BVR&MT – Huyện Văn Chấn hiện có trên 4.545 ha chè, chiếm 61% diện tích chè toàn tỉnh; trong đó, các giống chè lai, chè trung du chiếm 70% diện tích, chè Shan chiếm 30%.
Xác định chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, những năm gần đây, huyện đã ban hành nhiều đề án hỗ trợ trồng và phát triển vùng chè; trong đó, chú trọng cải tạo thay thế giống cũ bằng các giống chè mới.
Giai đoạn 2016 – 2020, Văn Chấn trồng thay thế, trồng mới được trên 790 ha chè, chủ yếu là chè Shan và các giống chè tiến bộ kỹ thuật cho năng suất, chất lượng tốt.
Nhờ chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất, năng suất và sản lượng chè liên tục tăng. Theo thống kê, nếu như năm 2016, năng suất chè của huyện đạt 95 tạ/ha với sản lượng chè búp tươi đạt 45.038 tấn thì đến năm 2021 đã đạt 105 tạ/ha với sản lượng đạt 46.548 tấn, chiếm 67,7% sản lượng chè toàn tỉnh.
Bên cạnh phát triển vùng nguyên liệu, huyện còn chú trọng phát triển hệ thống cơ sở chế biến chè để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hiện, toàn huyện có 51 cơ sở đang sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến đã quan tâm đầu tư đổi mới dây chuyền thiết bị công nghệ, hình thức mẫu mã, chủng loại để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2021, sản lượng chè chế biến của huyện đạt trên 20.000 tấn, chủ yếu là sản xuất chè đen với sản lượng trên 16.600 tấn; giá trị kinh doanh, chế biến chè đạt 587 tỷ đồng; đóng góp ngân sách Nhà nước 19 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, sản xuất, kinh doanh chè ở Văn Chấn hiện gặp không ít khó khăn, hạn chế như việc áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất chưa thường xuyên dẫn đến năng suất, chất lượng chè búp tươi còn thấp; đặc biệt việc người dân sử dụng máy hái chè không đúng kỹ thuật ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nguyên liệu và sự phát triển của cây chè.
Vùng nguyên liệu áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, chứng nhận trong nước, quốc tế hiện mới chiếm khoảng 10% diện tích chè của huyện.
Các cơ sở chế biến chè chất lượng cao còn ít, chủ yếu là chế biến chè đen ở dạng sản phẩm thô, không nhãn mác, thương hiệu, giá bán thấp. Thị trường tiêu thụ chủ yếu qua khâu trung gian, sản phẩm xuất khẩu trực tiếp còn ít nên dẫn đến giá trị chưa cao. Năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, các doanh nghiệp của huyện Văn Chấn tồn kho khoảng 7.000 tấn/2.000 tấn chè thành phẩm. Thị trường đình trệ, dẫn đến giá thu mua chè búp tươi giảm, ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất cũng như đời sống của người trồng chè, dẫn đến nhiều hộ khu vực các xã vùng ngoài của huyện chuyển đổi từ chè sang trồng quế, cây lâm nghiệp.
Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Mai Mộng Tuân cho biết: với hiệu quả đã được khẳng định, chè vẫn được xác định là cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian tới, huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Xác định vùng nguyên liệu là vấn đề sống còn của ngành chè, huyện sẽ tập trung áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư thâm canh; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc cây chè với phát triển kinh tế hộ gia đình. Xây dựng khu vực chuyên canh chè ổn định theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ, chè an toàn; mở rộng vùng nguyên liệu chè Shan vùng cao để phục vụ sản xuất chế biến chè xanh, nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, huyện cũng tổ chức sắp xếp cơ sở chế biến chè theo hướng thu hút các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết đầu tư liên kết sản xuất, chế biến kinh doanh chè hướng vào sản xuất chè xanh, gắn với vùng nguyên liệu hữu cơ và xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP; quy hoạch và phân vùng nguyên liệu gắn với trách nhiệm của cơ sở chế biến, 100% các cơ sở chế biến ký hợp đồng liên kết với người trồng chè.
Cùng đó, huyện tập trung xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại; quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu chè Suối Giàng, chỉ dẫn địa lý chè Shan Văn Chấn; đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về giống chè; quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng chè; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến chè…