Xã Hòa Bình (Thường Tín – Hà Nội): Nhiều công trình có dấu hiệu trái phép trên đất nông nghiệp?
BVR&MT – Xây dựng tổ hợp công trình có dấu hiệu trái phép trên đất nông nghiệp. Liệu chính quyền địa phương có làm “làm ngơ” để các sai phạm tồn tại, thách thức luật pháp?
Thời gian vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn. Thành phố yêu cầu nghiêm túc xem xét, quy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra sai phạm liên quan đến lĩnh vực mình quản lý. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng ở một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, theo phản ánh trường hợp của ông Nguyễn Xuân Huy (thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) xây dựng tổ hợp công trình quán cà phê, nhà hàng ăn uống có dấu hiệu xây dựng trên đất nông nghiệp.
Theo quan sát của phóng viên, tổ hợp công trình nhà hàng, quán cà phê của ông Huy đã đi vào hoạt động từ lâu. Nhà hàng có tên là “Trâu Ngon Thường Tín”, hàng ngày tiếp đón rất nhiều đoàn khách đến thưởng thức các món ăn. Không gian tiếp khách rộng rãi với khoảng 80 bàn. Ghi nhận của phóng viên trưa ngày 16/10, các thực khách vào nhà hàng này rất đông, hai bên đường xe đậu kín.
Ngày 16/10, trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Đây là đất xâm canh của xã Tự Nhiên (Thường Tín) thực hiện dự án khu nông nghiệp công nghệ cao.
Khi được hỏi về các công trình xây dựng tại dự án có được phép hay không? Và khi xây dựng xã có biết và thực hiện các biện pháp ngăn chặn? Ông Thắng cho biết: Tôi không nhớ các công trình trên xây dựng khi nào, có phép hay không vì đất chỉ nằm trên địa giới hành chính quản lý của xã chứ đây là đất của xã Tự Nhiên quản lý.
Theo ông Thắng xã không có hồ sơ về dự án này cấp trên giữ hết, xã cũng không tiến hành kiểm tra khu tổ hợp nhà hàng, quán cà phê này. Vì đây chỉ là điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng chỉ thỉnh thoảng có các đoàn học sinh đến thăm quan. Tuy nhiên thực tế ghi nhận của phóng viên lại hoàn toàn khác, người đến chủ yếu là các bậc “phụ huynh”, đến để thưởng thức những món ngon từ nhà hàng “Trâu Ngon Thường Tín”.
Để khách quan, phóng viên cũng đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Thường Tín để làm rõ những nội dung trên.
Dư luận đặt ra câu hỏi, cơ quan chức năng ở đâu khi không có biện pháp ngăn chặn tổ hợp công trình nhà hàng, quán cà phê có dấu hiệu mọc trên đất nông nghiệp. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng ở đâu?
Theo Điều 208, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lí và sử dụng đất đai tại địa phương”.
Do đó, Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lí kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Nếu UBND xã không xử lý trường hợp vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thì theo quy định pháp luật UBND xã phải lập hồ sơ các trường hợp vi phạm báo cáo với UBND cấp huyện xử lý.
Đối với UBND xã để xảy ra trường hợp vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ có biện pháp xử lý ra quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã để chỉ đạo xử lý đến khi vi phạm được khắc phục.
Tổ hợp công trình nhà hàng, quán cà phê có dấu hiệu sai phạm, lãnh đạo chính quyền cơ sở thì thờ ơ, thiếu trách nhiệm, khiến người dân hoài nghi về sự “thượng tôn pháp luật”. Đề nghị UBND huyện Thường Tín, lãnh đạo TP Hà Nội và các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xác minh, kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên đối với cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức để xảy ra những sai phạm nói trên nếu có.
Điểm b, c, d Khoản 4 Điều 232 Luật Đất đai năm 2024 về theo dõi và đánh giá đối với việc quản lý, sử dụng đất đai có nêu:
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá đối với việc quản lý, sử dụng đất đai đối với cấp huyện trực thuộc; đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp tỉnh;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai đối với cấp xã trực thuộc; đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp huyện;
d) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp xã.
Điều 241 Luật Đất đai năm 2024 về Trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển, nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật đất đai khác của người sử dụng đất.
2. Người đứng đầu cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền.
3. Công chức làm công tác địa chính cấp xã; công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp khi thi hành công vụ có trách nhiệm phát hiện và đề xuất xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Điều 239 Luật Đất đai năm 2024 về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai:
Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 và khoản 4 và khoản 5 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ:
Khoản 3: Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
Khoản 4: Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai (02) lần mức phạt quy định tại khoản 3 Điều này.
Khoản 5: Biện pháp khắc phục hậu quả:
a: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
c: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.
Khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ:
Khoản 2. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
Khoản 3. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt quy định tại khoản 2 Điều này.
Khoản 4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.