họ. động tác nhảy được truyền từ đời trước sang đời sau. Các động tác hết sức nhanh gọn, kì lạ… Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình.

Những người tham gia sẽ nhảy lửa cho đến khi than tàn mới thôi.

Quanh đống lửa, hàng trăm đôi mắt các cô gái người Dao dõi theo những chàng trai chưa có vợ, đang nhảy lửa, để rồi xong hội xuân, họ tìm đến nhau, nhen nhóm tình yêu, thương trộm, nhớ thầm để rồi nếu hợp duyên sẽ nên vợ, nên chồng.

Kết thúc buổi lễ nhảy lửa Ông chủ lễ cầm con gà trống cùng rượu và giấy bạc đứng trước bàn thờ cầu khấn phù hộ cho những người tham gia nhảy lửa được khỏe mạnh, thông minh, học được nhiều phép, cúng giỏi, đủ đức, đủ tài để giúp đỡ mọi người, chữa bệnh, cưu mang dân nghèo, làm phúc cho thiên hạ. Phù hộ cho gia đình, dòng họ, đồng bào dân tộc Dao đỏ làm ăn phát đạt, phát tài, phát lộc, giàu sang, phú quý. Ông chủ lễ tạ ơn các thầy tiền bối (sư phụ) bằng hương, giấy bạc, rượu, hóa vàng để đưa sư phụ về nơi thiên đường.

Lễ hội nhảy lửa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Đỏ ở Nậm Đét và là minh chứng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của các chàng trai người Dao Đỏ mà còn là hoạt động văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc rất hoang sơ, huyền bí cần được nghiên cứu và bảo tồn.

Tráng Xuân Cường