BVR&MT – Dự án cải tạo đất ở miền Trung Philippines đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà khoa học, ngư dân và các tổ chức xã hội dân sự.
Dự án có tổng trị giá 456 triệu USD, được thực hiện trên tổng diện tích 174 ha và được thành phố Dumaguete giao cho nhà thầu là công ty xây dựng EM Cuerpo, Inc. (EMC).
Các chuyên gia cho rằng bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ dự án sẽ không thể bù đắp với “thảm họa sinh thái nghiêm trọng” mà nó có thể gây ra.
Nhà khoa học biển Rene Abesamis cho biết giá thầu cải tạo trên sẽ bao phủ 85% bờ biển của thành phố, tương đương với kích thước của 4.000 sân bóng rổ và điều này sẽ là hồi chuông báo tử cho các hệ sinh thái ven biển địa phương.
Sự phản đối của cộng đồng được cụ thể hóa bằng ba kiến nghị kêu gọi loại bỏ dự án, trong đó có hoạt động thu thập 20.000 chữ ký điện tử gửi tới văn phòng thị trưởng thành phố. Nhiều nhóm khác nhau, bao gồm các tổ chức tôn giáo, giáo dục, môi trường và các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án vì lý do môi trường, kinh tế và pháp lý.
“Môi trường gần bờ là nơi sinh sống của nhiều loài cá như cá hồng, cá tráp… Dự án vấp phải sự phản đối của số đông bởi hoạt động cải tạo có thể dẫn đến sự suy thoái và xóa sổ rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô cùng sự tuyệt chủng cục bộ từ hàng trăm đến hàng nghìn loài cá và các loài sinh vật biển trong 4 khu bảo tồn biển của thành phố Dumaguete và dọc theo bờ biển của tỉnh Negros Oriental”, Annadel Cabanban và Aileen Maypa, hai chuyên gia về cá của IUCN cho biết.
Phía các quan chức thành phố khẳng định rằng dự án sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh suy thoái do đại dịch gây ra bằng cách giảm bớt tình trạng thất nghiệp, giải quyết tỷ lệ nghèo cao trong khu vực và rằng “thành phố thông minh” được quy hoạch mới sẽ có cơ sở xử lý nước thải ven biển, bảo vệ đường bờ biển, tạo không gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh viện và các trung tâm hành chính của thành phố. Theo dự thảo thỏa thuận liên doanh giữa thành phố và EMC, nhà thầu sẽ sở hữu 51% khu đất thu hồi sau 30 ngày kể từ khi hợp đồng được ký kết. Ngược lại, thành phố sẽ được hưởng lợi từ thuế và việc tạo ra từ các cảng cùng các khu thương mại và công nghiệp mới.
Tuy nhiên, các nhà phê bình nghi ngờ năng lực tài chính của EMC bởi hồ sơ tài chính công ty cho thấy tài sản ròng của EMC chỉ đạt 27,8 triệu USD tính đến tháng 12/2020. Quan trọng hơn, dự án sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với môi trường, đặc biệt là sinh vật biển. Thành phố Dumaguete là một thị trấn đại học ven biển với 4 khu bảo tồn biển và tất cả sẽ bị tác động nghiêm trọng khi hoạt động cải tạo bắt đầu.
Trong một bức thư ngỏ, cựu hiệu trưởng các trường đại học và các nhà khoa học từ Đại học Silliman có trụ sở tại Dumaguete, một trong những trung tâm hàng đầu của Philippines về nghiên cứu biển cho biết dự án sẽ “trực tiếp phá hủy, chôn vùi theo đúng nghĩa đen một số rạn san hô, cỏ biển và các hệ sinh thái trầm tích mềm còn sót lại”.
“Rừng ngập mặn và cỏ biển đều rất quan trọng trong việc hấp thụ carbon và đóng vai trò là vườn ươm cho cá. Các rạn san hô cung cấp môi trường sống quan trọng cho nhiều loài cá quan trọng về mặt thương mại và tăng thêm giá trị du lịch”, nhà sinh vật biển Jean Utzurrum cho biết.
Dựa trên sự kết hợp giữa hình ảnh vệ tinh và khảo sát thực địa vào năm 2020, tổ chức bảo tồn biển STEWARDS ước tính dự án cải tạo sẽ phá hủy 62,5% cỏ biển, tương đương 36,15 ha và 60,58% san hô và rạn san hô tương đương 36,2 ha.
Điều này sẽ tác động trực tiếp đến 150 loài san hô; 200 loài cá, bao gồm cả cá mập và cá đuối; 9 loài cỏ biển; 20 loài ở rừng ngập mặn, Hiệp hội Khoa học Biển Philippines (PAMS) cảnh báo.
Utzurrum cho biết nguồn cá trong khu vực sẽ bị thiệt hại đáng kể khi bốn khu bảo tồn biển của thành phố bị dỡ bỏ và sự mất mát này có thể dẫn đến mất an ninh lương thực. “Ở phạm vi rộng hơn, chúng tôi biết từ các nghiên cứu khoa học rằng có tới 60% các loài cá ở Dumaguete là mục tiêu của nghề cá địa phương và mạng lưới khu bảo tồn biển do địa phương quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tán ấu trùng cá giữa các đảo”, Utzurrum nói.
Ngoài việc gây mất ổn định về môi trường sống và sự phong phú của cá, dự án còn buộc di dời 994 ngư dân trong thành phố – những người vốn có nguồn sinh kế phụ thuộc vào hệ sinh thái ven biển.
Vilio Piñero, một ngư dân trong 40 năm, xuất hiện trong một bộ phim tài liệu kêu gọi từ bỏ dự án khai hoang. Ông nói bằng thổ ngữ địa phương: “Nếu quá trình khai hoang diễn ra nhanh chóng, những người đánh cá như chúng tôi sẽ mất nguồn sinh kế. Chúng tôi sẽ không có gì cả. Những người đánh cá chúng tôi sẽ chết”.
Thêm điểm quan ngại là dự án cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt trong thành phố, theo quan điểm của NoTo174Dumaguete, một liên minh các tổ chức phản đối dự án. Nhóm này nói rằng việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo sẽ phá vỡ “dòng chảy tự nhiên của các con sông và lạch” và rằng những đoạn bờ biển mỏng manh của thành phố và hòn đảo có thể trở thành kho chứa chất thải.
Một trong những lý do khiến các tổ chức và công chúng phản đối kịch liệt là dự án thiếu minh bạch và tham vấn cộng đồng. Để xoa dịu bất cập này, chính quyền địa phương đã tổ chức các cuộc thảo luận trong hai ngày ngày 23 – 24/7. Tại cuộc họp, thị trưởng Remollo cho biết ông sẽ kiên quyết yêu cầu các nhà phát triển tránh tàn phá môi trường hoặc hạn chế tối đa tác động tới các rạn san hô hoặc áp dụng giải pháp thay thế san hô nếu cần. Tuy nhiên, sự phản đối của cộng đồng vẫn gia tăng ở Dumaguete.
Ngày 26/7, Hội đồng thành phố đã chỉ đạo EMC giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra liên quan đến dự án. Vấn đề đã thu hút sự chú ý của các chính trị gia. Thượng nghĩ sĩ Risa Hontiveros kêu gọi một cuộc điều tra của Thượng viện về “tác động sâu rộng của dự án”.
Linh Vy (Theo Mongabay)