BVR&MT – Giữa tiết trời nắng nóng của những ngày hè, bỏ lại nơi đô thị phồn hoa, ở nơi núi rừng, mới thấm thía được phần nào niềm khao khát phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con vùng núi.
Xóa đói, giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, đồng thời cũng là nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là vì đời sống người dân. Phát triển kinh tế hàng hóa từ mô hình trồng cây ăn quả đang là một hướng đi nâng cao đời sống của bà con Bản Chiềng Ban II – xã Tú Nang – Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Hình thành mô hình trồng rau kết hợp cây ăn quả từ năm 2016, bản Chiềng Ban II là địa phương tiêu biểu, đi đầu trong phong trào sản xuất nông nghiệp phát triển kinh tế xóa đối giảm nghèo. Mô hình cây ăn quả này có tổng diện tích hơn 20 ha, có 10 hộ trong bản tham gia chuyên canh sản xuất cung ứng ra thị trường, với hơn 10 lại cây trồng các loại, có cây ăn lá, ăn củ và cây ăn quả. Từ đó nâng cao đời sống của bà con với thu nhập bình từ mô hình cây ăn quả từ 3 – 5 triệu đồng / tháng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng cư trú tại bản Chiềng Ban II – xã Tú Nang là một gia đình tiêu biểu trong việc xóa đói giảm nghèo từ mô hình trồng cây ăn quả. Đây là một trong những gia đình có diện tích, chủng loại và sản lượng cây ăn quả lớn trong bản Chiềng Ban II.
Khi bà được địa phương tạo điều kiện cho đi tham quan một số mô hình trồng cây ăn quả, bà nhận thấy đây là một nghề có thể phát triển và phù hợp với điều kiện gia đình và địa phương.
Nghĩ là làm, năm 2015 bà Hồng đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng đầu tư mua cây giống là cây chuối, cây xoài về trồng trên diện tích gần 10ha của gia đình. Trong đó, mô hình kết hợp lấy ngắn nuôi dài đó là trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn. Đất không phụ lòng người, ngay vụ thu hoạch đầu tiên gia đình bà đã thu được gần 10 triệu từ việc bán. Trồng cây ăn quả không mất nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ cần dành vài giờ chăm sóc vườn cây, thời gian còn lại vẫn có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Bà Hồng cho biết: “Trước đây, khu vườn này là đồi, chủ yếu là đất sỏi, nguồn nước còn hạn chế nên không thể trồng được các loại cây rau củ. Sau khi đi tham khảo các mô hình trồng cây ăn quả, tôi đã mạnh dạn trồng cây ăn quả. Do phù hợp với đất nên cây phát triển tốt, ít bị bệnh, sai quả, tôi quyết định đầu tư vào trồng cây cây để xóa đói giảm nghèo”.
Vừa làm vừa học hỏi, đến năm 2016, gia đình Bà Hồng cùng một số bà con quyết tâm thành lập HTX hoa quả Quyết Tâm với 10 thành viên trồng thêm một số loại cây ăn quả khác như: dưa lê, dưa hấu, chuối… trong vườn. Trong đó, phần đất bằng phẳng, mô hình trồng thêm các loại rau ngắn ngày theo mùa vụ, như: cây mướp, rau muống, rau bí ngô, các loại rau thơm. Vụ đầu tiên do chưa biết áp dụng kỹ thuật vào việc chăm sóc nên thu nhập còn hạn chế. Bà con đã đi học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè và từ những mô hình khác về cách chăm sóc cây.
Bà Hồng là người đại diện một số gia đình bà con dân tộc miền núi Bản Chiềng Ban II thường xuyên mang sản phẩm nông sản tới hội chợ để giới thiệu sản vùng miền. Từ nhiều nguồn thu từ mô cây ăn quả, gia đình bà Hồng và một số bà con trong bản Chiềng Ban II dần nâng cao thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình. Đời sống của gia đình dần dần được ổn định và có của ăn của để. Do có nhiều điều kiện để phát triển nên đã có nhiều gia đình thoát nghèo bền vững từ mô hình này.
Thành công từ mô hình trồng cây ăn quả trên của bà Hồng bản Chiềng Ban II – xã Tú Nang không những đem lại hiệu quả kinh tế mà nó còn góp phần từng bước thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của bà con nơi đây. Nếu được nhân rộng mô hình này sẽ góp phần tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Văn Trì