Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển cây nhãn đặc sản

BVR&MT – Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tỉnh có khoảng 13.723 ha cây ăn trái; trong đó, cây nhãn nhiều nhất với hơn 1.754 ha.

Toàn cảnh vườn nhãn tại ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.

Nhãn đang cho thu hoạch là hơn 1.522 ha, tổng sản lượng ước khoảng 21.000 tấn/năm. Nhiều năm qua, cây nhãn không chỉ là cây đặc sản mà còn là cây “xóa đói giảm nghèo” bền vững cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đặc biệt, ở Bà Rịa-Vũng Tàu với các giống nhãn như xuồng cơm vàng, nhãn bao công, nhãn bắp cải, nhãn tiêu, là những giống nhãn nức tiếng thơm, ngọt, giá bán luôn ở mức cao. Cụ thể, giá nhãn bắp cải có giá 150.000 đồng/kg, giá nhãn tiêu 120.000 đồng/kg, nhãn xuồng bao công 50.000 đồng/kg và xuồng cơm vàng khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg…

Cây nhãn được trồng trên đất cát ven biển của tỉnh, với hương vị ngon ngọt, cùi dày, có màu vàng đặc trưng ít nơi nào có được. Nhờ ưu thế vượt trội về chất lượng, cây nhãn của Bà Rịa – Vũng Tàu đã được bán trong các siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh và một số hệ thống siêu thị lớn của cả nước, đặc biệt trái còn được xuất đi thị trường Trung Quốc, Nhật Bản….

Gắn bó với cây nhãn đã 30 năm, ông Trần Văn Xuyên, 68 tuổi, ngụ ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, trước đây trên diện tích đất đang trồng nhãn này gia đình ông đã trồng qua rất nhiều loại cây như bắp, khoai mì nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy giá trị kinh tế mà cây nhãn đem lại cho vùng đất cát phì nhiêu, màu mỡ ven biển này ông đã quyết định chuyển qua trồng loại cây này. Ban đầu từ 1 ha sau gia đình ông dần mở rộng diện tích lên đến 4 ha và đang cho thu hoạch với năng suất, sản lượng rất ổn định, trung bình khoảng 9 tấn/ha. Do cây đã phát triển ổn định nên mỗi năm gia đình ông Xuyên cũng chỉ tốn khoảng trên 50 triệu đồng chi phí phân, thuốc cho vườn nhãn. Chất lượng của vườn nhãn thì được nhiều thương lái đánh giá rất tốt với cơm vàng dày cùi, ngọt và thơm, nên sức tiêu thụ rất tốt, sau khi trừ chi phí mỗi năm ông lời cả gần 900 triệu đồng/4ha.

Còn tại Hợp xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nhân Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, hiện đang canh tác gần 20 ha nhãn, đây là hợp tác xã nhãn đầu tiên được cấp mã vùng trồng và xuất khẩu đi các nước Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện hợp tác xã đang xây dựng mã vùng trồng để xuất đi thị trường các nước EC và Australia.

Theo thống kê của UBND huyện Xuyên Mộc, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 1.542 ha; trong đó có khoảng 1.000 ha nhãn xuồng cơm vàng, năng suất đạt 14 tấn/ha, sản lượng khoảng 20.200 tấn/năm.

Ông Trần Văn Dững, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, với diện tích trồng nhãn lớn nhất của tỉnh, thời gian qua địa phương đã tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu VietGAP, hữu cơ và thực hiện đăng ký mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao với khoảng 1.000 ha áp dụng các kỹ thuật như: tưới, bón phân tự động, ứng dụng công nghệ sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp để phòng trừ dịch bệnh, hệ thống xử lý bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhãn. Nhiều năm qua, nhờ trồng cây nhãn mà kinh tế của các nông hộ đã thực sự khởi sắc, cuộc sống và thu nhập ổn định.

Tại huyện Đất Đỏ, địa phương có diện tích trồng nhãn đứng thứ 2 của tỉnh, với hơn 100 ha, chủ yếu là trồng nhãn xuồng cơm vàng, nhãn bắp cải, nhãn tiêu, nhãn bao công. Cây nhãn đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân nơi đây.

Ông Phạm Thẩm, tổ 1, ấp An Điền là một trong những hộ đầu tiên đưa cây nhãn về trồng tại xã Lộc An. Ông chia sẻ, lúc trước ông đã trồng qua nhiều loại trái cây như: mãng cầu, xoài, điều… Tuy nhiên, nhận thấy vùng đất cát ven biển này rất phù hợp với sự phát triển của cây nhãn, nên ông đã quyết định chuyển đổi hoàn toàn qua loại cây trồng này.

Đến nay, sau hơn 30 năm canh tác, vườn nhãn 4 ha với 1.000 gốc nhãn các loại: xuồng cơm vàng, xuồng bao công… đã cho gia đình ông Thẩm nguồn thu nhập ổn định. Để cây nhãn cho chất lượng cao và sản lượng ổn định, ngoài tham gia các lớp tập huấn của địa phương, ông Thẩm còn tự nghiên cứu chiết cành, nhân giống để được cây nhãn có năng suất và chất lượng cao, trái nhãn của vườn ông dày cùi, ngọt nước. Hiện, mỗi vụ gia đình ông thu hoạch từ 26-30 tấn, giá bán trung bình từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu lãi 250 triệu đồng/ha, khoảng 1 tỷ đồng/4ha. Cây nhãn đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu ổn định, phát triển kinh tế và làm giàu cho gia đình ông.

Cây nhãn không chỉ phát triển thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn được người dân Lộc An tận dụng, xây dựng thành các mô hình du lịch sinh thái. Từ tháng 6/2022, vườn nhãn Hòa Thuận, ấp An Điền, xã Lộc An, đã trở thành điểm tham quan du lịch cộng đồng. Sản phẩm tại vườn Hòa Thuận có hai loại chính là nhãn xuồng bắp cải và nhãn bao công. Hiện hợp tác xã có 12 hộ, diện tích 23,7 ha, trong đó có 10 hộ đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.

Ông Nguyễn Ngọc Thép, Giám đốc Hợp tác xã Nhãn xuồng Lộc An, huyện Đất Đỏ chia sẻ, để thu hút được khách tham quan nhiều hơn nữa trong tương lai hợp tác xã sẽ sản xuất nhãn hữu cơ, nhãn sạch và đạt chứng nhận của nhà nước để thu hút lượng khách tới ngày càng đông hơn và du khách cũng sẽ được thưởng thức sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Theo ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng sản xuất nhãn tập trung; triển khai các mô hình đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong canh tác. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm, vận dụng các cơ chế, chính sách về khuyến nông, chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp …, để hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ trồng nhãn trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Với những giá trị cây nhãn mang lại cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã và đang khẳng định vị thế của loại cây ăn trái này – trở thành đặc sản của tỉnh được nhiều người dân và du khách ưu chuộng.