BVR&MT – Chính phủ Zimbabwe cho rằng việc bán một phần trong số 136 tấn ngà voi và sừng tê giác chết tự nhiên có thể đem lại nguồn kinh phí cho các nỗ lực bảo tồn của họ. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng hợp pháp hóa việc buôn bán ngà có thể khiến voi châu Phi tuyệt chủng.
Châu Phi là quê hương của hai loài voi: voi rừng (Loxodonta cyclotis) sống trong các khu rừng ở Trung Phi, và voi xavan (Loxodonta africana) được tìm thấy trên khắp Nam và Đông Phi, với các quần thể nhỏ lẻ còn lại ở Tây Phi.
Rất nhiều voi đã bị giết lấy ngà trong hơn một thế kỷ. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), làn sóng săn trộm là nguyên nhân chính khiến suy giảm gần 111.000 cá thể voi châu Phi trong thập kỷ từ 2006-2016, số lượng voi bị giết quy mô lớn chưa từng thấy so với hai thập kỷ trước.
CITES đã cấm buôn bán các bộ phần từ voi từ năm 1989, nhưng với sự ủng hộ từ Botswana, Tanzania, Namibia và Zambia, Zimbabwe đang lên kế hoạch kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi tại cuộc họp sắp tới của CITES ở Panama. Chính phủ Zimbabwe đưa ra quan điểm rằng việc bán đi số ngà voi dự trữ sẽ đem lại nguồn tài chính cho công tác bảo tồn và phát triển cộng đồng, trong bối cảnh ngân sách quốc gia còn hạn hẹp và đại dịch COVID-19 làm giảm đáng kể thu nhập từ du lịch và săn bắn của người dân.
Giám đốc Khu bảo tồn Động vật hoang dã Zimbabwe (ZimParks) – ông Fulton Mangwanya cho biết: “ZimParks cần 20 đến 25 triệu USD mỗi năm cho các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã. Chúng tôi cũng tiêu tốn hàng chục nghìn USD mỗi tháng cho việc lưu trữ và bảo mật kho ngà dự trữ đó. Số tiền này có thể được dành cho công tác bảo tồn. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý của Khu bảo tồn. ZimParks không sử dụng ngân sách của chính phủ. Nguồn tài chính của ZimParks hiện chỉ đến từ hoạt động cho phép săn ảnh, cho thuê dụng cụ và giấy phép để săn bắn động vật hoang dã, bao gồm cả voi.
Theo ông Mangwanya, ZimParks bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch covid trên toàn cầu. Họ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nhân lực, thiết bị, phương tiện tuần tra. “Nếu chúng tôi được phép bán kho ngà voi dự trữ, tất cả số tiền thu được sẽ được dành cho cho công tác bảo tồn và hỗ trợ cộng đồng sống gần khu bảo tồn đang chịu những xung đột với động vật hoang dã.” – ông Mangwanya chia sẻ.
Ông Rowan Martin, Cựu Trưởng phòng nghiên cứu Động vật hoang dã và thủy sản của ZimParks cho biết, cần khoảng 3,5 triệu USD mỗi năm để bảo tồn voi ở Zimbabwe. Theo ông, phần lớn thu nhập này đến từ việc săn bắn hợp pháp, khoảng 2,8 triệu USD. Hiện Zimbabwe đang có 90 tấn ngà voi không có nguồn gốc từ hoạt động săn bắn thể thao nên không thể bán hợp pháp. Sẽ có thay đổi lớn cho thu nhập quốc gia nếu có thể bán một phần số lượng ngà này hàng năm.
CITES đã cho phép bán ngà voi từ Zimbabwe, Botswana và Namibia vào các năm 1999 và 2008. Chỉ riêng năm 2008, Zimbabwe đã bán được 3.755 kg ngà voi thô, thu về hơn 500.000 USD.
Đề xuất từ ba quốc gia này về việc bán thêm ngà voi tại hai Hội nghị CITES gần đây nhất đã thất bại, và đề xuất mới nhất cũng đã bị bác bỏ bởi 28 quốc gia có nhiều voi châu Phi khác cũng như các tổ chức bảo tồn.
Bà Lindsey Smith – chuyên gia của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) – cho rằng bất kỳ hoạt động bán ngà voi hợp pháp nào cũng có nguy cơ kích cầu và gia tăng nạn săn trộm. Việc tiếp tục buôn bán ngà voi hợp pháp sẽ đem lại những rủi ro đáng kể mà không lợi ích tài chính tiềm năng nào có thể bù đắp được. Mặc dù quần thể voi Nam Phi đang dần hồi phục nhờ việc kiểm soát nạn săn trộm, tuy nhiên, xung đột giữa người và voi cũng như các chi phí liên quan đến quản lý bảo tồn voi gia tăng. Việc quản lý bảo tồn voi là một vấn đề xuyên biên giới đòi hỏi sự hợp tác quốc tế.
Trái lại, ông Daniel Stiles – điều tra viên độc lập về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cho biết không nên sử dụng dữ liệu săn trộm và việc mua bán trước đó để dự đoán tác động của việc buôn bán trái phép ngà voi. Vụ mua bán ngà voi năm 2008 diễn ra trùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các nhà đầu tư Trung Quốc vừa mới bán tháo tài sản và cổ phiếu. Bởi vậy, tài sản mới mà họ đầu tư là ngà voi. Theo ông, việc bán ngà voi hợp pháp nếu được quản lý hợp lý sẽ không nhất thiết dẫn đến việc lặp lại tình trạng săn trộm tăng đột biến như cách đây một thập kỷ.
Bà Smith cho hay nghiên cứu của bà mâu thuẫn với quan điểm của ông Stiles: thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã phải đối mặt với sự sụp đổ liên tục trong 20 năm qua nhưng không hề tạo ra mức tăng đột biến về tỷ lệ săn trộm.
Bà cho biết đối thoại hợp tác trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau là chìa khóa để xây dựng các chiến lược nhằm giải quyết những thách thức mà Zimbabwe và các nước láng giềng đang phải đối mặt: “Chúng tôi nhận thấy rằng các quốc gia Nam Phi đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn công cộng và các cam kết quốc tế của họ về bảo tồn voi”.
Thùy Dung (Theo Mongabay)